Đợt lũ vừa qua, đã có cả ngàn bộ đội cũng như phương tiện được huy động kịp thời đến cứu người dân. Giờ đây, họ lại tiếp tục giúp dân khắc phục sau lũ.
|
Bộ đội đưa người dân bị cô lập trong lũ ra nơi an toàn. Ảnh: N.Dự
|
Mưa tầm tã trên diện rộng suốt hai đêm một ngày. Nước từ thượng nguồn đổ xuống, các làng mạc ở hai bên lưu vực sông Hà Thanh trong phút chốc đã bị nhấn chìm trong biển nước.
Nhận lệnh cấp trên, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các Ban Chỉ huy Quân sự TP Quy Nhơn, huyện Vân Canh, Tuy Phước, An Nhơn đã triển khai lực lượng cùng phương tiện cấp tốc hành quân về các vị trí xung yếu. Bộ Quốc phòng điều động lực lượng của Binh đoàn Tây Nguyên, Đoàn Không quân B72, đơn vị C54 và C40; Bộ Tư lệnh Quân khu 5 điều động Đoàn Bộ binh H, đơn vị đã N73, đơn vị Công binh H70 cơ động suốt đêm từ các hướng Gia Lai, Quảng Nam, Đà Nẵng, cùng với các loại phương tiện cứu hộ cứu nạn, đến Bình Định và Phú Yên. Từ 20 giờ ngày 2 đến 4 giờ 30 phút ngày 3.11, các đơn vị đã nhanh chóng có mặt và tức tốc tổ chức đưa nhân dân ra khỏi vùng nước lũ nguy hiểm.
Chỉ trong tích tắc, các khu dân cư của xã Canh Vinh (huyện Vân Canh); thị trấn Diêu Trì, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước); xã Phước Mỹ và các phường: Trần Quang Diệu, Nhơn Phú, Nhơn Bình, Đống Đa, Quang Trung (TP Quy Nhơn) đã bị chia cắt hoàn toàn. Vì trời tối và nước chảy xiết, nên các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận mục tiêu. Xuồng cao tốc, canô máy đẩy và xe thiết giáp lội nước gầm máy gồng mình trong dòng nước cuồn cuộn. Bộ đội căng dây an toàn bám ngược dòng chảy, luồn lách vào các mái nhà, dùng phao cứu sinh đưa bà con thoát ra ngoài. Tất cả mọi người làm việc trong không khí hết sức khẩn trương và chính bằng mệnh lệnh của trái tim người chiến sĩ. Mất ngủ, lại vừa đói vừa lạnh, các chiến sĩ người nào người nấy trông đều tái nhợt, run lập cập, nhưng họ vẫn không nề hà gian khổ, hiểm nguy lao mình vào dòng nước cứu dân.
Nghe những tiếng kêu lạc giọng và nhìn những ánh đèn pin loang loáng báo hiệu cấp cứu trên khắp các mái nhà. Nhưng không thể một lúc ứng cứu hết được. Bộ đội đã cố gắng hết sức rồi mà một tiếng đồng hồ vật vã trong nước, mỗi tổ cũng chỉ đưa được khoảng vài chục người dân đến nơi an toàn. Trong khi đó, không biết bao nhiêu người khác còn đang lặn ngụp, đối mặt với cơn lũ dữ.
Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, suốt một ngày đêm dầm mình trong bão lũ để chỉ huy lực lượng vũ trang tỉnh ứng cứu người dân.
Rạng sáng ngày 3.11, trời đất vẫn còn trong mưa gió bịt bùng, các chiến sĩ vẫn đang tiếp tục đưa dân ra khỏi các vùng bị ngập sâu trong lũ. Điện thoại reo liên hồi từ các hướng. Lực lượng vũ trang được lệnh chia bớt đội hình của đơn vị B39 để giải thoát hơn một trăm hành khách bị mắc kẹt trên Quốc lộ 1D ra khỏi vùng nước xoáy, bảo đảm thông xe tại đèo Quy Hòa (Quy Nhơn); dùng xe thiết giáp lội nước ĐM2 vận chuyển một bệnh nhân từ thị trấn Diêu Trì vượt lũ đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ngay trong ngày 3.11, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Đoàn Không quân B72 dùng trực thăng thả hàng cứu trợ gồm mì tôm, nước uống đến với bà con những vùng bị nước chia cắt và tổ chức tìm kiếm nạn nhân bị mất tích.
