Cơn bão số 11 và sau
đó là trận lũ lịch sử đã gây nhiều thiệt hại cho người dân vùng “rốn lũ” thuộc
các xã khu Đông hai huyện Tuy Phước và Phù Cát. Hiện nay, do không có điện và
thiếu nước sạch, mọi sinh hoạt của người dân đều bị đảo lộn.
|
Đường dây trung thế đưa
điện về các xã khu Đông Tuy Phước và Phù Cát đến ngày 10.11 vẫn chưa khắc phục
được. Ảnh: Xuân Thức
|
Ông Bùi Công
Minh, cán bộ văn phòng UBND xã Cát Chánh (Phù Cát), cho biết: “Lũ lớn làm ngập
hầu hết các nhà dân ở địa phương, có 8 nhà sập hoàn toàn, 225 nhà tốc mái, trôi
mất 1.360 con gia cầm, ướt 20 tấn thóc giống chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân của
HTX Cát Chánh. Hiện tại nước vẫn còn ngập trắng đồng nên chúng tôi chưa thống kê
hết thiệt hại”.
Điều khó khăn nhất là
từ sau bão số 11 đến giờ, đã qua 9 ngày (10.11) người dân Cát Chánh vẫn sống
trong cảnh đèn dầu tù mù không có điện, thiếu gạo do các máy gạo chạy bằng điện
không có điện hoạt động. Còn nước sinh hoạt, tuy có nhà máy nước sạch nhưng
không có điện để bơm, bà con phải dùng tạm nước sông, nước mương để tắm giặt,
nước uống thì phải mua từng bình, sử dụng hết sức tiết kiệm. Tình trạng này nếu
cứ để kéo dài, thì dịch bệnh có thể xảy ra, sức khỏe của nhiều người dân nghèo
khó đảm bảo.
Không chỉ riêng ở Cát
Chánh, tại xã Cát Tiến, Cát Hải cũng nằm trong tình trạng mất điện, thiếu nước
sinh hoạt. Anh Trần Văn Minh, ở thôn Phương Thái, xã Cát Tiến, thổ lộ: “Hầu hết
các giếng khơi trong thôn đều bị ô nhiễm do phân gia súc, lũ ngập. Trạm y tế xã
có tổ chức khử trùng các giếng nước, dọn vệ sinh nên bà con dùng tạm, nhưng thực
sự nguồn nước chưa trở lại bình thường, dùng cho ăn uống cũng rất ngại. Hầu hết
bà con đều sử dụng giếng đóng, nay không có điện để bơm nên đành chịu. Biết bão
lũ tôi chuẩn bị gạo dự trữ đủ ăn 1 tuần, nay hết gạo, lúa thì có nhưng các máy
gạo trong thôn đều nằm im, đâu có điện để họ máy. Rất mong ngành điện sớm khắc
phục để bà con chúng tôi có điện sinh hoạt, sản xuất”.
Đối với các xã khu
Đông Tuy Phước, đến trưa ngày 6.11, ba xã Phước Thuận, Phước Sơn và Phước Hòa đã
được cấp điện trở lại, riêng xã Phước Thắng mới cấp điện đến 2 thôn Thanh Quang
và Tư Cung, còn 7 thôn với hơn 1.700 hộ dân đến nay vẫn chưa có điện. Việc không
có điện sinh hoạt kéo dài làm cho nhân dân lao đao, bà con phải chống sõng vào
tận Gò Bồi, xã Phước Hòa để mua dầu hỏa về thắp và chở lúa vào máy gạo để xay
xát. Nhà máy nước Phước Quang đã cấp nước sinh hoạt trở lại từ ngày 5.11 nên các
thôn Tư Cung, Lương Bình, Phổ Đồng, Lạc Điền (xã Phước Thắng) có nước sạch sinh
hoạt hàng ngày, còn các thôn khác trong xã bà con vẫn phải sử dụng nước sông,
nước mương tắm giặt, còn nước uống vẫn phải mua từng thùng, từng
bình.
Khó khăn hiện tại là
hệ thống đường dây điện đến các địa phương trên bị đổ ngã khá nhiều, lại nằm
trong vùng thấp trũng còn ngập sâu trong nước, dẫn đến việc khắc phục lại hệ
thống lưới điện không thể một sớm, một chiều. Tuy nhiên, ngành điện cũng cần
khẩn trương phối hợp cùng với chính quyền các địa phương huy động lực lượng dựng
lại các trụ điện bị đổ ngã. Khoanh vùng những nơi thiệt hại nặng để sửa chữa và
cấp điện sau, còn vùng thiệt hại nhẹ phải tạo mọi điều kiện để người dân có điện
sinh hoạt một cách sớm nhất, để bà con vùng “rốn lũ”õ khu Đông bớt đi vất
vả.
|