Mùa nước nổi ở miền Tây thường kéo dài hàng tháng trời, người dân sống chung với lũ, dựa vào lũ để mưu sinh. Lũ miền Trung dữ dằn, tốc độ nhanh, dòng chảy mạnh, khái niệm “sống chung với lũ” còn khá xa lạ. Tuy vậy, vẫn có không ít người tìm được kế sinh nhai khi lũ rút đi…
|
Trước mỗi vườn mai đều có những ụ đất bồi để thay đất cho mai. |
v Đất bồi với làng mai
Ở làng mai Háo Đức, Thanh Liêm (xã Nhơn An, huyện An Nhơn), nhu cầu thay đất cho mai là rất lớn. Ông Huỳnh Quốc Quang, chủ vườn mai ở thôn Thanh Liêm, cho biết: “Thông thường, mỗi năm phải thay đất cho mai một lần. Tháng Giêng, tháng Hai, phải thay đất cho những chậu mai chưa bán được trong phiên chợ Tết. Mỗi chủ vườn mua vài chục khối đất, một khối đất bồi giá khoảng 60 ngàn đồng. Lượng đất ít hay nhiều còn phụ thuộc vào chậu mai lớn hay nhỏ, trung bình một khối đất thay được khoảng 30 chậu mai. Đất mua về để sau Tết dùng phải ủ kỹ, nhiều người dùng bạt che để đất không mọc cỏ, lại giữ được chất dinh dưỡng”.
Đất để thay cho mai phải là đất bồi trên những cánh đồng sau lũ. Theo những người trồng mai lâu năm, đất tốt nhất là lớp đất dày khoảng 2 cm, càng xuống dưới thì chất lượng đất càng giảm. Để mua được đất tốt, chủ vườn phải trực tiếp xem đất, hoặc đặt hàng của những mối tin cậy. Không ít trường hợp vì không xem kỹ, hoặc không biết chọn đất, đem về thay làm hư mai.
Ở làng mai Háo Đức, anh Bùi An Quý, ở xóm 3, là người cung cấp đất bồi có chất lượng cho các chủ vườn mai. Anh Quý chuyên vận chuyển hàng hóa bằng xe tải, đến mùa lũ lụt, anh mới chuyển qua chở đất bồi bán. Hiện tại, anh thuê 4 nhân công ở thôn Tiên Hòa (xã Nhơn Hưng) để xúc đất. Xúc đầy một xe tải (khoảng 5 m3 đất), 4 người sẽ được trả công 60 ngàn đồng. Trung bình mỗi ngày xúc được 7 xe, làm liên tục, có thể thu được trên 100 ngàn đồng/người. “Nói thì đơn giản, chứ làm nghề này cực kỳ vất vả. Cứ quần quật dưới nắng chang chang, liên tục xúc đất quăng lên xe, phải là người có sức khỏe và quen việc mới làm được. Càng ngày càng ít người làm, nên phải cố giữ mối làm ăn, không thì có đất đấy mà chẳng làm gì được”- anh Quý cho biết.
Anh Quý bắt đầu chở đất bồi cho làng mai từ hồi còn đi xe máy cày, giờ anh đã sắm được chiếc xe tải nhỏ. Trải qua bao nhiêu mùa lũ lụt, anh đã tích lũy cho mình kinh nghiệm “nhìn” đất. Đất bồi thường không theo đám, theo thửa, mà theo luồng nước, nhiều nơi đất bồi tới nửa mét. Phải chọn thứ đất xốp, nhuyễn, rút nước nhanh mới tốt cho mai. Loại đất này trồng đậu chỉ tốt dây, còn hạt lép xẹp. Đất bồi mua về cũng phải ủ 2-3 tháng rồi mới bán lại, lại tốn một lần xúc lên, đổ xuống. Trừ tiền thuê nhân công, chi phí vận chuyển, anh thu được khoảng 70 ngàn đồng/xe.
