Hơn một tuần bị chia cắt, cuối cùng những chuyến hàng cứu trợ cũng đã đến với học sinh, giáo viên Trường phổ thông cơ sở bán trú Canh Liên, huyện miền núi Vân Canh. Để đưa được hàng cứu trợ đến người dân, những chiến sĩ của Trường Quân sự Quân đoàn 3 phải cõng hàng, trèo đèo, lội suối, vượt qua nhiều đoạn đường bùn lầy nguy hiểm…
|
Một bữa cơm no nê của học sinh Trường PTCS bán trú Canh Liên sau những ngày ăn cầm hơi.
|
Nguy cơ thiếu đói
Cơn lũ vừa qua như cơn đại hồng thủy đã biến con đường lên xã Canh Liên thành một dòng suối khổng lồ. Cây cối, đất đá lớn nhỏ ngổn ngang cùng bùn đất, khiến cho các loại xe tải đều “chào thua”, chỉ còn sức người với những bước chân của bộ đội...
Bình thường kho lương thực của Trường PTCS bán trú Canh Liên dự trữ khoản 10 ngày, sau đó sẽ được vận chuyển từ dưới xuôi lên bằng phương tiện cơ giới. Từ khi bão số 11 gây lũ lớn xóa sổ 3 km đoạn Dốc dài, xã vùng cao Canh Liên hoàn toàn chia cắt với miền xuôi. Đã hơn một tuần, kho lương thực của trường vơi dần chỉ còn vỏn vẹn vài bao gạo và một ít thực phẩm khô. Nếu không có sự chi viện lương thực kịp thời, gần 160 học sinh bán trú và 43 cán bộ, giáo viên của trường sẽ nguy cơ thiếu đói…
|
Trao gạo cho học sinh.
|
Ông Đinh Minh Khai, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trước tình cảnh tắt đường chia cắt hoàn toàn với miền xuôi, nguy cơ thiếu đói trong những ngày tới là chắc chắn. Nhà trường chỉ cho các em ăn ít lại và trông chờ vào sự cứu trợ. Ngày 4.11, nhận được thông tin sẽ có trực thăng thả hàng cứu trợ, tập thể nhà trường và người dân ở đây mừng lắm. Hôm đó thời tiết quá xấu, sợ trực thăng không tìm thấy mục tiêu, nhà trường và chính quyền xã đã huy động lực lượng chất đống củi cao trên 5m, đốt trên 400 lít dầu lửa trên đồi cao, cả ngày chờ mãi không thấy đâu”.
Cõng gạo lên “cổng trời”
Nhận được thông tin Canh Liên bị cô lập, cán bộ chiến sỹ Trường quân sự Quân đoàn 3 đã liên lạc với huyện Vân Canh nhận nhiệm vụ cõng gạo tiếp tế cho nhà trường.
7 giờ sáng ngày 10.11, hơn 130 cán bộ, chiến sỹ Trường quân sự Quân đoàn 3, mỗi chiến sỹ cõng trên lưng 25kg gạo bắt đầu xuất phát từ làng Kà Te, xã Canh Thuận. Từ làng Kà Te đến Canh Liên phải vượt qua 5 đoạn dốc nguy hiểm (Dốc đá, Dốc Nhớt, Dốc Sơ kót, Dốc Cổng trời và Dốc Dài) với tổng chiều dài 27 km. Lâu nay, trong hành trình đến Canh Liên vất vả nhất là vượt dốc Cổng Trời nhưng ở thời điểm này thì khác, Dốc Dài mới là đoạn đường nguy hiểm và vất vả nhất. Đến 17giờ 30 phút đoàn cõng gạo mới đến được Dốc Dài, nghỉ ngơi, ăn tối nhẹ. Đúng 18 giờ với sự tiếp sức của các thầy giáo Trường PTCS bán trú Canh Liên cùng chính quyền xã, đoàn chia thành nhiều tốp nhỏ hỗ trợ lẫn nhau bắt đầu vượt đoạn đường cuối. Trời tối đen như mực, ánh đèn pin không đủ sáng. Người đi trước nối người đi sau, trèo lên cây, lội xuống bùn, dò từng bước lội qua suối. Thỉnh thoảng lại có người trượt chân ngã.
