Ở TP Quy Nhơn, nơi tập trung nhiều thợ ảnh dạo là công viên, điểm vui chơi công cộng. Ở đó, việc đầu tư, chuẩn bị cho hoạt động nghề ảnh có phần đơn giản hơn bởi khung cảnh vốn đã khá đẹp và sinh động. Đã qua rồi thời kỳ vàng son, những người chụp ảnh dạo hiện nay phải đối diện với cuộc mưu sinh gay gắt hơn…
* Chân dung... “phó nháy”
Ăn mặc chỉnh tề, khoác thêm cái áo nhiều túi; vai đeo chiếc túi đựng máy ảnh “bự chảng”; cổ treo toòng teng cái máy ảnh cỡ lớn; mắt luôn đảo tìm “đối tượng” để mời chụp hình… Đó là chân dung của một “phó nháy” công viên…
|
Anh Triết đang chụp ảnh cho khách. |
Anh Lê Văn Triết, thợ ảnh ở Công viên Thiếu nhi, vui vẻ mở khóa kéo cho tôi nghía vào túi đựng “đồ nghề”. Trong đó, có vài cuộn phim dự phòng, gương, lược để khách “tút” lại dung nhan, vài tấm hình mới rửa… Anh cười: “Đồ nghề đơn giản lắm, chỉ có cái máy ảnh Nikon này là tài sản quý giá nhất thôi!”. Vì là tài sản quý nhất, nên anh bỏ gần 5 túi chống ẩm để bảo dưỡng máy. Chợt nhớ, một người thợ ảnh ở công viên biển, mỗi lần bỏ máy vào túi đều bọc vào một cái khăn mềm, xem chiều nâng niu lắm.
Nói về đồ nghề của dân chụp ảnh dạo, phải nói đến các dòng máy ảnh của các hãng nổi tiếng thế giới như: Nikon, Leika (Đức); Minota, Yashica, Fujika, Olimpus (Nhật); Zenit (Liên Xô); Pratica (Đông Đức)… Giờ thì theo phong trào, thợ ảnh dạo cũng phải bỏ gần chục triệu sắm cho mình chiếc máy ảnh kỹ thuật số để hành nghề. “Thời bây giờ, thấy mình còn ôm khư khư cái máy cơ, nhiều khách hàng chê bai đấy” - anh Nguyễn Ngọc Dũng, thợ chụp ảnh ở Công viên Tượng đài Chiến Thắng, nửa đùa nửa thật.
Thợ chụp ảnh dạo vào nghề mỗi người mỗi kiểu. Anh Triết năm nay 37 tuổi, nhà ở hẻm 355 Hoàng Văn Thụ, Quy Nhơn. Năm 18 tuổi, thấy nghề này làm ăn khấm khá, liền theo học nghề từ người anh rể chuyên chụp ảnh chân dung. Thời ấy, hình chụp chỉ có 2 màu trắng đen, các công đoạn từ chụp, tráng phim đến rọi, chấm sửa ảnh đều làm theo phương pháp thủ công.
Học 3 năm thì thành thạo, nhưng anh cũng phải làm chung với người anh rể vài năm để học hỏi thêm cách tạo bố cục cho ảnh, và nhất là kinh nghiệm trong giao tiếp với khách hàng. Đến năm 1995, anh Triết vào “hành nghề” ở lâm viên Bảy Núi và đồi Tức Dụp ở An Giang. Làm được 2, 3 năm, anh về Quy Nhơn, chụp ảnh tại Công viên Thiếu nhi. Anh Triết cho biết: Ở Công viên Thiếu nhi, từ năm 2000 trở về trước, có 7 người làm thường xuyên; từ sau năm 2000, số người còn bám trụ lại rất ít, giờ chỉ còn chừng 3 người. Tương tự, ở Công viên Tượng đài Chiến thắng, số thợ ảnh thường xuyên có mặt cũng không quá 5 người. Tính ra, cả thành phố chỉ còn chừng 15 người chụp ảnh dạo.
* Bám trụ với nghề
Thời đại lên ngôi của các phương tiện kỹ thuật hiện đại, việc bỏ khoảng vài triệu đồng, vài trăm USD để mua một máy ảnh kỹ thuật số quá dễ dàng với khách du lịch. Máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại di động có chức năng chụp ảnh không còn quá hiếm trong giới sinh viên, học sinh. Nghề chụp ảnh dạo ngày càng hẩm hiu. “Lâu lâu mới kiếm được mối đám cưới, tiệc sinh nhật chụp vài cuộn phim, chứ làm sao trông chờ vào chụp ảnh ở công viên được. Trước, có ngày kiếm được cả trăm ngàn đồng, giờ được vài chục ngàn đồng thôi, chú à!” - anh Dũng nói.
Làm ăn ế ẩm, lại phải đóng phí cho đơn vị quản lý công viên (mỗi thợ chụp ảnh ở Công viên Thiếu nhi Quy Nhơn đóng phí 1.750.000 đồng/năm), nhiều người đành phải “gác máy”. Dù vậy, nghiệp cầm máy ăn sâu vào “máu” của họ, không thể nói bỏ là bỏ hẳn được. Như ông Đặng Thành Vinh, bỏ công viên về mở quán nhậu bình dân, nhưng khi có khách a lô, ông lại xách máy đi. Dù chỉ là những thợ ảnh dạo, nhưng ở họ vẫn canh cánh tình yêu với nghề nhiếp ảnh. Phần lớn trong số họ đều mong muốn mở được một minilab để mưu sinh và sống vui với niềm đam mê có chút “nghệ sĩ” của mình. Nhưng ước mơ đó có giá đến hàng trăm triệu đồng, quá xa vời với khoảng ngắm tele…
Thời buổi “người khôn của khó”, để kiếm sống bằng nghề chụp ảnh dạo không phải dễ. Người dễ chịu không nói, khách khó tính chê bai đủ điều khi tấm ảnh không theo ý muốn, chụp với số lượng nhiều, không tránh khỏi những cuộc mặc cả “cò kè bớt một thêm hai”. Đó là chưa kể những sự cố nghề nghiệp như máy hỏng lắp phim không ăn, hình rửa ra trống trơn. Tiền phải trả lại, khách rầy rà là chuyện thường tình…
Để trụ lại với nghề, họ phải biết cách tạo và giữ mối quan hệ với những khách hàng thân thiết. Với các thợ ảnh ở Công viên Thiếu nhi như Phạm Văn Hoạch, Lê Văn Minh, Đặng Minh Quang… khách hàng chủ yếu là sinh viên nên phải chịu khó chiều lòng các bạn trẻ, dù chỉ chụp một tấm ảnh đại hội lớp cũng vui vẻ, không nhăn nhó. Có vậy, mới được mời chụp các “mối ngon” như các chương trình văn nghệ, hội thi kiến thức, làm ảnh, đĩa cuối khóa…
Còn anh Dũng, trừ ngày mưa lớn ra, khi nào anh cũng có mặt tại nơi làm việc để giao ảnh cho khách hàng. “Làm nghề gì cũng có chữ tín. Hẹn khách rồi mà người ta đến không có mình thì dở lắm. Ở Quy Nhơn, vào những dịp lễ, Noel, Tết, có những tay máy “amatơ” xách máy chụp dạo, nhưng đó là máy hỏng, chỉ còn đèn flash sáng lên để “lòe” thiên hạ, nhận tiền đặt cọc rồi “lỉnh” luôn. Hiện tượng này ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của người chụp ảnh dạo” - anh Dũng tâm sự.
|