|
Sau lũ, gánh ve chai xem chừng nặng hơn... |
v Gánh ve chai và nỗi buồn thế sự
Bị ngâm trong nước lũ, đồ đạc gia đình hư hỏng nhiều. Đó là thời điểm được mùa của những gánh ve chai. Gặp chị Hồng, 49 tuổi, lúc chị đang buộc mấy thùng giấy các tông lên xe đạp. Quê ở xã Cát Tiến (huyện Phù Cát), chị vào Quy Nhơn mua ve chai đã gần chục năm. Địa bàn hoạt động chủ yếu của chị là phường Nhơn Bình. Chị Hồng cho biết: Trong khoảng 3 ngày sau lũ, lượng hàng chị mua được gấp 4 lần ngày thường. Mặt hàng cũng đa dạng hơn, ngoài thùng giấy cũ, còn có sách vở học sinh, ti vi, bếp ga, nồi cơm điện hỏng…
Tuy hàng nhiều, nhưng so với ngày thường, giá mua không thấp hơn. Nồi cơm điện từ 7 đến 10 ngàn đồng/cái, ti vi từ 20 đến 50 ngàn đồng/cái, giấy ướt 300 đến 500 đồng/kg, giấy khô 1.000 đồng/kg. “Nhìn người ta nhà cửa tan hoang, ai nỡ ép giá…”- chị Hồng tâm sự.
Ngày thường, cả phường Nhơn Bình chỉ có từ 10 đến 15 người mua ve chai, mỗi người chỉ kiếm được khoảng 40 đến 50 ngàn đồng/ngày. Nhưng sau lũ, số người lên đến hơn 30. Dù vậy, mức thu nhập hơn 100 ngàn đồng/ngày không hiếm. Tuy nhiên, mua ve chai sau lũ cũng gặp rủi ro. Chị Năm (ở tổ 4, KV3, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn), chỉ đống giấy mục nát, ướt nhèm nằm ngổn ngang trước nhà số 492 Hùng Vương (Quy Nhơn), nói: “Lúc mua thì “sa cạ” hết, về phơi xong bán lại thì chủ loại ra nhiều quá, phải chịu lỗ thôi”.
Sau lũ, ngoài ve chai, những người nhặt rác cũng được mùa. Nhiều người “trúng mánh”, có thể được từ 80 đến 100 ngàn đồng/ngày…
Xúc đất bồi, mua ve chai hay nhặt rác là những cách mưu sinh lương thiện. Nhưng sau lũ, cũng có không ít người kiếm tiền bất chính. Theo dòng nước lũ, gỗ của các công ty trôi dạt vào vườn nhà dân. Lũ rút, nhân viên công ty đến, những hộ dân này ra giá 5 triệu một khúc gỗ, trả tiền mới đem gỗ về. Buồn thay!
Và đáng lên án là hành động “xẻ thịt” sà lan Bonggaya 93 được kéo bởi tàu kéo Bintang Jaya (quốc tịch Singapore). Khoảng trưa ngày 2.11, sà lan này đang neo đậu tại phao số 0 Quy Nhơn, bị bão số 11 đánh dạt vào khu vực hòn Ngang thuộc vùng biển Bãi Xép (KV1, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn). Sau khi tai nạn xảy ra, chủ tàu người Malaysia cùng đại diện của chủ tàu và doanh nghiệp bảo hiểm đã đến tận nơi để khảo sát và làm các thủ tục xử lý, giải quyết... Trong khi đó, nhiều người đã tự ý cắt sắt từ sà lan này và vận chuyển đi nơi khác. Trước đó, một lượng gỗ lớn được chở trên sà lan này trôi dạt trên biển, tấp vào khu vực Bãi Xép cũng đã bị người dân khiêng về làm “của nhà mình”. Ham “của trời”, họ bất kể nguy hiểm đến tính mạng, bất cần uy tín, danh dự của địa phương…
|