ĐƯA LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH VÀO CUỘC SỐNG:
Không chỉ có Hội Phụ nữ
8:31', 29/10/ 2009 (GMT+7)

Dù Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2008 nhưng đến nay một số cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và đoàn thể vẫn còn thờ ơ trong công tác tuyên truyền và phát hiện, xử lý các hành vi BLGĐ. Thậm chí còn xem đây là vấn đề của riêng Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), để họ “tự lên tiếng”. Nhiều phụ nữ là nạn nhân của BLGĐ do không hiểu biết luật, hoặc vì những lý do khác đã không tố giác kẻ có hành vi bạo lực, khiến tình trạng BLGĐ vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

 

Chị Bùi Thị Ơi bị Phạm Văn Chín chém trọng thương.

 

* Âm thầm cam chịu

Kết quả của một số công trình khảo sát, nghiên cứu của cơ quan chức năng về tình trạng BLGĐ tại Việt Nam năm 2008 và 2009 cho thấy, có gần 20% phụ nữ là nạn nhân của BLGĐ. Tuy nhiên, đây không phải là con số thực, bởi theo nhận thức chung của nhiều người, nhất là phụ nữ thì các hành vi cưỡng bức tình dục, lăng mạ, đe dọa vẫn chưa được coi là hành vi bạo lực gia đình. Nhưng tại Điều 2 của Luật PCBLGĐ, các hành vi ngược đãi, đánh đập, xúc phạm danh dự, lăng mạ, gây áp lực về tâm lý, cưỡng ép quan hệ tình dục… đều bị xem là vi phạm pháp luật. Nhiều phụ nữ chỉ tìm đến chính quyền, đoàn thể, pháp luật nhờ giải quyết khi bị chồng đánh đập tàn nhẫn đến mức không thể chịu đựng được. Phần lớn có không ít phụ nữ dù bị chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” nhưng vẫn cố nhẫn nhục chịu đựng để duy trì cuộc sống gia đình và để giữ thể diện danh dự gia đình với họ tộc, hàng xóm láng giềng. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có biết, nhưng do bị hại không trình báo nên không vào cuộc.

Vì ngại điều tiếng mà hơn 6 năm nay, chị Ph. ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn đã cố giấu chuyện bị chồng đánh đập, hành hạ với cha mẹ ruột, bạn bè. Chị Ph. quê ở huyện Sông Cầu (Phú Yên), xuất thân gia đình nghèo, lấy chồng gia đình khá giả những mong sẽ được sống sung sướng, hạnh phúc. Thế nhưng, chỉ sau tuần trăng mật, Ph. phải gánh chịu nhiều tủi cực; ban đầu là sự coi thường, phân biệt giàu nghèo giữa hai gia đình của cha mẹ chồng, về sau là sự khinh miệt của chồng đối với chị Ph, cha mẹ chị Ph. và bắt đầu những cuộc cãi nhau, rồi trận đòn không nương tay của chồng.

Đã mấy lần chị Ph. phải vào bệnh viện cấp cứu, nhiều vết thương cũ trước đây phải khâu nhiều mũi còn để lại trên vùng đầu, mặt của chị Ph. nhưng chị đành cam chịu không tố giác hành vi vi phạm pháp luật của chồng. Mới đây, do chồng ham chơi, đàn đúm và cá độ bóng đá nên chị Ph. đã có lời khuyên nhủ thì lập tức phải hứng chịu một trận đòn làm cho mặt mày thâm tím; dã man hơn, chị Ph. còn bị chồng dùng điếu thuốc đang hút châm vào cánh tay trái làm chị bị bỏng. Những hành vi BLGĐ của chồng chị Ph. đã đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng do thiếu hiểu biết pháp luật và bản thân chị Ph. không muốn lớn chuyện vì sợ ảnh hưởng đến 2 đứa con thơ dại, nên chị âm thầm cam chịu.

 

Chị Ph. vừa bị chồng đánh thâm tím mặt mày và lấy điếu thuốc đang cháy châm vào tay trái.

