Trường lớp bộn bề sau bão lũ
7:32', 10/11/ 2009 (GMT+7)

Cùng trong cảnh tan hoang sau bão lũ, các trường học ở các xã ngoại thành TP Quy Nhơn và các huyện Tuy Phước, Vân Canh… đang “gượng dậy” để tiếp tục dạy và học. Tuy nhiên, những thiệt hại của các học sinh, giáo viên và trường học vùng lũ vẫn còn phải khắc phục lâu dài…

 

Bộ đội Trung đoàn 38 dọn dẹp sách vở bị ngập của Trường THCS Diêu Trì (Tuy Phước). Ảnh: Xuân Thức

 

* Sách trôi, vở ướt

Chúng tôi đến Trường THCS Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) vào ngày thứ năm sau cơn lũ kinh hoàng. Sân Trường vẫn ngập ngụa bùn đất. Phòng hiệu bộ, phòng hội đồng giáo viên ngổn ngang hồ sơ, sổ sách ướt nhèm. Bà Ngô Lệ Hoa, Phó Hiệu trưởng, cho biết: “Mặc dù 6 người trong Ban Phòng chống bão lũ của Trường đã túc trực tại chỗ chuẩn bị đối phó, nhưng đành bó tay, khi nước lũ tràn về, đẩy sập khoảng 260 m tường rào phía Tây và nhanh chóng dâng cao, lật đổ hết số máy móc, hồ sơ, giấy tờ…”.

Sau khi lũ rút, cán bộ, giáo viên của Trường đã khẩn trương dọn rửa bàn ghế, phòng học, chuẩn bị đón học sinh. Đến sáng 6.11, học sinh mới bắt đầu đến trường, mỗi lớp chỉ lác đác 5-6 em. Bà Lệ Hoa cho biết: “90% số học sinh của Trường đều ở trong những vùng bị ngập sâu trong nước lũ, nên có lẽ, phải đến sáng thứ hai (ngày 9.11), các em mới có thể đi học đông đủ được”.

Lê Thị Sim, học sinh lớp 9A2, ở khu vực 5, phường Nhơn Phú, bùi ngùi kể: “Nhà em bị nước dâng lên ngập đầu, quần áo, sách vở trôi hết. Em chỉ còn mỗi bộ quần áo đang mặc trên người. Sáng nay đến trường, đành mua tạm một quyển vở, một cây bút để học…”. Còn cô giáo Trần Thị Thu Sương, dạy môn Sinh, nhà cũng ở khu vực 5, cho hay: “Tôi được các đồng nghiệp có nhà ở nội thành cho mấy bộ quần áo để mặc đến trường, chứ nhà cửa chẳng còn gì, ngay cả giáo án cũng bị ướt và trôi mất…”. Bởi vậy, gọi là đi học lại, dạy lại, nhưng cả cô và trò cũng chưa biết làm gì ngoài việc động viên nhau vượt qua khó khăn.  

Tại Trường THCS thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước) nước lũ cũng đã rút hẳn. Ông Cao Văn Dũng, Hiệu trưởng, cho biết: “Lũ đã làm hư hỏng 200 bộ bàn ghế, 21 bộ máy vi tính, toàn bộ hồ sơ, sổ sách quản lý và kế toán, cùng hơn 5.000 đầu sách của thư viện, 400m tường rào bị sập… thiệt hại lên gần 1 tỉ đồng…”. Được sự giúp đỡ của bộ đội Sư đoàn 2 (Quân khu V), Trường đã tiến hành dọn vệ sinh, phun thuốc khử trùng các phòng học. Được biết, Trường THCS thị trấn Diêu Trì đang được huyện và ngành GD-ĐT đầu tư 500 triệu đồng tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị để xây dựng trường chuẩn quốc gia. Nay thì, trường lớp và các trang thiết bị hầu như bị lũ làm hư hỏng cả. Ông Trần Hữu Tường, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tuy Phước, cho biết: “Huyện có 167 phòng học bị tốc mái, sập trần, 3 phòng học bị sập phải đóng cửa, 1.758 bộ bàn ghế bị hỏng,  69 bộ máy vi tính bị hỏng… Thiệt hại ước tính hơn 4 tỉ đồng...”.

* Khắc phục hậu quả

Đến Trường THCS thị trấn Diêu Trì vào ngày 5.11, chúng tôi đã gặp các chiến sĩ của Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, thuộc Trung đoàn Bộ binh 38 (Sư đoàn 2- Quân khu V), đang tất bật giúp nhà trường dọn vệ sinh sân trường, rửa bùn các phòng học, sắp xếp, sửa chữa lại bàn ghế. Thiếu úy Huỳnh Ngọc Sơn, Trung đội trưởng Trung đội 5 (thuộc Đại đội 2), cho biết: “Đơn vị chúng tôi được điều động đến giúp dân từ ngày 2.11. Đến ngày 4.11, nước lũ rút, chúng tôi tập trung giúp các trường học để học sinh sớm được trở lại trường”.

