Ngày 2.11, bão số 11 tiến sâu vào đất liền mang theo mưa và gió mạnh đã tác động xấu đến đời sống của nhân dân. Trước tình hình này, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã huy động mọi nguồn lực để di dời dân sinh sống ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, đồng thời triển khai các biện pháp khác ứng phó với bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
|
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ ngư dân gặp nạn trên biển. (Ảnh: PTS)
|
Chủ động phòng chống
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 11, sáng ngày 2.11 Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã có công điện khẩn chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố dừng ngay các cuộc họp để tập trung chống bão. Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh yêu cầu các thành viên trong ban chỉ huy xuống ngay các địa bàn được phân công để phối hợp với chính quyền các địa phương chỉ đạo đối phó với cơn bão số 11. Trong đó, vận động nhân dân đưa tàu thuyền vào sâu trong các cửa sông để tránh bão, kéo tàu thuyền nhỏ lên bờ và chằng giữ chắc chắn; kiên quyết không để ngư dân trên các tàu thuyền. Mặt khác, huy động lực lượng, phương tiện sơ tán, di dời dân sinh sống trong các ngôi nhà tạm, sinh sống ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Việc tổ chức sơ tán dân ở các vùng nguy hiểm phải hoàn thành trước 10 giờ ngày 2.11. Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường cho học sinh nghỉ học từ sáng 2.11.
Trao đổi với chúng tôi về công tác ứng phó với bão, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hữu Lộc cho biết: “Bão số 11 diễn biến hết sức phức tạp, do vậy ngành chức năng, chính quyền và nhân dân không được chủ quan. Nhiệm trọng tâm hiện nay là đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh chỉ đạo cho ngành chức năng tiếp tục di dời, sơ tán những hộ dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; huy động lực lượng, vật tư hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn, đồng thời hỗ trợ lương thực thực phẩm cho các hộ dân đã di dời, không để nhân dân đói rét. Bên cạnh đó, ngăn cấm người dân không ra đường vào thời điểm mưa to, gió lớn, không đi ngang qua các bờ tràn ngập nước. Ban chỉ huy PCLB-TKCN yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng cứu các tình huống xấu xảy ra”.
|
Các chiến sĩ bộ đội giúp dân chằng chống nhà cửa, gia cố tạm triền núi Một ở phường Đống Đa, nhằm ngăn chặn sạt lở núi làm hư hại nhà dân..(Ảnh: PTS)
|
Nỗ lực vượt bậc
Từ sáng ngày 2.11, trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa to kèm theo gió mạnh khiến cho người dân hết sức lo lắng. Hầu hết các nhà dân đều cửa đóng then cài, mọi hoạt động xuất kinh doanh hầu như ngừng trệ. Thời điểm này, công tác di dời, sơ tán nhân dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn đang được ngành chức năng, chính quyền các địa phương thực hiện một cách khẩn trương.
Tại TP Quy Nhơn, công tác ứng phó với cơn bão số 11 được triển khai khá sớm. Khoảng 3 giờ sáng ngày 2.11, UBND xã Nhơn Châu đã huy động lực lượng dân quân, bộ đội Biên phòng hỗ trợ dân neo tàu thuyền, chằng chống nhà cửa và di dời hơn 30 hộ dân sinh sống ven biển vào nơi an toàn. Còn ở các xã Nhơn Hải, Nhơn Lý và một số phường ven biển, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với bão, trong đó công tác di dời dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn được ưu tiên hàng đầu.