Trước khi bão số 11 đổ bộ vào đất liền, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã sử dụng bộ đội thường trực và lực lượng dân quân tự vệ vận động, di dời hàng trăm hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị B39 và phân đội Đ30 giúp dân khắc phục sạt lở đất tại núi Một (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) và neo kéo tàu thuyền, chằng chống nhà cửa của 30 hộ dân ở xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn).
Trận lũ lịch sử đã đi qua, người dân ở các địa phương phía Nam tỉnh vẫn chưa hết bàng hoàng. Cơn đại hồng thủy đã cuốn trôi cả tính mạng người thân, nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò của họ. Nhưng có thể thấy rằng, từ trong hoạn nạn, tinh thần tương thân tương ái của cả cộng đồng đã cùng hướng về người dân vùng lũ. Và trong bão lũ, đẹp biết bao hình ảnh những người lính đã xả thân cứu giúp nhân dân vượt qua cơn nguy khốn. Những nơi người lính đã đi qua vẫn mãi neo giữ một thứ tình cảm hết sức thiêng liêng, đó là tình quân dân keo sơn, gắn bó.
Sau bão lũ, nước rút đến đâu, các đơn vị lại tổ chức cho bộ đội bắt tay ngay vào việc giúp dân khắc phục hậu quả như: dọn dẹp vệ sinh môi trường, sửa chữa nhà cửa, trường học, bệnh viện, đường sá…
Huy động gần 1 ngàn cán bộ, chiến sĩ đưa gần 2.600 người dân ra khỏi vùng lũ
Trong đợt lũ vừa qua, các đơn vị Quân đội đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và phương tiện cứu giúp dân vùng lũ. Trong đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động 143 cán bộ, chiến sĩ, 557 dân quân tự vệ, 10 xuồng các loại, 2 xe thiết giáp… đưa được 1.693 người dân ra khỏi vùng lũ; giải tỏa 124 hành khách trên 2 xe khách mắc kẹt tại đường Quy Nhơn-Sông Cầu; phối hợp với đoàn Không quân B72 sử dụng trực thăng thả 12 tấn lương thực, thực phẩm và nước uống đến với bà con những vùng bị chia cắt trong mưa lũ và tổ chức tìm kiếm nạn nhân bị mất tích.
Đoàn H - Quân khu 5, đã huy động 54 cán bộ, chiến sĩ, 1 xe uoát, 1 xe ca, 1 ca nô và đã di dời được 350 người dân; sau lũ, tổ chức tổng dọn vệ sinh Trường Tiểu học số 2 và Trường THCS thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước). Đơn vị H70 - Quân khu 5 có 27 cán bộ, chiến sĩ, cùng 4 xuồng nhôm, 5 máy đẩy, 1 xe uoát, 3 xe tải, 1 ca nô và đã di dời được 85 người dân. Binh đoàn Tây Nguyên có 120 cán bộ, chiến sĩ cùng 1 ca nô, 1 xuồng cao tốc, 4 xuồng nhôm đưa được 213 người dân ra khỏi vùng lũ, cấp phát khoảng 4,5 tấn lương thực cứu trợ đến với người dân, giúp đỡ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần khắc phục hậu quả sau lũ. Đơn vị N73 - Quân khu 5 có 77 cán bộ, chiến sĩ đưa 96 người dân ra khỏi vùng lũ. Đoàn 31- Binh đoàn Tây Nguyên có 26 cán bộ, chiến sĩ tổ chức tổng dọn vệ sinh, giúp dân dựng lại nhà cửa, trụ điện tại xã Canh Vinh (huyện Vân Canh)… |
Cứu dân giữa dòng nước xiết
|
Cán bộ, chiến sĩ Đơn vị 38, Đoàn H (Quân khu 5) sau khi cứu dân trong lũ, tiếp tục giúp người dân thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước) dọn dẹp vệ sinh sau lũ. Ảnh: N.Dự |
Trưa ngày 5.11, trời mưa lất phất. Trên sân Trường Tiểu học số 2 thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước), cán bộ, chiến sĩ Đơn vị 38, Đoàn H (Quân khu 5) đang chạy đua cùng thời gian, khẩn trương thu dọn vệ sinh để các em học sinh sớm đến trường. Trong lúc mọi người đang vét những lớp bùn nhão nhoét và rác chất lên xe tải, kỳ cọ bàn ghế, thì có một ông lão đến đòi gặp cho bằng được các chú bộ đội.
