KỶ NIỆM 27 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20.11.1982 - 20.11.2009)
“Ba điều ước” của nhà giáo
7:46', 20/11/ 2009 (GMT+7)

Với chức năng truyền thụ kiến thức cho học sinh, nghề giáo và nhà giáo luôn được xã hội tôn vinh và trọng vọng. Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11), một số nhà giáo đã tâm sự về nghề và những ước vọng của mình.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình tặng hoa cho các nhà giáo tiêu biểu nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11). Ảnh: Q.H

 

NHÀ GIÁO TRẦN VĂN QÚI, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT:

Hãy thực thi “quốc sách hàng đầu”

Tôi mong muốn Đảng và chính quyền các cấp cùng toàn xã hội thực thi chủ trương “GD-ĐT là quốc sách hàng đầu” bằng những hành động và việc làm cụ thể hơn nữa. Xã hội luôn yêu cầu ngành GD-ĐT cho “ra lò” những “sản phẩm” chuẩn nhưng “nguyên liệu” để làm ra sản phẩm ấy lại chưa đảm bảo chuẩn. Ngành GD-ĐT hiện vẫn đang đứng trước mâu thuẫn giữa số lượng và chất lượng… Trong điều kiện làm nghề không tương xứng này, ngành GD-ĐT chỉ biết cố gắng phấn đấu, nỗ lực hết mình là tốt rồi.

Mục tiêu của ngành luôn là nâng cao chất lượng giáo dục. Phải hình thành cho được những “rặng núi” vững chãi để trên nền tảng đó, phát triển những “đỉnh núi” cao. Muốn vậy, phải làm cho đội ngũ giáo viên hoàn thiện về chuyên môn, cán bộ quản lý giáo dục thay đổi tư duy, tập trung chăm lo phát triển tay nghề cho GV và phải biết huy động nguồn lực xã hội. Ở đây, không đơn giản chỉ là đóng góp tiền bạc, để chăm lo cho giáo dục.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi cũng muốn nhắn gởi đến đội ngũ nhà giáo: các thầy, cô hãy thực hiện tốt nhiệm vụ của mình; mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo. Các em học sinh hãy tích cực học tập, biết ước mơ và hành động để thực hiện ước mơ. Phụ huynh học sinh quan tâm hơn nữa đến việc học của con em mình để mang lại sự vẻ vang cho gia đình và góp phần cải thiện hình ảnh của đất nước trong tương lai.

 

NHÀ GIÁO ƯU TÚ TRƯƠNG THAM- NGUYÊN GIÁO VIÊN VĂN, TRƯỜNG THPT TRƯNG VƯƠNG:

Mong sao trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò

Câu khẩu hiệu này đã có từ rất lâu rồi, nhưng chúng ta vẫn còn phải tiếp tục phấn đấu dài lâu để thực hiện cho được. Hiện nay, hệ thống trường, lớp đã có nhiều thay đổi so với trước, nhưng vẫn còn bất cập so với yêu cầu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Những giáo viên hết lòng vì nghề nghiệp cũng rất hiếm hoi. Người quản lý của các trường học thì năng lực không bắt kịp với yêu cầu, chủ yếu quản lý theo kinh nghiệm. Do đó, tổ chức kỷ luật, nền nếp sư phạm trong nhà trường còn yếu. Việc giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh chưa đạt hiệu quả. Một bộ phận học sinh đến trường không có động cơ học tập, sống thiếu lý tưởng, tình nghĩa thầy - trò không còn gắn bó như xưa…

Tuy nhiên, trong thâm tâm mỗi nhà giáo khi đến lớp đều mong muốn có được những giờ giảng thật hay, muốn có “trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò” để thực thi nghề của mình. Đó cũng chính là mong ước của nhân dân. Nhưng để làm được những điều này, phải có một cuộc “cách mạng” trong ngành GD-ĐT.

