CÁC ĐỊA PHƯƠNG PHÍA NAM TỈNH:
Ngập chìm trong cơn lũ dữ
20:2', 3/11/ 2009 (GMT+7)

Từ ngày 2 đến ngày 3.11, trên địa bàn tỉnh ta có mưa rất to trên diện rộng, gây nhiều thiệt về người và tài sản của nhân dân, nhất là ở các địa phương phía Nam tỉnh. Đến chiều tối ngày 3.11, nhiều địa phương vẫn còn chìm trong lũ...

 

Chạy lũ. (Ảnh: TS)

 

Mưa to, lũ lớn, gây nhiều thiệt hại

Ngày 2.11, bão số 11 đã gây gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9 trên địa bàn tỉnh. Ngay sau khi bão đổ bộ vào đất liền, hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh đã gây mưa rất to; nhất là ở lưu vực sông Hà Thanh, gây ngập lụt lớn chưa từng xảy ra trong vòng 40 năm qua ở các khu dân cư thuộc lưu vực sông Hà Thanh.

Tính từ 1 giờ ngày 2.11 đến 7 giờ sáng ngày 3.11, lượng mưa đo được ở các trạm lưu vực sông Hà Thanh tại Vân Canh lên đến 801 mm; Quy Nhơn 371 mm; trên lưu vực sông Côn tại Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) 313 mm; Bình Tường (Tây Sơn) 295 mm; Thạnh Hòa (An Nhơn) 260 mm… Mưa lớn kết hợp với mực nước các sông trong tỉnh đang dao động ở mức cao đã gây ngập lụt trên diện rộng. Nhiều vùng dân cư ở các xã khu Đông An Nhơn, Tuy Phước và ở TP Quy Nhơn ngập chìm trong nước, bị cô lập hoàn toàn. Nước tràn qua quốc lộ 1A đoạn ngang qua thị trấn Diêu Trì (Tuy Phước) làm tắt giao thông. Xe chạy tuyến Bắc-Nam ùn lại từ thị trấn Diêu Trì kéo lên đến cầu Bà Gi dài gần 6 km.

 

Đến chiều tối ngày 3.11 vẫn còn hàng trăm ngôi nhà dân ở phường Nhơn Phú bị ngập chìm trong nước.(Ảnh: TS)
 

Tại TP Quy Nhơn, nước lũ từ đầu nguồn đổ dồn xuống sông Hà Thanh càng lúc càng lớn đã làm ngập nhiều khu dân cư, hơn 1.000 ngôi nhà dân ở phường Nhơn Phú, Nhơn Bình bị ngập sâu trong nước. Nước lũ tràn qua đê Đông phường Nhơn Bình trên 1 m, làm vỡ đê sông Hà Thanh thuộc địa phận khu vực 7 và 8, phường Nhơn Phú; tràn qua hồ Phú Hòa dẫn đến ngập lụt toàn bộ khu vực 8, phường Quang Trung. Hai tuyến đường ra vào thành phố là Hùng Vương và quốc lộ 1D nhiều đoạn ngập sâu trên 1,5 m, không thể qua lại được. Hầu hết người dân ở khu vực này đều phải chạy lũ. Có người chỉ kịp thoát thân khi nước lũ ào vào nhà, mọi vật dụng trong nhà đều bị lũ cuốn phăng. Đường ray xe lửa đoạn ở phường Nhơn Phú trở thành điểm tránh lũ của nhiều hộ gia đình.

Chiều 3.11, ông Trần Vĩnh Phúc, ở KV 6 phường Nhơn Phú, cho biết: “Hai giờ sáng ngày 3.11, nước lũ ập vào nhà. Vì quá đột ngột, nên hai vợ chồng chỉ kịp ôm hai đứa con chạy lên đường sắt tránh lũ. Còn mọi vật dụng trong nhà đều đã bị nước lũ cuốn trôi.” Nhìn gia đình anh Phúc ngồi trên đường ray, mình ướt sũng, tay run run cầm gói mì tôm ăn tạm mà thấy xót xa. Cạnh nhà anh Quyết là nhà ông Lê Kim Quyết cũng bị nước ngập tới nóc. “Heo, gà; ti vi, tủ lạnh và nhiều vật dụng đắt tiền khác trong nhà đều theo dòng nước lũ, chỉ còn sót lại... 2 con chó!”- ông Quyết nghẹn ngào nói.