|
Để đến Canh Liên phải vượt qua 5 ngọn dốc hiểm trở.
|
Sau 5 giờ đồng, vượt Dốc Dài nhưng bây giờ đã thành con “suối dài”, bằng sức trẻ và lòng quyết tâm, đoàn đã đến với Canh Liên vào 22 giờ đêm trong sự ngạc nhiên của bà con dân tộc thiểu số địa phương. Mệt lả người nhưng khi bước vào cổng trường, nghe bà con, các cô giáo khen ngợi: “Các anh Bộ đội giỏi quá, trong đêm tối mà vẫn đi được tài thật …", mọi người trong đoàn như quên hết mệt nhọc.
Chiến sỹ Lê Hồng Xuân, Học viên Trường quân sự Quân đoàn 3, cho biết: “Đúng ra trong thời điểm này chúng em phải tập trung ôn thi tốt nghiệp cuối khóa nhưng trước tình cảnh của thầy và trò Trường Canh Liên, đơn vị quán triệt, phải gác lại chuyện ôn thi để cõng gạo tiếp tế cho Canh Liên. Tất cả chúng em xung phong lên đường. Cõng 25kg trên vai đi 27km đường trong một ngày không quá khó đối với chúng em vì trong những chuyến hành quân trước đó chúng em còn vác trên vai nhiều hơn".
Còn chiến sỹ Ysu Ma Rah Môk, tâm sự: “Chuyến hành quân này thật đặc biệt với mình. Dù gian nan, vất vả nhưng mình luôn quyết tâm xung kích đi đầu để các bạn hăng hái nối theo, vì mình là người con của đồng bào, em thấu hiểu cái khó khăn ở nơi vùng cao”.
|
Giáo viên nhà trường lưu luyến tiễn các anh bộ đội về xuôi.
|
Các em không còn sợ đói
Bữa cơm sáng 11.11 là bữa cơm no nhất của các em học sinh Trường PTCS bán trú Canh Liên kể từ khi lũ chia cắt, gây tắt đường. Em La Thanh Học, học sinh lớp 9, cho biết: "Trước đây cái bụng ăn quen rồi. Mấy ngày nay ăn ít hơn. Ngồi học mà bụng cồn cào. Tối ngủ cũng không ngon giấc. Muốn bỏ về nhà nhưng thầy giáo không cho. Nghe bà con nói đường về làng cũng bị lở hết rồi không đi được. Nay được các chú bộ đội cõng gạo lên, không còn sợ đói nữa".
Dù đã được tiếp tế lương thực nhưng Ban giám hiệu nhà trường vẫn chưa hết lo. Theo ông Đinh Minh Khai, đoạn đường xói lở khó mà khôi phục sớm được. Mong các cấp chính quyền quan tâm sớm khôi phục hoặc tìm một đường đi khác thay thế, nếu chậm trễ không những thầy và trò của trường khó khăn mà đồng bào dân tộc Canh Liên cũng rơi vào cảnh tương tự"
|
Lội suối để đưa gạo đến Canh Liên.
|
Các cán bộ, chiến sỹ Trường quân sự Quân đoàn 3 rời Canh Liên về xuôi trong niềm vui sướng, quý mến của thầy và trò Trường phổ thông cơ sở bán trú Canh Liên cũng như bà con nơi đây. Bằng hành động của trái tim, những người lính Cụ Hồ đã để lại ấn tượng và lòng tin yêu sâu sắc trong lòng thầy và trò cùng bà con đồng bào các dân tộc Bana xã vùng cao Canh Liên, nơi mệnh danh là Cổng Trời của huyện miền núi Vân Canh.
|