Đang dọn nốt đống rác cuối sân trường, Binh nhất Tạ Đình Nhân, chiến sĩ Đại đội 1, dừng tay. Anh nhận ra đó chính là người mình và đồng đội đã bơi ra cứu sống giữa dòng nước xiết hôm nọ. Ông lão cũng đã nhận ra ân nhân của mình. Hai người ôm choàng lấy nhau, giọng ông nghẹn ngào: “Bữa được cứu sống, cha con tui chưa kịp hỏi tên thì các chú đã đi liền. Mấy ngày nay tui cứ đi tìm, may mà gặp chứ không thì ân hận mãi”. Tạ Đình Nhân bẽn lẽn: “Bác ơi, trong trường hợp ấy thì người lính nào cũng làm như vậy cả!”.
Nhân khiêm tốn vậy, chứ ông Trần Văn Giang và người dân khối 6 thị trấn Diêu Trì không ai quên giây phút hãi hùng ấy. 10 giờ sáng 3.11, lũ dâng cao, cánh đồng trũng và sông Hà Thanh mênh mông, nước đục ngầu, chảy xiết. Cán bộ, chiến sĩ Phân đội 4 vừa tới UBND thị trấn Diêu Trì, thì nghe tiếng người dân kêu cứu.
Không chậm trễ, Trung úy Đào Trường Minh, Chính trị viên phó Đại đội 2, cùng Binh nhất Tạ Đình Nhân và 4 chiến sĩ chạy ra bến sông Hà Thanh. Lúc này, mưa nặng hạt, gió lớn thốc từng cơn, nhưng sáu người đã nhảy ào xuống dòng nước lạnh cóng, luồn lách bơi ra giữa dòng. Trên sông, chiếc ghe nhỏ lật nghiêng, nổi lập lờ, mấy chiếc mũ bảo hiểm nhấp nhô, những cánh tay chới với. Cùng lúc, hai chiến sĩ Đoàn N73 cũng đã chèo thuyền nhôm ứng cứu. Sau gần nửa giờ vật lộn với lũ dữ, Nhân đã dìu được ông Giang lên thuyền. Trung úy Đào Trường Minh và 4 chiến sĩ còn lại cũng đưa được 4 người dân còn lại lên thuyền nhôm.
Bộ đội và dân chưa kịp hỏi tên nhau, thì phía sau UBND thị trấn Diêu Trì lại có tiếng kêu cứu của người dân, vậy là các anh lại lao tới. Ngay trong buổi trưa hôm ấy, các anh cứu được 10 người dân kẹt lại trên mái nhà; trong đó, có vợ chồng anh Đỗ Văn Tương và chị Hoàng Thị Thu cùng con nhỏ 5 tháng tuổi.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hòa, Phân đội phó Quân sự Phân đội 4, cho biết: “Mấy ngày dầm mình trong lũ, cán bộ, chiến sĩ Đơn vị 38, Đoàn H (Quân khu 5) đã di dời gần 400 người dân thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước đến nơi an toàn. Áo chưa kịp khô, bộ đội chưa kịp nghỉ ngơi, sáng ngày 5.11, hơn 80 cán bộ, chiến sĩ Phân đội 4 lại hành quân vào huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) cứu giúp nhân dân. Lực lượng còn lại tích cực giúp địa phương dọn vệ sinh Trường THCS và Trường Tiểu học số 2 thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước).
Theo kế hoạch, 40 cán bộ, chiến sĩ Đơn vị 38, Đoàn H (Quân khu 5) sẽ tiếp tục ở lại Bình Định thêm hai tuần nữa để giúp các gia đình chính sách, hộ nghèo khắc phục hậu quả bão lũ.
| |