 

Đoạn đường sắt dài gần 30 mét tại phường Nhơn Phú bị nước lũ cuốn trôi nền đường. (Ảnh: TS)

 

Theo thống kê sơ bộ của UBND TP. Quy Nhơn đến ngày 3.11, toàn thành phố có hàng ngàn hộ dân có nhà bị lũ nhấn chìm trong nước. Trong đó, phường Bùi Thị Xuân có hơn 1.000 ngôi nhà bị ngập lụt, nặng nhất là ở khu vực 5 và khu vực 6; hàng trăm hộ dân ở phường Trần Quang Diệu cũng lâm trong cảnh tương tự. Đặc biệt tại phường Nhơn Phú, Nhơn Bình cho đến cuối buổi chiều ngày 3.11 vẫn chưa xác định số hộ dân có nhà bị ngập chìm trong nước, chưa thể thống được số hộ cần cứu đói và di dời, vì 2 địa phương này là vùng rốn lũ.

Theo thống kê sơ bộ của UBND TP Quy Nhơn, đến ngày 3.11, bão lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho TP Quy Nhơn. Trong đó có 2 người mất tích, 2 người bị thương; 15 nhà bị sập hoàn toàn, 131 nhà bị tốc mái, 7 chiếc thuyền bị chìm và vỡ; 1 tàu hàng mang quốc tịch Panama bị nạn tấp vào biển Quy Hòa, 1 xà lan chở gỗ của doanh nghiệp Trí Tín và Duyên Hải bị chìm làm trôi 3.000 m3 gỗ và 1 xà lan chở cát bị trôi tại vùng biển phường Ghềnh Ráng.

Tại An Nhơn, nước lũ đã gây chia cắt đường giao thông đến hầu hết các xã phía Đông và phía Tây của huyện, người dân phải dùng ghe, sõng để di chuyển. Nước lũ dâng cao đã tràn qua bờ bao gây ngập nặng ở thị trấn Bình Định, hầu hết các tuyến đường nội thị bị ngập sâu từ 0,5 - 2m. Các ngành chức năng của huyện An Nhơn đã phải sơ tán khẩn cấp 200 hộ dân với 625 nhân khẩu đến các địa điểm an toàn. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện An Nhơn, đến 16 giờ ngày 3.11, trên địa bàn huyện đã có 2 người chết, 2 người bị thương; 21 ngôi nhà bị sập, 364 nhà tốc mái, 210 nhà bị ngập nước, 49 phòng học bị tốc mái, hư hỏng, 57 m đê sông, 250 m đường giao thông bị vỡ và sạt lở, 100 ha bạch đàn bị đổ gãy, 6 trụ điện bị đổ ngã…

 

Hộ ông Lê Kim Quyết ở khu vực 6 phường Nhơn phú bị lũ cuốn trôi hết, chỉ còn lại 2 con chó.(Ảnh: TS)
 

Ở huyện Tây Sơn, do lượng mưa quá lớn, bắt đầu chiều tối ngày 2.11 lụt lớn đã xảy ra ở nhiều nơi trong huyện, đặc biệt các địa phương nằm ở hạ lưu các sông Đồng Hươu, Đồng Sim và đê sông Du Lâm như Tây Phú, Tây Xuân, khu vực Đồng Lẫm, xã Tây Vinh… Nước lũ dâng cao làm cho hàng trăm nhà dân bị ngập sâu trong nước, nhiều khu vực bị chia cắt hoàn toàn từ chiều tối ngày 2.11 đến cả ngày 3.11. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến chiều 3.11 ở Tây Sơn mưa bão đã làm 1 người chết; 650 ngôi nhà bị tốc mái, sập đổ 2 ngôi nhà; gây ngập úng 130 ha lúa, 120 ha cây lâm nghiệp bị ngã đổ. Trong ngày ngày 3.11, lãnh đạo huyện Tây Sơn đã sử dụng canô đến các vùng bị chia cắt để hỗ trợ lương thực, nước uống và chỉ đạo khắc phục hậu quả.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLB - TKCN huyện Phù Mỹ, mưa lớn đã làm ngập và chia cắt nhiều tuyến đường ở các vùng ven biển, vùng trũng thuộc các xã Mỹ Chánh, Mỹ Cát, Mỹ Thọ, Mỹ Tài. Đến chiều ngày 3.11, toàn huyện có 3 người bị thương do nhà sập, cây ngã đổ; có ít nhất 200 nhà dân bị tốc mái (chủ yếu ở Mỹ Chánh); trụ sở mới đang xây của xã Mỹ Hòa bị đổ; khoảng 700 ha lúa gieo vụ Mùa bị ngập, ngã đổ, mất từ 25 - 50% năng suất. Trước đó, huyện Phù Mỹ đã kịp thời di dời 333 hộ dân các vùng ven biển có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Đồng thời, huyện đã phân bổ 29.000 bao nylon nhựa của tỉnh hỗ trợ cho các địa phương đựng đất cát be bờ, che chắn kênh đê chống xói lở...

