Bình yên cho những chuyến tàu
7:54', 1/11/ 2009 (GMT+7)

Họ là những nhân viên gác ghi, gác chắn gắn cuộc đời mình với đường ray, trạm gác. Họ vẫn thường đứng bên đường ray, kín mít trong những chiếc áo bạt dài tới gối, tay giơ cao chiếc đèn hiệu trong thời gian đoàn tàu chạy qua.

 

Những chuyến tàu bình yên là niềm hạnh phúc của những nhân viên gác ghi, gác chắn.

 

* Canh gác không kể mưa, bão, lễ, Tết...

Một buổi trưa nắng gắt, tôi theo chân anh Đặng Xuân Tiên, nhân viên gác ghi của Ga Quy Nhơn, đi đón tàu. Ở Ga Quy Nhơn, có 3 nhân viên gác ghi thay nhau trực, mỗi ca trực 24 tiếng, giữa hai ca được nghỉ 24 tiếng. Anh Tiên bảo, Ga Quy Nhơn là ga cuối hành trình, nên lượng tàu ra vào ít, chứ như Ga Diêu Trì nằm giữa hành trình, mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu lại qua, công việc của người gác ghi vất vả hơn nhiều.

Trước khi làm tại Ga Quy Nhơn, anh Tiên từng có 2 năm làm gác ghi tại các ga: Bồng Sơn, Tam Quan, Phù Cát… Nhân viên gác ghi thường được điều chuyển công tác theo yêu cầu của đơn vị. Anh Văn Phước Lộc, 44 tuổi, kể: “Năm 1983, tôi làm gác ghi ở Ga Quy Nhơn, năm sau nhập ngũ. Đến năm 1987, tôi về lại Ga Quy Nhơn, hai năm sau chuyển ra Ga Diêu Trì. Năm 1995, tôi lại ra Ga Phù Mỹ, đến năm 2008, tôi mới làm ổn định tại Ga Quy Nhơn”.

Nói về nhiệm vụ của nhân viên gác ghi, ông Lưu Phúc Bình, Trưởng Ga Quy Nhơn, cho biết: “Trong các nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, gác ghi là người phải làm việc ngoài trời. Đặc thù của công việc gắn với quy định, quy trình, không thể làm bừa làm ẩu. Trách nhiệm bảo đảm an toàn chạy tàu rất lớn, sơ sẩycó thể gây hậu quả khôn lường. Mặc dù từ trước đến nay, ở tỉnh ta, chưa để xảy ra tai nạn nghiêm trọng, nhưng không vì thế mà chủ quan”.

Cũng thường xuyên dầm mưa dãi nắng ngoài trời là những nhân viên gác chắn. Tại đường ngang Cầu Gành (Km 1088+611) có 6 nhân viên gác chắn chia làm 3 ca, mỗi ca trực 12 tiếng. Anh Lê Tiến Vinh, 32 tuổi, là người trẻ nhất với 5 năm trong nghề. Anh Vinh nói: “Nhiều hôm, phải ăn tới ba lần mới xong bữa cơm vì phải đi đón tàu. Ngoài thời gian trực, chúng tôi phải nghỉ ngơi để lấy sức cho ca trực tiếp theo, chứ không thể làm thêm việc gì để tăng thu nhập”.

Vì làm gác chắn vất vả nặng nhọc, buồn tẻ, thu nhập lại không cao, nên việc tuyển nhân viên rất khó khăn. Ông Phan Văn Sơn, Trưởng Phòng Tổ chức Cán bộ và Lao động, Công ty Quản lý đường sắt Nghĩa Bình, cho biết: “Trong số 70 công nhân gác chắn tại tỉnh ta, chỉ có 7 người là nữ. Thời gian gần đây, số nhân viên gác chắn nghỉ hưu rất nhiều, mà tuyển mới thì vô cùng khó khăn. Mới đây, chúng tôi chỉ tuyển được 20 người tham gia lớp đào tạo tại Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ kỹ thuật đường sắt Đà Nẵng (thuộc Trường Cao đẳng Nghề Đường sắt Hà Nội), trong khi chỉ tiêu ngành giao tới 30 người”.

Tàu qua đường ngang Cầu Gành.

