Tiếp tục cứu hộ, cứu trợ, không để dân đói rét
20:51', 4/11/ 2009 (GMT+7)

Sau khi chỉ đạo các ngành và các địa phương tổ chức cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ cho người dân vùng lũ trong những ngày qua, sáng ngày 4.11, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác đến các vùng lũ để thăm hỏi, động viên và cứu trợ người dân nơi đây; đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các địa phương triển khai ngay các biện pháp khắc phục hậu quả bão lũ....

 

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện trao hàng cứu trợ cho người dân KV 2, P. Nhơn Phú).(Ảnh:Cát Hùng).
 

Tang thương vùng lũ

Sáng ngày 4.11, nước lũ đã rút dần, nhưng nhiều khu dân cư ở TP Quy Nhơn và các xã khu đông các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát...vẫn còn ngập chìm trong biển nước, đời sống người dân vùng lũ gặp rất nhiều khó khăn.

Tại các phường Nhơn Phú, Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), đến sáng 4.11, còn tới 8 khu vực (KV) với hơn 200 hộ bị chia cắt vì còn bị ngập sâu, nhiều người dân phải leo lên nóc nhà để tránh nước. Theo phản ảnh của nhân dân địa phương, đây là trận lũ lớn chưa từng có ở đây, đa số người dân chưa có kinh nghiệm ứng phó nên tổn thất rất nặng nề. Cùng với các tài sản khác, hầu hết gia súc, gia cầm đều bị lũ cuốn trôi.

Bà Trần Thị Hoa, ở KV 2, phường Nhơn Phú cho biết: “Nước lũ lên nhanh quá, chúng tôi chỉ lo bảo toàn tính mạng, phải dỡ ngói để leo lên nóc nhà nên đồ đạc trong nhà phần lớn bị lũ cuốn sạch, 2 ngày nay trong nhà không còn chút gì để ăn. May mà sáng nay hàng xóm cho được 2 gói mì, cả nhà chia nhau ăn mì khô cho qua cơn đói”. Hàng chục hộ hàng xóm của bà Hoa đều trong trường hợp tương tự. Hiện tại nếu có gạo và thực phẩm cũng không có chất đốt để nấu, nên rất cần mì tôm hay các loại lương thực, thực phẩm ăn liền và nước ngọt.

 

Lực lượng cứu hộ tiếp cận từng mái nhà để hỗ trợ kịp thời thực phẩm cho người dân.(Ảnh: TS)
 

Thấy chiếc bobo chở hàng cứu trợ đến, nhiều người dân ở KV 8 phường Nhơn Phú mừng rơi nước mắt. Ông Nguyễn Lành, ngồi trên sõng nhận hàng cứu trợ, than thở: “Nước đến nhanh quá không kịp trở tay, thóc, lúa, gà vịt cùng các vật dụng trong nhà đều trôi tất thảy. Hai vợ chồng tui và 4 đứa con vội vàng trèo lên nóc nhà. Ngồi trên nóc nhà nhìn nước chảy xiết thật hãi hùng. Có mấy gói mì chia nhau ăn tạm 2 ngày nay, chứ không có nước uống”.

Hộ ông Bùi Khương Lan ở khu vực 5, phường Nhơn Phú còn đáng thương hơn. Ông ngậm ngùi cho biết, sáng ngày 3.11, nước lũ ngập nhà, đàn bò trong chuồng tháo chạy, hai người con của ông cố níu kéo đàn bò lại, nhưng không được. Người con lớn của ông là Bùi Khương Vương Võ (23 tuổi) bị nước cuốn trôi đến giờ vẫn chưa tìm thấy xác!...

Không để dân đói rét

Từ ngày 2.11 đến nay, bên cạnh việc di dời hàng ngàn người già, trẻ em, người bị thương ở vùng ngập vùng ngập lụt đến nơi an toàn, Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển lương thực, nước uống cứu trợ cho người dân. Tại các vùng ngập sâu, nước chảy xiết, các phương tiện cứu hộ chuyên dùng như bobo, môtô nước, xe thiết giáp… không đến được, Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã liên hệ với Quân khu V điều 2 máy bay trực thăng đưa hàng cứu trợ cho nhân dân vùng lũ.

 

Hỗ trợ thực phẩm cho người dân vùng lũ P. Trần Quang Diệu (Quy Nhơn).(Ảnh:Cát Hùng).
 

Trong 2 ngày 3 và 4.11, người dân đang mắc kẹt trong vùng lũ thuộc lưu vực sông Hà Thanh và An Nhơn đã nhận được 12 tấn nhu yếu phẩm là mì tôm và nước uống từ 17 chuyến máy bay trực thăng của quân chủng Phòng không-Không quân vận chuyển đến những điểm bị nước lũ chia cắt mà lực lượng cứu hộ không đến được. Hiện ngành chức năng, chính quyền các địa phương đang nỗ lực tiếp tục đưa hàng cứu trợ đến người dân vùng lũ, đồng thời triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai.

Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, cho biết: Từ ngày 2 đến nay, chúng tôi đã điều động 164 chiến sĩ và 157 dân quân tự vệ; 10 chiếc xuồng máy, 2 xe thiết giáp, 4 xe tải, 2 xe ca, 5 xe con để vừa di dời người già, phụ nữ, trẻ em, người bị thương đến đến nơi an toàn, vừa vận chuyển lương thực, thực phẩm nước uống cho người dân vùng lũ ở phường Nhơn Phú, Nhơn Bình, Trần Quang Diệu và các khu dân cư Nam Bắc sông Hà Thanh. Ở những vùng nước lũ đã rút, chúng tôi điều động lực lượng hỗ trợ các bệnh viện, trường học ở các địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả bão lũ.

Ngoài lực lượng quân đội của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh còn có hàng trăm chiến sĩ Bộ đội biên phòng tỉnh, Sư đoàn 2 bộ binh, Lữ đoàn công binh, Lữ đoàn 573 của Quân khu V và Quân đoàn 3-Binh đoàn Tây Nguyên được huy động để thực hiện công tác cứu hộ, giúp gia cố các công trình thủy lợi, giao thông... bị nước lũ uy hiếp và vận chuyển lương thực, nước uống đến tay người dân vùng ngập lụt. 

      

Bí thư Tỉnh uỷ Vũ Hoàng Hà trao hàng cứu trợ cho nhân dân KV 5 (P. Nhơn Phú, TP. Quy Nhơn).(Ảnh: TS)
 

Sáng ngày 4.11, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Hoàng Hà cùng đoàn công tác của Tỉnh ủy đã đến thăm hỏi, động viên và cứu trợ cho người dân vùng lũ ở KV 5 và KV 8 phường Nhơn Phú. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã ân cần thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn và tặng quà cho người dân vùng lũ. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Tỉnh ủy đã chỉ đạo các đơn vị, ngành chức năng, chính quyền các địa phương huy động mọi nguồn lực tập trung đưa hàng cứu trợ đến người dân vùng ngập lụt, nhất quyết không để người dân sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”, không để dân bị đói rét. Ở những khu vực nước lũ đã rút, cần hỗ trợ người dân khắc phục lũ lụt, vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước, nhằm ngăn chặn dịch bệnh; tổ chức thăm hỏi động viên cho những hộ gia đình có người bị chết, bị thương, hỗ trợ người dân về vật chất, động viên khắc phục khó khăn trước mắt...

Cũng trong buổi sáng 4.11, các đồng chí Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch UBND tỉnh; Thái Ngọc Bích, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn và các ngành chức năng đã đến thăm và chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lũ tại một số điểm còn bị nước lũ chia cắt ở TP Quy Nhơn. Chủ tịch Nguyễn Văn Thiện đã động viên và biểu dương tinh thần tương thân tương ái của các hộ dân đang khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai; trao một số thực phẩm thiết yếu và nước uống cho các hộ bị thiệt hại nặng. Chủ tịch UBND tỉnh đã ra lệnh cho Công ty cấp thoát nước và Công an tỉnh khẩn trương đưa nước sạch đến cung cấp cho dân. Ngay lập tức, Công an tỉnh đã huy động 3 xe chữa cháy đưa nước sạch đến cho nhân dân vùng lũ. Qua điện thoại, Chủ tịch tỉnh cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 10 tấn mì tôm để cứu đói cho dân.

 

Bộ đội Quân đoàn 3 giúp dọn vệ sinh sau khi lũ rút tại Bệnh viện lao.(Ảnh: Cát Hùng)
 

Tại phường Trần Quang Diệu, nơi còn 5 KV đang bị chia cắt, đoàn công tác đã đến thăm các vùng bị ngập nặng giáp sông Hà Thanh; cấp phát thực phẩm thiết yếu và nước uống cho các hộ dân tại đây. Đồng chí Chủ tịch tỉnh yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải khẩn trương nắm chắc tình hình thiệt hại để tỉnh và thành phố có các biện pháp hỗ trợ kịp thời cho dân. Đồng chí cho biết chủ trương của lãnh đạo tỉnh và TP Quy Nhơn là không để cho dân bị đói rét trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Đoàn công tác đã đến thăm khu công nghiệp Phú Tài, nơi bị thiệt hại rất nặng nề. Theo báo cáo của ông Man Ngọc Lý, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định (QLKKT) có 21 doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại, tổn thất hàng trăm tỉ đồng. Trong đó, các DN chế biến thức ăn gia súc, phân bón, chế biến gỗ... thiệt hại nặng nhất. Văn phòng Công ty hạ tầng KCN bị nước ngập cao 2 m, phá hủy toàn bộ thiết bị văn phòng và hư hại phần lớn hồ sơ lưu trữ, thiệt hại ước tính 3,5 tỉ đồng. Tại đây, đồng chí Chủ tịch yêu cầu Ban QLKKT khẩn trương hong phơi khô hồ sơ tài liệu và đề xuất ngay các giải pháp để kịp thời thay thế các thiết bị hư hỏng tránh ảnh hưởng đến công tác điều hành công việc. Đồng chí Chủ tịch cũng yêu cầu ngành Y tế phối hợp với các địa phương vùng lũ khẩn trương tăng cường các biện pháp tẩy trùng, ngăn chặn dịch bệnh xảy ra...

