Bão số 11 vừa quét qua hôm trước, người dân chưa kịp khắc phục hậu quả thì hôm sau lũ dữ tràn về. Nhiều vùng dân cư đã bị cô lập trong nước lũ, công tác cứu hộ và cứu trợ nạn nhân bão lụt đã được nhiều cấp, nhiều ngành và cộng đồng quan tâm và diễn ra khẩn trương…
|
Lực lượng cứu hộ đưa người dân thoát khỏi vùng lũ. (Ảnh: BS) |
Cứu người trong lũ
Từ sáng sớm ngày 3.11, khu vực quanh cầu Đôi (TP Quy Nhơn) tập trung rất đông người đứng ngóng vào khu dân cư thuộc tổ 1A và 1B (KV1, phường Đống Đa) đang bị chia cắt với bên ngoài bởi nước lũ. Nhiều người dân sống ở đây cho biết nước lên rất nhanh từ 3 giờ sáng và đến khi trời sáng thì nhiều nhà nước đã ngập tận nóc. Một số người có sức khỏe liều mình lội nước thoát ra ngoài, còn lại nhiều người bị mắc kẹt, trong đó phần đông người già, phụ nữ và trẻ em.
Để cứu 70 hộ đang bị mắc kẹt tại khu dân cư này, từ sáng sớm, lãnh đạo thành phố Quy Nhơn và phường đã có mặt và khẩn trương điều động các phương tiện cứu hộ kịp thời. Trong khi đó các phương tiện hiện đại khác cũng đã được điều động để cứu hộ cứu nạn người dân phường Nhơn Bình và Nhơn Phú đang bị cô lập giữa biển nước lũ mênh mông trong tình trạng rất nghiêm trọng.
|
Máy bay chuyển mì tôm, nước uống cho người dân vùng lũ. (Ảnh: BS) |
Ngoài lực lượng 30 cán bộ, công nhân của Công ty TNHH Quản lý sửa chữa đường bộ Quy Nhơn do UBND thành phố điều động, lực lượng xung kích và ban bảo vệ dân phố phường Đống Đa cũng được huy động để cứu người dân đang mắc kẹt giữa biển nước. Nhiều người dân cố gắng tham gia cứu hàng xóm và người thân của mình. Lực lượng cứu hộ đã lội nước, đẩy sõng vào khu dân cư để đưa người ra. Trong khi đó, với thúng chai, người dân phải cột dây thừng từ ngoài vào trong tận khu nhà dân để giữ dây bơi thúng trên dòng nước xiết. Nước lũ trên thượng nguồn vẫn đổ về đục ngầu, tràn qua sông Hà Thanh và mấp mé gần cầu Đôi. Chị Nguyễn Thị Thanh Tùng, vừa được cứu khi chuyến sõng cứu hộ đầu tiên cập bờ, trên mặt vẫn còn nét sợ hãi, kể: "Nước lên nhanh từ 3 giờ sáng, xoáy mạnh, trời lại tối om vì cúp điện nên hai vợ chồng tui với hai đứa con không dám thoát ra. Trong đó, nhà nào có gác thì lên gác ở, còn nhà trệt thì dỡ ngói chui lên chờ cứu".
Cho đến hơn 12 giờ trưa ngày 3.11, công tác cứu hộ kết thúc với gần 100 người được cứu. Bà Nguyễn Thị Bích Nga - Chủ tịch UBND phường Đống Đa - cho biết, không chỉ có điểm này, toàn phường có 5 điểm bị nước lũ cô lập hoàn toàn ở các khu vực 9, 4, 1, trong đó tổ 48 và tổ 49 của KV 9 có 2 nhà bị sập. Ngoài ra, toàn phường có gần 1.000 nhà bị ngập. Khu dân cư thuộc tổ 2A (KV1) nằm phía Đông cầu Đôi nước ngập đến nửa nhà. Đến 14 giờ ngày 3.11, phường đã chuyển hàng cứu trợ đến người dân có nhà bị nhấn chìm trong lũ ở KV 1 và KV 9 tổng cộng 400 thùng mì tôm.
|
Đưa gia đình “chạy” lũ. (Ảnh: BS) |
Máy bay thả hàng cứu trợ khẩn cấp
Cũng trong nỗ lực cứu trợ khẩn cấp cho người dân phường Nhơn Bình, Nhơn Phú và một số xã, phường khác của TP Quy Nhơn và các huyện lân cận bị thiệt hại nặng do cơn bão số 11, lực lượng quân đội đã tham gia đắc lực.
Chiều nay, 2 máy bay trực thăng thuộc Sư đoàn Không quân 372 (Đà Nẵng) đã được điều tới để chở mì tôm và nước uống cứu trợ khẩn cấp cho nạn nhân bão số 11 tại Bình Định. Đại tá Nguyễn Văn Cảm - Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn Không quân 372 - cho biết: "Khoảng 23 giờ ngày 2.11, chúng tôi nhận được lệnh của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân cơ động
2 máy bay trực thăng và 2 đội bay chở hàng cứu trợ cho nạn nhân bão số 11 tại Bình Định. Tuy nhiên, do thời tiết xấu, đến 11 giờ trưa ngày 3.11 máy bay từ Đà Nẵng mới cất cánh được".
|
Phụ nữ và trẻ em ưu tiên trước. (Ảnh: BS) |
Ngay trong chiều 3.11, đã có 4 chuyến máy bay trực thăng vận chuyển hàng cứu trợ gồm mì tôm và nước uống (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hỗ trợ 2 tấn mì tôm và nước uống, Bộ Quốc phòng hỗ trợ 2 tấn mì tôm, Báo Thanh Niên hỗ trợ 500 thùng mì) đến cho người dân ở các vùng bị nước lũ cô lập. 2 chuyến bay xuất phát từ sân bay Phù Cát đã thả hàng cứu trợ xuống phường Nhơn Bình và Nhơn Phú (TP Quy Nhơn). Trong khi đó, 2 chuyến bay xuất phát từ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thả hàng cứu trợ xuống phường Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu và xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn), xã Phước Thuận, thị trấn Tuy Phước (Tuy Phước) và xã Canh Vinh (Vân Canh). Dự kiến ngày 4.11, việc cứu trợ bằng máy bay vẫn sẽ tiếp tục với 2 chuyến nữa. Trước đó, mọi nỗ lực đưa hàng cứu trợ đến với người dân ở các vùng bị lũ cô lập, đặc biệt là phường Nhơn Bình và Nhơn Phú đều thất bại.
Tin từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội đã vận động và xuất 2.500 thùng mì tôm để cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ trong toàn tỉnh.
Đến cuối giờ chiều 3.11, công tác cứu hộ, cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở khu vực ngoại thành Quy Nhơn và các vùng lũ ở Bình Định vẫn đang khẩn trương…
|