 

Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh huy động xe lội nước cứu dân.(Ảnh: TS)

 

Khẩn trương cứu hộ

Trước tình hình trên, Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo các ngành, chính quyền các địa phương huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương di dời dân ở vùng bị ngập lụt đến nơi an toàn. Suốt ngày 3.11, lãnh đạo tỉnh, TP. Quy Nhơn cùng Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh và TP Quy Nhơn đã huy động phương tiện, nhân lực từ nội thành như xe, ca nô, sõng, lực lượng cứu hộ, thanh niên xung kích tập trung về vùng rốn lũ Nhơn Phú và Nhơn Bình để cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ lương thực, nước uống, giúp dân vượt qua khó khăn trước mắt; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng con người. Công tác cứu hộ rất khẩn trương và gấp rút.

 

Đưa lương thực đến người dân vùng ngập lụt.(Ảnh: TS)

 

Hơn một ngày ròng rã, các lực lượng cứu hộ phải dầm mình trong mưa gió để đưa người dân vùng lũ đến nơi an toàn, dù rất vất vả và nguy hiểm, song tất cả đều nỗ lực hết mình. “Đây là nghĩa vụ và trách nhiệm công dân trước cảnh đồng bào mình bị thiên tai lũ lụt. Dù vất vả đến mấy chúng tôi cũng chấp nhận, miễn làm sao cứu được những người bị nước lũ cô lập trên những nóc nhà vào nơi an toàn, thoát cảnh đói lạnh là mừng lắm rồi” - anh Đoàn Văn Trung, thành viên lực lượng thanh niên xung kích của Thành Đoàn Quy Nhơn, đang tham gia cứu hộ, tâm sự như vậy. Ngoài lực lượng của ngành chức năng, nhiều thanh niên ở địa phương cũng tham gia cứu hộ rất nhiệt tình. Nhờ vậy, hàng trăm người dân ở những vùng ngập lụt đã được di dời đến nơi an toàn. Nhiều người bị thương trong lũ đã được các bác sĩ của Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn hỗ trợ cứu chữa, cấp phát thuốc....

Theo lãnh đạo TP Quy Nhơn: Hiện tại, thành phố tập trung chỉ đạo lực lượng cứu hộ dùng tất cả các phương tiện nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân, cứu được dân thoát khỏi cảnh cô lập, bị đói, lạnh trên các mái nhà; tăng cường công tác cứu trợ lương thực, nước uống cho dân, bố trí chỗ ở tạm để bà con vượt qua cảnh “màn trời chiếu đất” trước mắt. Công tác cứu hộ tiến hành cho đến khi nào nước lũ rút. Tiếp theo đó mới tính đến phương án khắc phục hậu quả bão, lũ.

 

Cứu dân vùng lũ.(Ảnh: TS)

 

Từ sáng sớm ngày 2.11, các đơn vị bộ đội của Quân khu V đã đổ quân xuống khu vực thị trấn Diêu Trì để triển khai công tác cứu hộ dân ở các vùng sâu của huyện Tuy Phước và huyện miền núi Vân Canh. Ông Cao Phi Hùng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 2, cho biết: “Ngay từ 2 giờ sáng chúng tôi đã hành quân về đây với 60 chiến sĩ, mang theo 1 ca nô, 4 thuyền nhôm để sơ tán những hộ dân ở phía Bắc thị trấn Diêu Trì”.

