Năm 2009, Sở LĐ-TB&XH đã tập trung phối hợp tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB) bằng các hình thức như: phẫu thuật miễn phí trả lại nụ cười; phẫu thuật tim bẩm sinh; phẫu thuật chỉnh hình; phẫu thuật mắt cho trẻ em khuyết tật và nhận đỡ đầu chăm sóc trẻ em mồ côi.
Ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp với các ngành, đoàn thể thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về bảo vệ chăm sóc trẻ em nói chung và đặc biệt là trẻ em có HCĐB. Đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã giải quyết trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước cho 569 trẻ em với tổng kinh phí hơn 1 tỉ đồng. Trong đó, 49 em đang được nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, 520 em được hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng. Ngoài ra, các em còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế; được miễn, giảm học phí và đóng góp xây dựng trường; được cấp sách vở, đồ dùng học tập...
|
Khám phân loại trẻ em khuyết tật sứt môi, hở hàm ếch. Ảnh: L.A |
Có 1.491 trẻ em khuyết tật đi học, trong đó có 106 trẻ em câm điếc học văn hóa tại các lớp chuyên biệt; 200 em học ở các lớp học tình thương; 1.085 em học hòa nhập tại cộng đồng. Có 169 trẻ em mồ côi được các cơ sở Đoàn trong tỉnh nhận đỡ đầu và thường xuyên được thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ những lúc khó khăn. Ngoài ra, còn có hàng trăm em được nhận làm con nuôi, được gia đình chăm sóc thay thế. Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh và Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm tiếp tục tổ chức các lớp dạy nghề đan mây, tin học, may dân dụng cho 37 trẻ em mồ côi, khuyết tật, giúp các em có khái niệm và kỹ năng nghề nghiệp để hòa nhập cuộc sống sau này.
Ngành LĐ-TB&XH cũng phối hợp với Hội SAP-VN và Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn tổ chức khám, sàng lọc bệnh cho 345 em khuyết tật vận động. Qua khám đã chọn 43 em phẫu thuật chỉnh hình; cấp dụng cụ chỉnh hình, giày nẹp cho 28 em khác, chi phí cho mỗi ca gần 3 triệu đồng; phối hợp với Đoàn phẫu thuật tình thương, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP Hồ Chí Minh, Đoàn phẫu thuật Interplast và Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức khám sàng lọc 216 trẻ em bị bệnh về hàm mặt, sẹo bỏng, thừa dính ngón. Qua khám, có 103 em được phẫu thuật, chi phí cho mỗi em hơn 2 triệu đồng; phối hợp với các tổ chức Đông Tây Hội Ngộ, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh, Vina Capital, Bệnh viện Trung ương Huế, Viện Tim TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức phẫu thuật tim bẩm sinh cho 38 em thuộc hộ gia đình nghèo, với tổng chi phí 1,2 tỉ đồng; trong đó các nhà tài trợ hỗ trợ 809 triệu đồng, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và gia đình lo chi phí 411 triệu đồng. Trong tháng 12 sẽ có thêm 12 em được hỗ trợ phẫu thuật tim bẩm sinh.
Dự án phục hồi chức năng (PHCN) cho trẻ khuyết tật dựa vào cộng đồng được tiếp tục triển khai tại huyện Hoài Ân. Có 80 trẻ em khuyết tật ở các xã Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Ân Hữu, Ân Nghĩa được tập luyện PHCN và hỗ trợ dinh dưỡng. Sau nhiều năm kiên trì luyện tập và chăm sóc về dinh dưỡng, đã có 42,5% trẻ có chuyển biến tích cực; 32,5% trẻ có tiến bộ về sức khỏe và các vận động đơn giản; 90% gia đình có trẻ tham gia dự án nắm được những kiến thức cơ bản về chăm sóc và phương pháp tập luyện PHCN cho trẻ. Phối hợp với Hội Trợ giúp người tàn tật Việt Nam (VNAH) tổ chức triển khai thực hiện Dự án “Trợ giúp người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam/dioxin” cho 10 xã, huyện Phù Cát. Dự án đã tổ chức khám phân loại người khuyết tật vận động, xây dựng 2 Trung tâm PHCN ở xã Cát Tân và xã Cát Hưng; đầu tư trang thiết bị và tổ chức luyện tập PHCN cho trẻ khuyết tật. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam trao 50 xe lăn cho trẻ em khuyết tật, mỗi chiếc trị giá 1,5 triệu đồng; tổ chức trao 265 suất học bổng, mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng, cho trẻ em nghèo vượt khó học giỏi.
Tính ra, trên 5 ngàn trẻ em có HCĐB ở tỉnh ta đã được Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp và các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội từ thiện thăm hỏi, tặng quà với số tiền hàng trăm triệu đồng.
|