Theo số liệu thống kê ban đầu của Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, đến cuối ngày 2.11, bão số 11 đã làm 2 người dân ở huyện Phù Mỹ và Phù Cát bị thương; 21 ngôi nhà sập hoàn toàn; 169 ngôi nhà khác bị hư hỏng; bão cũng đã làm tốc mái 1 trạm y tế và 26 phòng học; 890 ha lúa và hoa màu bị ngã ngập nước hư hỏng và 950 m đường giao thông bị sạt lở. |
Nhờ vậy, trong buổi sáng ngày 2.11 đã có trên 380 hộ dân sinh sống ở vùng ven biển, vùng có nguy cơ bị triều cường trên địa bàn các địa phương nói trên đã được sơ tán, di dời đến nơi an toàn. Ngoài ra, các chiến sĩ bộ đội đã hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, gia cố tạm triền núi Một ở địa bàn phường Đống Đa nhằm ngăn chặn đất đá sạt lở làm hư hại nhà dân. Theo số liệu thống kê của Ban chỉ huy PCLB-TKCN TP Quy Nhơn, đến 10 giờ sáng ngày 2.11 đã có 410 hộ dân với 1.406 nhân khẩu sinh sống ở vùng nguy hiểm đã được di dời, sơ tán đến nơi an toàn.
Tại các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, công tác di dời và sơ tán dân ở các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn gặp nhiều khó khăn do mưa to kèm theo gió lớn. Tuy vậy, nhờ chủ động áp dụng nhiều biện pháp nên công tác di dời dân được thực triển khai nhanh và hiệu quả. Trong đó, huyện Tuy Phước đã di dời được 285 hộ dân với 1.018 nhân khẩu sinh sống ở vùng ven biển, vùng có nguy triều cường, nguy cơ sạt lở đã được di dời đến nơi an toàn; huyện Phù Cát di dời được 463 hộ dân với 2.553 nhân khẩu; Hoài Nhơn di dời được 240 hộ dân với 976 nhân khẩu.
Theo số liệu thống kê của Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, đến 10 giờ ngày 2.11 đã có 1.731 hộ dân với 7.520 nhân khẩu sinh sống ở vùng nguy hiểm đã được di dời, sơ tán đến nơi ở an toàn. Ngành chức năng và chính quyền các địa phương cũng đã huy động mọi nguồn lực để ứng phó với cơn bão số 11, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.
|
Mặc dù mưa to gió lớn nhưng nhiều người dân ở Bãi Xếp vẫn xuống biển trục vớt gỗ, rất nguy hiểm tính mạng..(Ảnh: PTS)
|
Nhiều người vẫn còn chủ quan
Với sức gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, bão số 11 đã gây nhiều thiệt hại về tài sản của nhân dân trong tỉnh. Trong khi bão số 11 đang đổ bộ vào đất liền, một số ngư dân ở TP Quy Nhơn vẫn chủ quan cho thuyền ra khơi đánh bắt thuỷ hải sản và đã gặp nạn. Đó là trường hợp của anh Hồ Kỳ Thôi (27 tuổi), ở khu vực 2, phường Trần Phú. Khoảng 4 giờ 30 sáng ngày 2.11, anh Thôi sử dụng thuyền thúng đi đánh bắt ghẹ, cách bờ biển khoảng 500 m đã gặp phải sóng to, gió lớn không vào bờ được. Nhận được tin báo, lãnh đạo tỉnh đã liên hệ và nhờ lực lượng cứu nạn vùng 3 sử dụng tàu SART để tìm kiếm cứu hộ nhưng do sóng to, gió lớn, nên công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Đến chiều tối ngày 2.11 vẫn chưa cứu hộ được anh Thôi.
Cũng trong sáng ngày 2.11, ông Trần Đình Hợi cùng 6 ngư dân khác ở phường Đống Đa vượt mũi Tấn ra biển đánh bắt cá và đã gặp nạn. Rất may, lực lượng cứu hộ của Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh đã cứu hộ đưa các ngư dân vào bờ an toàn. Còn tại Bãi Xép, phường Ghềnh Ráng, trong điều kiện mưa to, gió lớn nhưng có rất nhiều người dân ở địa phương xuống biển trục vớt gỗ của một chiếc xà lan chở gỗ trôi dạt vào khu vực này, rất nguy hiểm đến tính mạng. Điều đó cho thấy nhiều ngư dân vẫn còn chủ quan với thiên tai, mưa bão.
|