Phía dưới khu vực cứu hộ của Sư đoàn 2, Đại tá Trương Xuân Lai, Chính ủy Lữ đoàn 573 cũng đang đôn đốc 50 chiến sĩ chèo những thuyền nhôm về phía khu dân cư nằm phía sau trường THCS thị trấn Diêu Trì để cứu hàng chục hộ dân đang kẹt giữa biển nước. Đại tá Lai cho biết: “Khu vực này nước ngập từ 9 giờ tối ngày 2.11 đến giờ. Chúng tôi đang khẩn trương chỉ đạo anh em tiếp cận nhanh hộ có 1 phụ nữ đang mang thai sắp sinh và 2 hộ có 2 người già đang bị bệnh để đưa ra trước”...

Theo số liệu thống kê của Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, đến chiều ngày 3.11, trên địa bàn tỉnh, bão lũ đã làm 5 người chết, 2 người mất tích, 15 người bị thương, 127 nhà sập hoàn toàn, 4.668 ngôi nhà bị hư hỏng, ngập nước; 1 trạm y tế và 116 phòng học bị hư hỏng nặng; 1.397 ha lúa và 1.045 ha hoa màu bị ngã, ngập nước hư hỏng; 669 ha cây lâm nghiệp bị hư hỏng. Bão lũ cũng đã làm sạt lở 542 m đê kè, kênh mương bị bồi lấp và cuốn trôi 10.500 m; làm hư hỏng 7 đập tràn; 13,34 km đường giao thông bị sạt lở hư hỏng… Tổng thiệt hại ước tính 81 tỉ đồng.

Không khí cứu hộ ngày càng khẩn trương khi càng về trưa mực nước càng dâng cao hơn. Những chiếc xe chở quân cứu hộ của Lữ đoàn 270 vượt lũ chạy về huyện Vân Canh để tiếp cận những địa phương đang bị lũ cô lập. Cũng trong ngày 3.11, Lữ đoàn 573 đã đưa 100 chiến sĩ đến giúp huyện An Nhơn gia cố, hàn gắn các đoạn đê bao bị vỡ, sạt lở. Nhìn những người lính cứu hộ ai nấy mình mẩy đều tím tái vì lạnh nhưng không ai có dấu hiệu chùn bước trước cơn lũ mới thấy thấm thía tình quân dân, nhất là trong những lúc nguy cấp như thế này.

Ở An Nhơn, UBND huyện đã điều động hàng trăm chiến sĩ của BCH Quân sự huyện, Công an huyện và dân quân tỏa ra cứu hộ dân ở các điểm bị cô lập, như 30 hộ dân với trên 100 nhân khẩu ở xóm Lưới (thị trấn Bình Định), 15 hộ ở thôn Thắng Công (xã Nhơn Phúc) và 30 hộ ở đội 1, thôn Long Quang (xã Nhơn Hòa)... Ông Trần Châu, Chủ tịch UBND huyện An Nhơn, cho biết: Lãnh đạo huyện đã chia thành nhiều tổ công tác trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ, giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ. Huyện đã trích ngân sách hỗ trợ khẩn cấp 3 triệu đồng cho gia đình có người chết để lo việc mai táng, hỗ trợ 1 triệu đồng cho người bị thương, xuất 100 tấn gạo, mì tôm cùng nhiều nhu yếu phẩm khác hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại...

Hiện nay, công tác cứu hộ, cứu trợ người dân vũng lũ trên địa bàn tỉnh vẫn đang được tiếp tục tiến hành. Cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, không để đồng bào vùng lũ bị đói, bị rét... là quyết tâm của tỉnh Bình Định. 

  • Ghi nhanh của nhóm PV và CTV
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đến với vùng lũ   (03/11/2009)
Cứu trợ trong nước lũ   (03/11/2009)
Tăng cường vai trò của Thông tấn xã Việt Nam trong tình hình mới   (03/11/2009)
Chạy lũ   (03/11/2009)
Gồng mình chống bão  (02/11/2009)
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch sốt xuất huyết  (02/11/2009)
Bão chệch hướng, trọng tâm đổ bộ vào Bình Định, Phú Yên  (02/11/2009)
Phát huy vai trò tích cực của đồng bào dân tộc thiểu số  (02/11/2009)
Những kết quả bước đầu  (02/11/2009)
Phối hợp “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”   (01/11/2009)
Phối hợp “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”   (01/11/2009)
Bình yên cho những chuyến tàu   (01/11/2009)
Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Quy Nhơn nhiệm kỳ 2009-2014  (31/10/2009)
Giúp hộ nghèo khắc phục bão số 9  (31/10/2009)
3 doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng 1.703 ngôi nhà cho hộ nghèo  (31/10/2009)