Tập trung khắc phục hậu quả bão lũ
21:34', 5/11/ 2009 (GMT+7)

Cơn bão số 11 kèm theo lũ lớn đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương ở tỉnh ta. Đoàn công tác của Chính phủ và UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, ổn định đời sống và sản xuất của người dân...

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm và động viên gia đình ông Bùi Khương Lan, ở KV8, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn, có người con bị chết trong lũ. Ảnh: Tiến Sỹ

 

* Khẩn trương khắc phục hậu quả

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, bên cạnh việc tiếp tục công tác cứu hộ, cứu trợ cho nhân dân vùng lũ, các địa phương và các ngành chức năng khẩn trương đánh giá thiệt hại do mưa bão gây ra và rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo đối phó với bão lũ vừa qua. Trước hết là tập trung mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả cơn bão số 11 trên địa bàn; tổ chức thăm hỏi và cứu trợ kịp thời các gia đình có người bị chết, người bị thương, nhà cửa bị sập hoàn toàn, nhất là gia đình bị thiệt hại thuộc diện chính sách. Huy động các tổ chức, đoàn thể... giúp dân sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa bị hư hỏng do bão, lũ, sớm ổn định đời sống của nhân dân vùng lũ. Khẩn trương kiểm tra, thống kê nắm chắc tình hình thiếu đói trong nhân dân do mưa bão gây ra, thực hiện cứu trợ kịp thời theo quy định chung của tỉnh, kiên quyết không để người dân nào bị đói, bị rét.

Kiểm tra và huy động lực lượng quân đội, thanh niên cùng nhân dân sửa chữa, khôi phục lại các tuyến đường giao thông nông thôn bị chia cắt, hư hỏng; hàn khẩu đê điều, khôi phục các kênh mương nội đồng, công trình thủy lợi nhỏ bị hư hỏng do mưa lũ để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân (ĐX) tới. Đối với các thiệt hại lớn, UBND các huyện, thành phố chủ động lập dự án đầu tư sửa chữa, khắc phục, đưa vào kế hoạch đầu tư trong thời gian đến.

UBND tỉnh giao Giám đốc Sở NN-PTNT tổ chức kiểm tra các hồ chứa, đê kè có nguy cơ sự cố để gia cố, khắc phục, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Kiểm tra tình hình chuẩn bị lúa giống, có kế hoạch cung cấp các giống cây trồng cho nhân dân theo cơ cấu giống quy định để sản xuất vụ ĐX. Triển khai phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm sau mưa lũ và trong mùa đông. Giám đốc Sở Y tế xuất ngay cơ số thuốc dự phòng và thuốc xử lý môi trường, thuốc xử lý nước để cấp phát cho nhân dân các vùng bị ngập lụt xử lý môi trường khi nước rút; hướng dẫn nhân dân xử lý nước sinh hoạt, giếng nước uống; đề phòng và ngăn chặn dịch bệnh phát sinh sau lũ.

Giám đốc Sở LĐ-TB-XH phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, thống kê các hộ bị thiệt hại, hộ thiếu đói do mưa lũ; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh phương án cứu trợ. Giám đốc Sở GT-VT kiểm tra và có biện pháp tu sửa tạm các hư hỏng nhỏ của các tuyến đường giao thông do tỉnh quản lý; phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, hướng dẫn xử lý các công trình giao thông do địa phương quản lý bị hư hỏng nặng do mưa lũ để đảm bảo giao thông thông suốt sau lũ. Giám đốc Sở Công Thương, Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Bình Định hướng dẫn các doanh nghiệp khẩn trương khắc phục thiệt hại, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Hội Chữ Thập đỏ tỉnh phối hợp Sở LĐ-TB-XH và các ban, ngành liên quan huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài tỉnh để cứu trợ cho nhân dân vùng lũ, đảm bảo đúng đối tượng và công bằng...

 

Hội Chữ Thập đỏ tỉnh đưa hàng cứu trợ đến người dân vùng lũ thị trấn Tuy Phước. Ảnh: N.Hân

 

* Kiến nghị Trung ương hỗ trợ

Thiệt hại do mưa lũ gây ra tại tỉnh ta là rất nặng nề. Để giúp nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ, trước mắt, UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh các loại vật tư (áo phao, nhà bạt..), 50 tấn mì tôm, 5.000 tấn gạo, 15.000 bộ chăn, mền; 3.000 bộ lọc nước để giải quyết các yêu cầu cấp bách cho nhân dân vùng lũ. Hỗ trợ giải quyết dân sinh (về nhà ở, hỗ trợ người chết…) 5 tỉ đồng. Đề nghị Bộ Y tế cung cấp đầy đủ các loại thuốc chữa bệnh, các loại thuốc xử lý môi trường nhằm ngăn chặn nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ cho tỉnh 800 tấn lúa giống (8 tỉ đồng) để giúp nhân dân vùng ngập lụt sâu bị mất giống hoàn toàn sản xuất vụ ĐX sắp tới; và hỗ trợ 50 tấn hạt rau, màu (2 tỉ đồng). Hỗ trợ khắc phục đê sông, kênh mương, gia cố, sửa chữa an toàn hồ chứa 40 tỉ đồng. Hỗ trợ khôi phục giao thông 25 tỉ đồng. Hỗ trợ cho nhân dân có gia súc, gia cầm bị chết được vay vốn ưu đãi để phục hồi chăn nuôi hộ gia đình, đảm bảo cuộc sống các hộ bị thiệt hại.

UBND tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về lâu dài cần tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác phòng, chống thiên tai: Đầu tư các phương tiện tìm kiếm cứu nạn (trên biển và đất liền). Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền theo quy hoạch. Đầu tư nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển. Đầu tư mạnh mẽ cho công tác di dãn dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở do triều cường, sóng biển, vùng ven sông, suối, vùng ngập lụt sâu để đảm bảo an toàn cho nhân dân trong điều kiện thiên tai ngày càng khắc nghiệt...