 

Đến sáng 4.11, ở KV 5, P. Nhơn Phú gia súc vẫn còn tránh lũ trên mái nhà. (Ảnh: TS)
 

Bão lũ đã đi qua, để lại nhiều hậu quả rất nặng nề. Hiện nay, ở một số nơi trong tỉnh, nước lũ vẫn còn ngập sâu, công tác cứu hộ, cứu trợ đang được tỉnh cùng các địa phương và các ngành chức năng tiếp tục triển khai, trước mắt nhằm ổn định đời sống người dân vùng lũ. Đồng thời, tỉnh sẽ khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả bão lũ ngay trong những ngày tới...

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, đến ngày 4.11, trên địa bàn Bình Định bão lũ đã làm 11 người chết, 2 người mất tích, 15 người bị thương; 311 ngôi nhà sập hoàn toàn, 3.549 nhà hư hỏng và 41.750 ngôi nhà bị ngập nước. Đối với sản xuất nông nghiệp, bão lũ đã làm ngã ngập hư hỏng 4.074 ha lúa, 5.208 ha hoa màu, hơn 900 tấn giống chuẩn bị cho vụ Đông Xuân 2009- 2010 và 349 ha cây công nghiệp bị hư hại; trên 30.000 con trâu, bò; trên 50.000 con heo và hơn 150.000 con gia cầm bị nước lũ cuốn trôi. Bão lũ còn làm hàng chục ngàn cây lâu năm gãy đổ, 823 ha cây lâm nghiệp bị hư hại; 108 ha diện tích sản xuất bị sa bồi; 260 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản bị hư hại. Về thủy lợi, bão lũ đã làm 325 m đê kè bị vỡ trôi và 1.535 m đê kè bị sạt lở; 13,9 km kênh mương bị bồi lấp, sạt lở và bị nước cuốn trôi; 8 đập tràn, đập dâng bị hư hỏng; 89 đập tạm bị cuốn trôi.

Ngoài ra, còn có 4 phòng học bị sập đổ, 144 phòng học bị hư hỏng, tường rào bị ngã đổ 1.030 m2; 5 trạm y tế bị hư hỏng. Đối với giao thông, bão lũ đã làm 148,84 km đường giao thông bị sạt lở; mặt đường bê tông nhựa, bê tông xi măng bị bong tróc 86.210 m2; 45 cầu cống bị hư hỏng. Bão lũ cũng đã làm 18 tàu thuyền và 2 chiếc sà lan chở hàng hóa bị chìm; 4.020 tấn phân bón, vật tư nông nghiệp bị ngập nước, hư hỏng; 101 cột điện bị đổ ngã; 2 trạm biến thế bị hư hỏng; 12 nhà làm việc cơ quan bị hư hỏng; 26 kho tàng nhà xưởng hư hại; 10.505 giếng nước sinh hoạt bị ngập, hư… Tổng thiệt hại ước tính lên đến 587 tỉ đồng.

  • Nhóm PV kinh tế
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hàng ngàn suất quà cứu trợ được thả từ máy bay cho người dân vùng lũ  (04/11/2009)
Ngập chìm trong cơn lũ dữ   (03/11/2009)
Đến với vùng lũ   (03/11/2009)
Cứu trợ trong nước lũ   (03/11/2009)
Tăng cường vai trò của Thông tấn xã Việt Nam trong tình hình mới   (03/11/2009)
Chạy lũ   (03/11/2009)
Gồng mình chống bão  (02/11/2009)
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch sốt xuất huyết  (02/11/2009)
Bão chệch hướng, trọng tâm đổ bộ vào Bình Định, Phú Yên  (02/11/2009)
Phát huy vai trò tích cực của đồng bào dân tộc thiểu số  (02/11/2009)
Những kết quả bước đầu  (02/11/2009)
Phối hợp “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”   (01/11/2009)
Phối hợp “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”   (01/11/2009)
Bình yên cho những chuyến tàu   (01/11/2009)
Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Quy Nhơn nhiệm kỳ 2009-2014  (31/10/2009)