 

NHÀ GIÁO NGUYỄN TẤN TĨNH, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT AN LÃO:

Quan tâm hơn đến giáo viên và học sinh miền núi

Hiện nay, điều kiện dạy và học của giáo viên và học sinh miền núi còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, vào mỗi dịp khai giảng, các nhà tài trợ, các “Mạnh Thường Quân”… thường mới chỉ quan tâm, hỗ trợ đến giáo viên và học sinh ở thành phố, chứ chưa chú ý nhiều đến các vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tôi mong muốn rằng, toàn xã hội hãy cùng với ngành GD-ĐT tạo môi trường và điều kiện dạy và học tốt nhất cho giáo viên và học sinh, nhất là ở những nơi còn nhiều thiệt thòi để tạo ra sự công bằng trong giáo dục. Hiện nay, trường chúng tôi còn khoảng 25% trong số 70 cán bộ, giáo viên còn phải dạy học xa nhà. Tuy đã có đủ chỗ ở, nhưng điều kiện ăn ở của giáo viên còn nhiều khó khăn; ngoài chế độ ưu đãi “đứng lớp” là 35% tăng thêm so với lương, chúng tôi rất mong sớm có chế độ thu hút các nhà giáo đang công tác tại miền núi.

 

Khen thưởng những giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2008-2009.  Ảnh: Q.H

 

NHÀ GIÁO NGUYỄN VĂN BANG, GIÁO VIÊN HÓA, TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN:

Thường xuyên học để dạy tốt hơn

Tôi đang học cao học ở Hà Nội. Mong sao, qua 2 năm học, có thêm một số kiến thức mới. Khi về trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy của mình, đặc biệt là công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Trong quá trình dạy học, tôi luôn xem việc tự học, bồi dưỡng thường xuyên và học tập ở đồng nghiệp là rất quan trọng. Thầy cũng như trò, phải biết chia sẻ kiến thức, biết cho và biết nhận; học hỏi ở mọi lúc, mọi nơi; bình đẳng về nhận thức. Thông qua môn học, tôi luôn có ý thức giáo dục học sinh về ý thức cầu tiến, niềm say mê khoa học, biết yêu thương con người, yêu quý thiên nhiên và thân thiện với môi trường.

Hy vọng Nhà nước, ngành Giáo dục ngày càng có nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ cho nhà giáo tốt hơn nữa; ở những vùng khó khăn phải tạo mọi điều kiện thuận lợi, phải đảm bảo cuộc sống, để cho các nhà giáo yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý với nghề sư phạm. Có như vậy, nhà giáo mới thực sự yêu nghề, tích cực đầu tư kiến thức, đổi mới phương pháp, phấn đấu trong công tác giảng dạy và gắn bó với nghề trọn đời. Thiết nghĩ, vấn đề này có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục.

 

NHÀ GIÁO NGUYỄN NGỌC OANH, GIÁO VIÊN VĂN, TRƯỜNG THPT TĂNG BẠT HỔ (HOÀI NHƠN):

Cho điểm học sinh là cho điểm chính mình

Thầy giáo ngày nay không còn giữ vị trí độc tôn về kiến thức như ngày xưa nên vai trò người thầy theo đó cũng khác đi. Tuy nhiên, giữa mênh mông kiến thức, nhất là nguồn kiến thức từ sách báo, internet... dễ làm học sinh lạc lối. Vì vậy, ngoài kiến thức về chuyên môn vững chắc, người thầy còn cần thường xuyên trau dồi, bổ sung kiến thức về xã hội thật tốt để là “ngọn hải đăng” dẫn lối cho học sinh.

Nghề giáo là một nghề cao quý, là kỹ sư tâm hồn cho biết bao thế hệ. Tôi tâm niệm rằng, mỗi khi cầm phấn trắng viết lên bảng đen như vẽ những con đường cho học sinh mình chập chững bước đi, nên mỗi nét viết là một suy tư. Cho điểm học sinh là cho điểm chính mình, nên sự trưởng thành của học sinh cũng chính là của mình vậy.

Tuy nhiên, hiện nay cuộc sống của người thầy phía sau bục giảng còn quá nhiều thiếu thốn. Ngoài lương và phụ cấp không còn một khoản nào khác, mà đồng lương như hiện nay thì khởi nghiệp bằng nghề giáo, khó an cư để lạc nghiệp. Nhiều người bươn chải bằng nghề phụ hoặc dạy thêm. Nhưng dạy thêm thì phải vi phạm quy chế, phải lén lút, điều đó làm người thầy ngày càng mất đi hình ảnh của mình.

  • Ngọc Quỳnh (Ghi)

Thắp lên Hy vọng

Thế là ngôi trường chuyên biệt dành cho trẻ em khuyết tật (KT) vốn chịu nhiều thiệt thòi đã trở thành hiện thực bằng rất nhiều cố gắng của những người có trách nhiệm- Trường Chuyên biệt Hy vọng (số 2 Tăng Bạt Hổ, Quy Nhơn).