 

Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Tám, ở thôn Tân Vinh, xã Canh Vinh (Vân Canh) bị sập hoàn toàn. Ảnh: Tiến Sỹ

 

* Chỉ đạo của Chính phủ

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh vào tối 4.11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo: Trong những ngày tới, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh phải nhanh chóng tiếp cận cứu trợ, cứu hộ các hộ dân ở những thôn, xóm còn bị chia cắt, tiếp cận tìm kiếm những người mất tích, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những gia đình có người chết và mất tích. Ngoài việc thực hiện tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, phải kiên quyết không được để người dân nào phải chịu cảnh đói, rét; thông báo về các địa phương để vận động các hộ dân không bị thiệt hại giúp đỡ các gia đình có nhà sập, người chết. Tỉnh huy động các lực lượng quân đội, công an, thanh niên, phụ nữ, lực lượng sinh viên… tham gia khôi phục hệ thống giao thông, cầu cống, nhà cửa, vệ sinh môi trường để đề phòng phát sinh dịch bệnh…

Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế cung cấp ngay thuốc chữa bệnh, thuốc xử lý nước; Bộ Công Thương chỉ đạo Điện lực Việt Nam và Điện lực Bình Định khôi phục ngay hệ thống điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Bộ GT-VT tập trung khôi phục hệ thống giao thông, tu bổ, sửa chữa ngay các cầu bị hư, xuống cấp trên quốc lộ 1A và quốc lộ 19 để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Bộ NN-PTNT sớm có kế hoạch hỗ trợ cho tỉnh về giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất; bố trí vốn cân đối cho các dự án phòng chống thiên tai trong điều kiện có thể…

Sáng ngày 5.11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả bão lũ tại một số khu vực ở TP Quy Nhơn; thăm hỏi các y-bác sĩ cùng bệnh nhân tại Bệnh viện tâm thần, Bệnh viện lao, Cụm công nghiệp Nhơn Bình. Phó Thủ tướng đã ân cần động viên thăm hỏi các y-bác sĩ, bệnh nhân, các chủ doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương huy động thêm lực lượng, phương tiện hỗ trợ giúp đỡ các bệnh viện, các cơ sở sản xuất trên địa bàn khắc phục khó khăn. Phó Thủ tướng cũng đã đến thăm hỏi, động viên và chia buồn cùng gia đình ông Bùi Khương Lan, ở tổ 5, KV8, phường Nhơn Phú, có người con bị chết trong lũ…

Hiện nay, công tác cứu trợ đến các vùng còn bị nước lũ chia cắt vẫn đang được các lực lượng quân đội, công an, biên phòng, thanh niên xung kích khẩn trương và tích cực triển khai theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng Đoàn công tác của Chính phủ và UBND tỉnh.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, đến 15 giờ ngày 5.11, trên địa bàn tỉnh có 14 người chết, 4 người mất tích, 34 người bị thương; 348 ngôi nhà bị sập hoàn toàn; 4.622 ngôi nhà bị tốc mái; 52.030 ngôi nhà bị ngập nước. Bão lũ cũng đã làm 12 phòng của bệnh viện, trạm xá bị hư hỏng; 24 tàu thuyền bị chìm; 10.355 ha lúa và hoa màu bị hư hỏng; hơn 900 tấn lúa giống bị hư hỏng và bị cuốn trôi; 964 ha cây lâm nghiệp bị hư hỏng. Bão lũ còn làm chết 30.294 con trâu-bò, 192.228 con gia cầm và 56.934 con heo; 360 ha hồ tôm bị ngập, 13.628 m kênh mương bị sạt lở; 5.850 m kênh mương bị cuốn trôi; 8 đập tràn, đập dâng, 89 đập tạm bị hư hỏng; 679 ha ruộng bị sa bồi thủy phá; 3.165 m đê kè bị vỡ đứt; 8.554 m đê kè bị sạt lở; trên 184 km đường giao thông bị sạt lở; 107.380 m2 mặt đường nhựa, bê tông bị bong tróc; 54 cầu, cống bị hư hỏng; 462 trụ điện, trụ thông tin bị đổ, ngã; 14,2 km đường dây điện bị đứt… Riêng thiệt tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh khoảng trên 300 tỉ đồng. Ước tổng thiệt hại 1.047 tỉ đồng.

  • NHÓM PV KINH TẾ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm vùng bão lũ Bình Định  (05/11/2009)
Lòng vòng hơn 50km để được chữa bệnh  (05/11/2009)
Chuyển nước sạch đến bà con vùng lũ  (05/11/2009)
Phê duyệt định mức kinh phí hỗ trợ cho nhân dân bị thiệt hại do thiên tai  (05/11/2009)
Tập trung giúp người dân vùng lũ khắc phục hậu quả thiên tai  (05/11/2009)
Tiếp tục cứu hộ, cứu trợ, không để dân đói rét   (04/11/2009)
Hàng ngàn suất quà cứu trợ được thả từ máy bay cho người dân vùng lũ  (04/11/2009)
Ngập chìm trong cơn lũ dữ   (03/11/2009)
Đến với vùng lũ   (03/11/2009)
Cứu trợ trong nước lũ   (03/11/2009)
Tăng cường vai trò của Thông tấn xã Việt Nam trong tình hình mới   (03/11/2009)
Chạy lũ   (03/11/2009)
Gồng mình chống bão  (02/11/2009)
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch sốt xuất huyết  (02/11/2009)
Bão chệch hướng, trọng tâm đổ bộ vào Bình Định, Phú Yên  (02/11/2009)