 

* Lặng thầm bên những cung đường

Năm nay 47 tuổi, nhưng anh Đặng Xuân Tiên đã có 26 năm trong nghề. Anh kể: “Hồi mới có gia đình, có những đêm 30 Tết, tôi vừa làm việc vừa rơm rớm nước mắt, bởi lẽ giờ ấy, mọi người đang đoàn tụ cùng gia đình… Giờ thì quen việc, yêu mến nghề này, nên mỗi khi trực Tết chỉ buồn một chút, rồi thôi…”. Hỏi anh về những kỷ niệm trong nghề, anh cười: “Nhớ nhất là năm 1991, giữa lúc tàu mang số hiệu 171 từ Quy Nhơn đi Đà Nẵng chuẩn bị xuất phát, có một hành khách bị tai biến, tôi nhanh chân chở bệnh nhân đi cấp cứu. Trong lúc nguy cấp, tôi coi hành khách cũng như người nhà của mình…”.

Nhân viên gác ghi làm việc ở ga, còn được tiếp xúc với nhiều hành khách, người đưa đón, còn những người gác chắn thì chỉ quẩn quanh trong trạm gác nhỏ xíu. Theo quy định, tại các trạm gác chắn không được đặt ti vi, nhân viên gác chắn trong ca trực phải tuyệt đối tập trung cho công việc, không được nằm nghỉ, không được đọc báo.

Chưa hết, nhân viên gác chắn hằng ngày phải đối diện với biết bao phiền phức.  Cạnh trạm gác chắn sân bay Phù Cát (Km 1076+600) có một nền xi măng sạch sẽ, hằng đêm, các thanh thiếu niên chậm tiến thường tập trung tổ chức nhậu nhẹt, quậy phá tại đây. Nhậu xỉn, nhiều đối tượng còn đòi vào trạm ngủ. Nhân viên gác chắn ra nhắc nhở, thì chúng chửi bới, đập vỏ chai, dọa “xin tí huyết”. Trạm nằm ở phần giáp ranh hai huyện An Nhơn và Phù Cát nên việc xử lý kéo dài.

Làm nhân viên gác chắn, nam giới đã khó, phụ nữ lại càng khổ. Chị Nguyễn Thị Hoa, 46 tuổi, nhân viên gác chắn ở đường ngang Tam Quan Bắc (Km 1003+200), cho biết: “Dù đã 28 năm phục vụ trong ngành, nhưng mỗi khi vào ca, tôi vẫn thấy căng thẳng. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho những chuyến tàu, tính mạng và tài sản của người dân qua lại đường ngang, khi nhận thông tin xin đường từ phía trực ban, chúng tôi thường kéo rào chắn bảo vệ trước 5 phút để ngăn chặn những hành vi vượt ẩu. Mỗi khi tàu qua đường ngang chậm một vài phút thì người đi đường lại la ó”.

Theo chị Hoa, đối với nữ gác chắn, “ngán” nhất là nhận ca trực vào ban đêm, chị em có con mọn càng vất vả. “Khổ nhất vẫn là những đêm mưa to gió lớn, mặc dù đã quen việc, nhưng vẫn thấy kiệt sức vì thức đêm… Đôi lúc, buồn ngủ quá phải uống cà phê, trà đặc hoặc tập một vài động tác thể dục để qua cơn. Vậy mà, khi nhận được tín hiệu xin đường thì bao mệt mỏi, buồn ngủ đều tan biến trong phút chốc. Phụ nữ làm nghề này, khó có thể làm “tròn vai” vào những ngày giỗ chạp. Cứ 2 năm một lần, tôi lại là người đầu tiên xông đất nhà mình vào ngày đầu tiên của năm mới! Cũng may, chồng tôi là người trong ngành, nên rất thông cảm cho vợ”- chị Hoa tâm sự. 

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Quy Nhơn nhiệm kỳ 2009-2014  (31/10/2009)
Giúp hộ nghèo khắc phục bão số 9  (31/10/2009)
3 doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng 1.703 ngôi nhà cho hộ nghèo  (31/10/2009)
Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Quân tình nguyện giúp Lào  (31/10/2009)
Tin đồn sai sự thật về ca mổ con gái nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải  (30/10/2009)
Cần được đổi mới  (30/10/2009)
Bổ nhiệm thêm 2 phó hiệu trưởng  (30/10/2009)
Tăng cường phối hợp xử lý dứt điểm tình trạng đào đãi vàng trái phép  (29/10/2009)
Nội soi khí phế quản lấy dị vật  (29/10/2009)
Đã vận động hơn 1,131 tỉ đồng và 550 áo ấm  (29/10/2009)
Không chỉ có Hội Phụ nữ  (29/10/2009)
Khó lắm thay!  (29/10/2009)
Khó tuyển học viên  (29/10/2009)
Nhiều bức xúc của người dân được giải tỏa  (28/10/2009)
Chuyện một người tiếp sức cho học sinh nghèo  (28/10/2009)