 

Các HS khuyết tật Trường Chuyên biệt Hy vọng thể hiện bài hát “Tình bạn” bằng ngôn ngữ cử chỉ, điệu bộ. Ảnh: N.Q

 

Hôm khai giảng năm học đầu tiên của Trường là một không khí rất khác. Không tưng bừng, sôi động, không rực rỡ sắc màu của bóng bay và cờ hoa. Thay vào đó, vẳng lên là những tiếng ú ớ đầy khao khát tiếng nói, là tiếng khóc vì lạ lẫm và vô thức của trẻ KT; sự lắng đọng, ấm áp của những thương cảm, xót xa…

Ai tham dự lễ khai giảng cũng xúc động, chực trào nước mắt khi nhìn các học sinh của Trường hát Quốc ca, hát bài hát “Tình bạn” chỉ bằng cử chỉ và điệu bộ. Đội Sinh viên tình nguyện của Khoa Tâm lý giáo dục và Công tác xã hội, Trường Đại học Quy Nhơn, cũng đã đến hỗ trợ chương trình văn nghệ của các học sinh bằng các tiết mục thể hiện sự chia sẻ và đồng cảm...

Thực ra, đây không phải là nơi đầu tiên dạy văn hóa, dạy nghề cho trẻ KT trong tỉnh. Trước đó, Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm và Trường Dạy nghề Bình Định cũng đã tổ chức dạy văn hóa cho trẻ KT. Nhưng chỉ khi Trường Chuyên biệt Hy vọng, trực thuộc Sở GD-ĐT ra đời, thì trẻ KT trong tỉnh mới thật sự có một ngôi trường theo đúng ý nghĩa của nó, để dạy dỗ, chăm sóc và hướng dẫn hòa nhập cho trẻ KT.

Tuy nhiên, hiện tại, do tiếp quản cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và cả học sinh của Trường Dạy nghề Bình Định cũ, nên cơ sở vật chất của Trường Chuyên biệt Hy vọng còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn; giáo viên thiếu, chương trình dạy học chưa được thiết kế chuẩn, trong khi học sinh KT thì không thể áp dụng cùng một nội dung, phương pháp nào...

Trong mục tiêu của chiến lược giáo dục trẻ KT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2015, hầu hết trẻ KT Việt Nam có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận một nền giáo dục có chất lượng và được trợ giúp để phát triển tối đa khả năng tham gia đóng góp tích cực cho xã hội. Cụ thể, đến năm học 2009-2010 này, phải đảm bảo cho 70% trẻ KT được đi học.

Theo mục tiêu đó, Trường Chuyên biệt Hy vọng còn rất nhiều việc phải làm để trẻ KT có được quyền đến trường, quyền được học tập bình đẳng như bao trẻ em khác. Mà để thực hiện được nhiệm vụ nặng nề đó, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của Trường, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ về nhiều mặt của các ngành, các cấp và toàn xã hội.

  • Thanh Ngọc

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng Dự án Khu du lịch khách sạn và nghỉ dưỡng Vĩnh Hội  (19/11/2009)
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh sau bão lụt ở Bình Định  (19/11/2009)
Trao 20 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học  (19/11/2009)
Khởi công xây dựng Làng trẻ em SOS Quy Nhơn  (19/11/2009)
Các hoạt động kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam  (19/11/2009)
Lãnh đạo tỉnh tiếp, làm việc với Giám đốc VSA châu Á  (19/11/2009)
Hỗ trợ người dân bị thiên tai ổn định cuộc sống  (19/11/2009)
Điều chỉnh mức hỗ trợ tiền ăn cho cán bộ cấp xã, thôn khi học các lớp bồi dưỡng chính quyền cơ sở  (18/11/2009)
Thêm một bài học về việc thực hiện quy định bảo hiểm bắt buộc  (18/11/2009)
8 tỉ đồng hỗ trợ nạn nhân bão lụt  (18/11/2009)
Khen thưởng 2 anh em dũng cảm cứu người trong lũ  (18/11/2009)
Chất lượng chăm sóc và giáo dục mầm non vùng khó khăn được nâng cao  (18/11/2009)
UBND tỉnh hỗ trợ hơn 1 tỉ đồng cho 75 nhân lực có trình độ cao  (18/11/2009)
166 học sinh THPT đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh  (18/11/2009)
Xử lý tai nạn hàng hải tại vùng biển Ghềnh Ráng  (18/11/2009)