Đó là thực trạng gây bức xúc cho hàng chục ngàn người dân tham gia BHYT ở huyện Hoài Nhơn.
Trên địa bàn huyện Hoài Nhơn có Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) khu vực Bồng Sơn thuộc tuyến tỉnh nằm ở phía Nam và một Trung tâm Y tế huyện (TTYT) nằm ở phía Bắc. Hai cơ sở y tế này cách nhau khoảng 20 km. Theo quy định mới của Luật BHYT, người mua BHYT phải về nơi khám chữa bệnh (KCB) ban đầu là các trạm y tế để chuyển bệnh nhân lên TTYT và nếu quá tầm mới được chuyển lên tuyến trên là BVĐK khu vực Bồng Sơn. Lòng vòng như vậy hết 50km.
|
Không phải lúc nào, Trạm y tế cũng đủ điều kiện để mở cửa tiếp nhận bệnh nhân.
|
* Trạm y tế: thiếu và yếu
Hiện Hoài Nhơn có 55.944 người dân tham gia BHYT, trong đó, hơn một nửa ở địa bàn phía Nam của huyện. Những người này đều buộc phải đăng ký KCB ban đầu tại các trạm y tế. Tuy nhiên, sau một tháng thực hiện Luật BHYT mới, các trạm y tế chỉ làm nhiệm vụ viết giấy giới thiệu lên tuyến trên bởi năng lực KCB của trạm còn yếu, chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Mỗi trạm y tế hiện nay có nhiều nhất là một bác sĩ và 2-3 y sĩ, điều dưỡng. Trang thiết bị y tế thì chỉ có ống nghe, huyết áp kế, nhiệt kế. Một số trạm y tế có máy điện tim, nhưng không có người biết sử dụng; không phòng khám, không giường nằm…
Ông Trần Đình Triên, Trưởng Trạm Y tế Bồng Sơn, cho biết: “Chỉ riêng việc thực hiện công tác y tế dự phòng và các chương trình y tế quốc gia như lao, phong, tâm thần, sốt rét, vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm… cũng đã quá sức đối với Trạm rồi. Từ tháng 10.2009, Trạm được giao nhiệm vụ KCB cho người có thẻ BHYT nhưng thực tế chúng tôi chỉ viết giấy chuyển tuyến thôi cũng đã mệt”.
Trên địa bàn thị trấn Bồng Sơn hiện có khoảng 20 ngàn đối tượng mua BHYT. Nếu tính trung bình mỗi người KCB 1 lần/năm thì trạm phải KCB cho 60 người/ngày. Đây gần như là nhiệm vụ bất khả thi. Đầu mỗi buổi làm việc, Trạm lại tấp nập người đến xin giấy. Nhân viên Trạm không chỉ rối vì phải mất một người ghi giấy, mà còn phải chịu cảnh “trăm dâu đổ đầu tằm”. Chị Hiền, nhân viên Trạm Y tế Bồng Sơn, tâm sự: “Tôi đã cố gắng, nhưng vẫn không thể giải thích hết được những thủ tục BHYT”. Nhiều người mua BHYT bất bình ra mặt, khăng khăng đòi trả thẻ. Bà Trần Thị Ba, ở Thiết Đính Nam, thị trấn Bồng Sơn, bức xúc: “Nếu biết mua BHYT mà nơi KCB là trạm y tế thì tôi đã kiên quyết đòi tiền lại, thà chấp nhận KCB tự do còn hơn phải chạy lòng vòng hàng mấy chục cây số như thế này”.
* Chờ... Sở Y tế
Bác sĩ Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc BVĐK khu vực Bồng Sơn, cho biết: “Những trường hợp trạm y tế chuyển trực tiếp buộc chúng tôi phải thu 50% viện phí theo quy định vượt tuyến”. Còn theo ông Hoàng Tử Nha, Giám đốc TTYT huyện Hoài Nhơn, thì nguyên tắc chuyển lên tuyến trên phải theo bệnh lý, nếu Trung tâm không chữa được mới chuyển tuyến.
Theo đúng nguyên tắc, hàng chục ngàn người mua BHYT ở phía Nam huyện Hoài Nhơn phải đến các trạm y tế xin giấy rồi đến TTYT huyện ở thị trấn Tam Quan để KCB. Trường hợp nhập viện thì người nhà chịu khó đi hơn 20 km để nuôi, còn muốn chuyển về gần nhà thì phải được sự chấp nhận của TTYT và lại tiếp tục hành trình đi - về hơn 20 km nữa. Nếu tính cả đoạn đường từ nhà đi, nhiều bệnh nhân hoặc phải di chuyển hơn 50 km hoặc phải chấp nhận chi trả 50% chi phí vượt tuyến.
Em Biện Thị Oanh Kiều, một học sinh Trường THPT Phan Bội Châu, bị sốt phải nhập viện, cho biết: “Nhà em ở xã Hoài Mỹ, nhưng nơi khám chữa bệnh ban đầu trong thẻ là Trạm Y tế Bồng Sơn, nên em phải lên Bồng Sơn để xin giấy”. Nhiều học sinh ngoài giờ học, muốn khám chữa bệnh cũng phải đến Trạm Y tế Bồng Sơn mặc dù nhà ở tận Hoài Mỹ, Hoài Đức… Học sinh đang học ở thị trấn Bồng Sơn bị đau hầu hết đều được đưa đến BVĐK khu vực Bồng Sơn chữa trị, trong khi đó, chính phụ huynh học sinh cũng không biết sẽ phải nộp 50% viện phí.
Trước những bức xúc của người dân huyện Hoài Nhơn, chúng tôi đã trao đổi với ông Hà Thúc Chí, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, về vấn đề này. Ông Chí cho biết: Theo quy định tại Thông tư số 10/TT-BYT ngày 14.8.2009 của Bộ Y tế thì Sở Y tế có thẩm quyền xem xét cho phép một số đối tượng tham gia BHYT được đăng ký KCB ban đầu tại các BVĐK tuyến tỉnh. Trước tình hình của huyện Hoài Nhơn, BHXH tỉnh vừa có công văn gửi Sở Y tế về việc đăng ký cho những đối tượng tham gia BHYT sinh sống ở thị trấn Bồng Sơn và các xã: Hoài Thanh Tây, Hoài Thanh, Hoài Hương, Hoài Mỹ, Hoài Xuân, Hoài Đức được đăng ký KCB ban đầu tại BVĐK khu vực Bồng Sơn. Trong thời gian chờ ý kiến của Sở Y tế, trước mắt BHXH tỉnh chỉ đạo cho phép những đối tượng tham gia BHYT ở địa bàn các xã nói trên được chuyển thẳng về BVĐK Bồng Sơn từ các trạm y tế.
Như vậy, tạm thời “nút thắt” của bất cập KCB BHYT đối với người dân ở huyện Hoài Nhơn đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, để có thể biến chỉ đạo tạm thời nói trên thành văn bản chính thức có hiệu lực, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người tham gia BHYT được hưởng quyền lợi trong các dịch vụ KCB, thì vẫn cần có một quyết định sớm của Sở Y tế.
|