HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ HUYỆN AN LÃO:
Phát huy vai trò tích cực của đồng bào dân tộc thiểu số
8:40', 2/11/ 2009 (GMT+7)

An Lão là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như: Kinh, H’re, Bana, Tày, Dao, Êđê; trong đó, dân tộc H’re và Bana có nguồn gốc lịch sử sinh sống lâu đời. Toàn huyện có 9 xã và thị trấn An Lão với 57 thôn, trong đó, có 40 thôn đồng bào dân tộc thiểu số gồm 2.476 hộ, 9.818 nhân khẩu. Trong kháng chiến, đồng bào các dân tộc ở An Lão đã một lòng, một dạ theo Đảng làm cách mạng. Giờ đây, họ đang phát huy ý chí tự lực, tự cường, nêu cao tinh thần lao động sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng bản làng ngày càng khởi sắc…

 

Thi công tuyến đường từ xã An Hòa lên An Toàn. Ảnh: Trang Xuân Chi

 

* Bản làng ngày ấy...

Lịch sử Đảng bộ huyện An Lão ghi nhận: sau khi ổn định được đồng bằng, thực dân Pháp kéo lên miền núi để chiếm đoạt đất đai, lập đồn điền. Các dân tộc ở An Lão ngày ấy đã lâm vào cảnh bần cùng, đói cơm, lạt muối, bệnh tật triền miên…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ ngày 23 đến ngày 30.8.1945, đồng bào các dân tộc ở An Lão đã nhất tề nổi dậy khởi nghĩa, đập tan hệ thống chính quyền của thực dân Pháp và phong kiến. Thắng lợi to lớn trong khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ở An Lão đã làm tiền đề cho sự ra đời chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở huyện, để rồi hình thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện An Lão…

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, đồng bào các dân tộc ở An Lão tiếp tục giành được nhiều thắng lợi. Đó là sự tăng cường khối đoàn kết các dân tộc; xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng và khối các đoàn thể quần chúng; tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế tự túc, đẩy lùi nạn đói, tích cực chống giặc dốt, ngăn ngừa dịch bệnh, xây dựng đời sống mới.

Trong kháng chiến chống Mỹ, An Lão chịu nhiều hy sinh, tổn thất. Vụ thảm sát Đá Bàn cùng những vụ giết người man rợ của Mỹ, ngụy ở An Bình, An Dân, An Thành, An Phú, An Mỹ, An Bửu, với những trận càn quy mô, đã thiêu rụi nhiều bản làng, cướp đi nhiều sinh mạng… Nhưng vượt lên tất cả, đồng bào các dân tộc ở An Lão đã đoàn kết, đồng sức, đồng lòng đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Chiến thắng An Lão ngày 7.12.1964 là một minh chứng cho ý chí, tinh thần của đồng bào các dân tộc ở huyện An Lão anh hùng.

Trải qua hơn 30 năm kháng chiến chống xâm lược, cán bộ và nhân dân huyện An Lão nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, được Đảng và Nhà nước ghi nhận.

* Nỗ lực vượt qua đói nghèo

Qua hơn 10 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhất là giai đoạn (1991-1995) nền kinh tế nông nghiệp của huyện An Lão phát triển tương đối toàn diện. Thế độc canh cây lúa bước đầu đã được xóa bỏ; các tiến bộ KHKT được người dân áp dụng vào sản xuất, để nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng… Từ khi có Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc và một số chính sách ưu đãi khác của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ở An Lão đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, huyện An Lão đã hình thành được trung tâm cụm xã An Trung- An Dũng- An Vinh, An Quang- An Nghĩa- An Toàn đáp ứng được nhu cầu mua bán, tiêu thụ hàng hóa của người dân trong khu vực. Huyện An Lão cũng đang tiến hành bê tông xi măng tuyến đường từ xã An Hòa đi An Toàn dài 30 km, để hoàn thành chỉ tiêu 100% số xã có đường ô tô đến được cả 2 mùa mưa, nắng.

Các công trình thủy lợi ngày càng được kiên cố hóa, đảm bảo đủ nước tưới cho 95% diện tích sản xuất lúa nước. Năng suất các loại cây trồng tăng gấp 2 - 3 lần so với trước; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 65%. An Lão đã xóa hoàn toàn trường học tranh tre, nứa lá và lớp học 3 ca. 100% xã, thị trấn hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCSû; 100% xã có trạm y tế, 95% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 98% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và điện diezel. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm trên 7%. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, nhiều hộ đã xây dựng được nhà kiên cố, mua sắm được nhiều vật dụng và phương tiện đắt tiền. Bản sắc văn hóa các dân tộc được giữ gìn và phát huy. Các loại dịch bệnh được ngăn chặn và đẩy lùi.

Ông Đinh Minh Tấn, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, xác định: “Qua thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số đã được phát huy cao độ, tạo ra những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng…”.

Từ nay đến năm 2020, huyện An Lão tập trung thực hiện chính sách dân tộc và xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện của từng vùng. An Lão sẽ tăng cường đầu tư phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kết hợp chặt chẽ đầu tư phát triển kinh tế gắn với xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào, hoàn thành công tác định canh, định cư bền vững, bảo vệ môi trường, giữ vững an sinh xã hội và an ninh quốc phòng…

  • Hoàng Nam Quốc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những kết quả bước đầu  (02/11/2009)
Phối hợp “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”   (01/11/2009)
Phối hợp “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”   (01/11/2009)
Bình yên cho những chuyến tàu   (01/11/2009)
Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Quy Nhơn nhiệm kỳ 2009-2014  (31/10/2009)
Giúp hộ nghèo khắc phục bão số 9  (31/10/2009)
3 doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng 1.703 ngôi nhà cho hộ nghèo  (31/10/2009)
Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Quân tình nguyện giúp Lào  (31/10/2009)
Tin đồn sai sự thật về ca mổ con gái nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải  (30/10/2009)
Cần được đổi mới  (30/10/2009)
Bổ nhiệm thêm 2 phó hiệu trưởng  (30/10/2009)
Tăng cường phối hợp xử lý dứt điểm tình trạng đào đãi vàng trái phép  (29/10/2009)
Nội soi khí phế quản lấy dị vật  (29/10/2009)
Đã vận động hơn 1,131 tỉ đồng và 550 áo ấm  (29/10/2009)
Không chỉ có Hội Phụ nữ  (29/10/2009)