 

* Cần sự chung tay của toàn xã hội

Gần đây trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ BLGĐ rất nghiêm trọng và phụ nữ là những nạn nhân trực tiếp. Như vụ đánh đập vợ trọng thương ở xã Mỹ Thọ (Phù Mỹ); vụ say sưa về đánh đập vợ, con ở An Nhơn, khiến cho đứa con hư hỏng không kiềm chế được giận dữ, đã dùng dao đâm chết người cha có hành vi bạo hành. Mới đây nhất là vụ chị Bùi Thị Ơi, ở thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước bị người chồng cũ là Phạm Văn Chín đã từng ly thân nhiều năm và đã ly hôn hơn 2 tháng dùng dao cố sát. Chị Ơi thoát chết, nhưng một bàn tay đã đứt, bàn tay còn lại cũng bị tàn phế và nhiều vết thương khác trên người. Kết cục bi thương này cũng xuất phát từ nạn BLGĐ, chị Ơi đã cắn răng chịu đựng mà không tố cáo hành vi phạm pháp của Chín; đến lúc không còn chịu đựng được tính vũ phu của Chín, chị Ơi đã tự giải thoát bằng cách chấm dứt cuộc hôn nhân không hạnh phúc, nhưng cũng không được yên thân.

Ngoài suy nghĩ chậm tiến của một số đàn ông theo “nếp nhà” phong kiến, với ý thức “trọng nam khinh nữ”, người đàn ông trong gia đình quyết định mọi việc; cộng với suy nghĩ “xấu chàng hổ ai” và “đèn nhà ai nấy tỏ” của nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng nông thôn, vô tình đã tồn tại nạn BLGĐ. Và nghiễm nhiên, phụ nữ luôn sống trong sự cam chịu, do vậy chính quyền địa phương chẳng mấy khi biết đến nỗi khổ của họ, bởi ít người nhờ đến sự bảo vệ của pháp luật. Bản thân họ, có người vẫn chưa biết đến Luật PCBLGĐ, hoặc biết nhưng rất mơ hồ. Trong khi những hành vi bạo lực gia đình đã và đang gây nên những hậu quả nghiêm trọng, bởi nó không chỉ làm tổn thương thể xác mà ảnh hưởng lớn đến tinh thần của nạn nhân.

Ông Huỳnh Văn Chưa – Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) tỉnh Bình Định cho biết: Thời gian qua, Trung tâm đã tiếp nhận hàng trăm vụ việc yêu cầu TGPL về lĩnh vực hôn nhân và gia đình; trong đó phần lớn tình trạng BLGĐ dẫn đến hạnh phúc gia đình bị rạn nứt là chủ yếu. Nguyên nhân, là nhiều gia đình ở nông thôn chưa thật sự xóa bỏ những quan niệm cũ kỹ về phân biệt vai trò giữa người chồng, người vợ trong gia đình. Việc tuyên truyền Luật PCBLGĐ, các nội dung về bình đẳng giới chưa thấm sâu vào các gia đình và đông đảo người dân, đặc biệt là phụ nữ trên khắp địa bàn. Vừa qua, Trung tâm và Hội LHPN các cấp đã có một số chương trình phối hợp tuyên truyền, tư vấn pháp luật, đại diện trước pháp luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho phụ nữ. Phía Hội LHPN các cấp cũng đã có nhiều cố gắng mở các đợt truyền thông hay lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chuyên đề của Hội. Tuy nhiên, đạo luật này còn mới, để thực sự đi vào cuộc sống, bên cạnh sự nỗ lực của Hội LHPN cần phải có sự chung tay góp sức của các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương mới đem lại hiệu quả. Bản thân nam giới cũng rất cần nâng cao nhận thức về hậu quả của hành vi BLGĐ, để có thái độ đúng đắn khi giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình, cùng hướng đến một mái ấm không có bạo lực.

  • Ngọc Diên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khó lắm thay!  (29/10/2009)
Khó tuyển học viên  (29/10/2009)
Nhiều bức xúc của người dân được giải tỏa  (28/10/2009)
Chuyện một người tiếp sức cho học sinh nghèo  (28/10/2009)
Đoàn công tác Ban Dân vận Trung ương làm việc tại tỉnh ta  (28/10/2009)
Nâng tầm một trường nghề  (27/10/2009)
Tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm 17,2%  (27/10/2009)
Tuổi trẻ Bình Định vì biển, đảo Tổ quốc  (27/10/2009)
Mỗi địa phương, đơn vị, cá nhân phải gắn thực hiện Cuộc vận động với thực hiện nhiệm vụ chính trị cụ thể của mình  (27/10/2009)
Tặng quà cho đồng bào bị thiệt hại do bão số 9  (26/10/2009)
Quy định mới về cán bộ, công chức cấp xã  (26/10/2009)
Nhớ mãi một con tàu  (26/10/2009)
Tặng quà cho người dân bị thiệt hại do bão số 9  (25/10/2009)
Nữ công nhân nuôi con mọn  (25/10/2009)
Trưởng làng tuổi 30  (25/10/2009)