Toàn ngành GD-ĐT có 478 phòng học bị tốc trần, mái; 2 khu vệ sinh bị sập; 1.801 m2 nhà để xe bị tốc mái; 1.939 m tường rào bị đổ; 77 máy vi tính, 4 máy photocopy bị hỏng; 55 bộ thiết bị thí nghiệm- dạy nghề, 926 bộ bàn ghế bị hỏng, 4.953 quyển sách giáo khoa bị ướt… Tổng thiệt hại khoảng 7,2 tỉ đồng.

Tại vùng “rốn lũ” các xã khu Đông huyện Tuy Phước: Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng, đến ngày 7.11, nước vẫn ngập sân trường. Tuy nhiên, các thầy cô giáo đã tập trung dọn bùn non các phòng học, kê lại bàn ghế, lợp lại mái ngói đã bị bão giật bay. Cô giáo Đặng Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phước Thắng, cho biết: “Sống ở vùng lũ nên chúng tôi đã có kinh nghiệm, cứ nghe dự báo có bão là thầy cô tập trung kê cao bàn ghế, thiết bị dạy học; còn thư viện thì bố trí ở trên lầu. Do vậy, dù lũ lớn, Trường đã tránh được thiệt hại”.

Sáng qua (9.11), học sinh các vùng bị lũ trong tỉnh đã trở lại trường.Tuy vậy, không khí học tập vẫn còn khá trầm lắng. Ban giám hiệu các trường đang bối rối làm thế nào để dạy bù cho hết chương trình và đảm bảo nội dung kiến thức cho học sinh thi học kỳ 1. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), cho biết: “Vừa rồi, học sinh của Trường đã phải nghỉ học dài ngày vì cúm A/H1N1, nên từ nhiều tuần qua, giáo viên và học sinh đã phải dạy và học luôn cả ngày chủ nhật và dự kiến đến khi học sinh thi học kỳ 1, thì sẽ hoàn thành được chương trình. Nay học sinh lại nghỉ học gần 1 tuần nữa vì bão, lũ, Trường chưa biết sẽ phải bố trí dạy bù ra sao?”.

Bộ GD-ĐT kiểm tra khắc phục hậu quả bão lũ tại Bình Định

Chiều ngày 8.11, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa và Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Trần Công Phong, đã về thăm, kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả lũ lụt tại một số trường học trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, đợt bão lũ vừa qua đã gây nhiều thiệt hại cho ngành. Ngay sau khi nước bắt đầu rút, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường học bị ngập lũ trên địa bàn tỉnh khẩn trương làm công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường, tu sửa các phòng học bị hư hỏng, tốc mái, ngập nước để sớm tổ chức việc dạy và học bình thường sau lũ. Đến ngày 9.11, hầu hết các trường học bị ngập lũ trên địa bàn tỉnh đã tổ chức dạy học trở lại.

Qua kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã chỉ đạo ngành GD-ĐT tỉnh cần tiếp tục khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, cũng như có kế hoạch tổ chức dạy bù cho học sinh vào các ngày thứ bảy và chủ nhật để kịp phân phối chương trình, nhất là đối với học sinh lớp 9 và lớp 12.

Dịp này, Bộ GD-ĐT cũng đã ủng hộ cho ngành GD-ĐT Bình Định 40 triệu đồng, Trường THPT Hùng Vương 10 triệu đồng; Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng cũng ủng hộ ngành GD-ĐT tỉnh 30 triệu đồng và Trường THPT Hùng Vương 20 triệu đồng để mua sách giáo khoa phục vụ cho học sinh.

  • Xuân Nguyên

  • Ngọc Quỳnh - Xuân Thức
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
THƯ KÊU GỌI ỦNG HỘ, GIÚP ĐỠ ĐỒNG BÀO BỊ THIÊN TAI, BÃO LỤT  (10/11/2009)
Kiểm tra công tác y tế dự phòng sau bão  (09/11/2009)
Ngăn chặn nguy cơ học sinh bỏ học sau lũ  (09/11/2009)
Một học sinh bị nước cuốn trôi  (09/11/2009)
Chia sẻ khó khăn với người dân vùng lũ  (09/11/2009)
Bộ đội giúp dân trong lũ  (09/11/2009)
Khắc phục hậu quả bão lụt là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay  (09/11/2009)
“Phó nháy” công viên…  (08/11/2009)
Tổ chức cứu trợ nhân dân bị thiệt hại sau bão lũ   (08/11/2009)
Khám chữa bệnh cho người dân vùng lũ   (08/11/2009)
Phân bổ 90 tấn gạo và 1.000 thùng mì tôm cho dân   (08/11/2009)
Cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào vùng lũ   (08/11/2009)
Hai anh em dũng cảm cứu người trong lũ  (07/11/2009)
Giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt  (07/11/2009)
Giám định thiệt hại để bồi thường cho khách hàng bị tổn thất do bão số 11  (07/11/2009)