Hai cơn bão số 9 và 11 vừa qua đã gây thiệt hại về tài sản trên địa bàn tỉnh ta ước tính hàng ngàn tỉ đồng, trong đó đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất chủ yếu là các doanh nghiệp (DN). Nếu tất cả các DN đều có ý thức chấp hành nghiêm quy định tham gia bảo hiểm bắt buộc (BHBB) thì có lẽ đã không phải lâm vào tình trạng điêu đứng như hiện nay.
|
Do tham gia BHBB nên phần hàng hóa của Công ty cổ phần APROVIC (KCN Phú Tài) trị giá hàng tỉ đồng bị thiệt hại trong cơn bão số 11 vừa qua được PJICO Bình Định bồi thường.
|
Theo thống kê của ngành chức năng, chỉ tính riêng cơn bão số 11 vừa qua đã làm cho các DN trên địa bàn tỉnh, nhất là các DN ở Khu công nghiệp Phú Tài, các cụm công nghiệp ở TP. Quy Nhơn và huyện Tuy Phước thiệt hại khoảng 500 tỉ đồng. Trong đó riêng KCN Phú Tài chiếm khoảng 300 tỉ đồng. Tài sản bị thiệt hại trong cơn bão vừa qua của các DN chủ yếu là hàng hóa, nhà xưởng; máy móc, thiết bị sản xuất…
Mặc dù tài sản bị thiệt hại nặng nề, nhưng ngay sau khi cơn bão đi qua, nhiều DN vẫn nhanh chóng khôi phục nhà xưởng, sắp xếp bộ máy, sớm ổn định lại công việc sản xuất, kinh doanh. Sở dĩ các DN này nhanh chóng gượng dậy được sau cơn bão là do họ đã chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về BHBB. Bởi lẽ, phần lớn thiệt hại của những DN này từ cơn bão đã và đang được đơn vị tham gia bảo hiểm tiến hành các thủ tục bồi thường theo quy định.
Tuy nhiên, bên cạnh đó hiện có không ít DN đang đối mặt với vô vàn khó khăn vì không tham gia BHBB. Điển hình nhất là một DN nghiệp chế biến gỗ ở Khu công nghiệp Phú Tài vừa bị thiệt hại gần 30 tỉ đồng từ cơn bão số 11. Do không tham gia BHBB, nên sau cơn bão công ty này đang đối mặt với chồng chất khó khăn. Hiện nhà máy chế biến gỗ này đang phải đóng cửa tạm thời để lên kế hoạch khắc phục những khó khăn sắp tới trong sản xuất, kinh doanh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm trước đây, hàng năm đơn vị này tham gia BHBB đều đặn. Nhưng không hiểu vì lý do gì năm nay họ lại không chấp hành tham gia BHBB, để rồi phải gánh lấy hậu quả nặng nề.
Cơn lũ lịch sử trong bão số 11 vừa qua cũng đã làm cho hàng trăm tấn hàng thực phẩm của một công ty thương mại có trụ sở ở phường Quang Trung (TP. Quy Nhơn) chìm trong biển nước, ước tính tổng giá trị thiệt hại khoảng 5 tỉ đồng. Tương tự như DN chế biến gỗ trên, do không tham gia BHBB nên công ty này phải chấp nhận mất trắng giá trị thiệt hại từ cơn bão.
Trên đây chỉ là hai DN điển hình trong số hàng chục DN bị thiệt hại nặng nề trong hai cơn bão số 9 và 11 vừa qua đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do không tham gia BHBB. Thực tế, hai cơn bão số 9 và 11 vừa qua không phải là lần đầu tiên DN ở tỉnh ta đúc kết được bài học về quy định tham gia BHBB. Cách đây hơn 3 năm, vụ cháy Chợ Lớn Quy Nhơn gây thiệt hại hơn 120 tỉ đồng, cũng đã làm cho hàng trăm tiểu thương phải đối mặt với khốn đốn, nhiều người lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì không tham gia BHBB...
Hy vọng rằng, những thiệt hại từ hai trận thiên tai, hỏa hoạn trên sẽ là bài học cho những ai bất chấp quy định BHBB; vì lợi ích nhỏ nhoi trước mắt để rồi phải ôm hận từ những chuyện xảy ra ngoài ý muốn.
Ông Nguyễn Hướng Nam - Giám đốc Bảo hiểm PJICO Bình Định: “Việc tham gia BHBB đối với các đối tượng theo quy định hiện hành của nhà nước là nhằm bảo toàn vốn và tái sản xuất kinh doanh trong trường hợp không may xảy ra sự cố cháy, nổ hay thiên tai, lũ lụt... Tôi nghĩ rằng, nếu như trong hai cơn bão số 9 và 11 vừa qua hay vụ cháy chợ Lớn Quy Nhơn xảy ra vào năm 2006, các đối tượng thuộc diện tham gia BHBB chấp hành nghiêm theo quy định thì sẽ được đơn vị bảo hiểm bồi thường toàn bộ tổn thất đó.” |
|