Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc, sau 10 năm triển khai thực hiện đề án phát triển KT-XH miền núi (giai đoạn 2000-2010), bằng sự cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), những mục tiêu phát triển KT-XH đến năm 2010 đã cơ bản hoàn thành, góp phần cải thiện mức sống của bà con, từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch với miền xuôi.
|
Một góc trung tâm cụm xã Canh Liên (Vân Canh) hôm nay. Ảnh: Nguyễn Hân
|
* Miền núi khởi sắc
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc, đồng thời thực hiện đề án phát triển KT-XH miền núi của tỉnh giai đoạn 2000-2010, các địa phương miền núi tỉnh ta được Trung ương và địa phương tập trung đầu tư. Có 5 cụm công nghiệp được tỉnh phê duyệt (Tà Súc – huyện Vĩnh Thạnh; Gò Bùi, Gò Cây Duối – huyện An Lão; thị trấn Vân Canh, Canh Vinh – huyện Vân Canh) với tổng diện tích 121,5 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 65,3 tỉ đồng; 3 làng nghề dệt vải thổ cẩm và sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được đầu tư, khôi phục. Bên cạnh đó, nhiều công trình thủy lợi như: hồ Tà Niêng, Hà Nhe, Định Bình (Vĩnh Thạnh), kè chống xói lở Tân Xuân (Hoài Ân); hồ Suối Đuốc, Suối Cầu (Vân Canh)… cùng với hệ thống kênh mương nội đồng đã được kiên cố hóa, góp phần phục vụ sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Công tác khuyến nông - lâm - ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh. Đã có 9.577 hộ được hỗ trợ xóa nhà đơn sơ; 941 lao động được đưa đi xuất khẩu lao động. Thông qua 760 dự án giải quyết việc làm, đã giải quyết việc làm 7.108 lao động; cơ bản không còn hộ đói, hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm từ 4-5%; thu nhập bình quân khoảng 2,6 triệu đồng/người/năm. Đã tạo điều kiện cho 4.123 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn để sản xuất, kinh doanh.
Ngành tiểu thủ công nghiệp được chú trọng phát triển, có khoảng 1.050 cơ sở sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp từ 5,3 tỉ đồng năm 2000 đã tăng 19 tỉ đồng vào năm 2008, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 22%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng mạnh, năm 2008 đạt 2.591 tỉ đồng, tăng 230,6% so với năm 2001, chiếm 16% tổng mức bán lẻ hàng hóa của tỉnh.
Sự nghiệp phát triển giáo dục ở miền núi cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, 100% xã đều có trường tiểu học, giáo viên đạt chuẩn 99%; đã cử tuyển 242 em là con em DTTS theo học các trường ĐH, CĐ và THCN. Các huyện miền núi đã hình thành cơ bản hệ thống cơ sở vật chất văn hóa gồm: nhà văn hóa huyện, xã, khu sinh hoạt văn hóa - thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà rông truyền thống… Trên 92% hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, 88% làng đăng ký xây dựng làng văn hóa, 80% gia đình đạt gia đình văn hóa, 34% làng đạt làng văn hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế vùng đồng bào DTTS, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng mới tái địønh cư phát triển chậm; nôâng nghiệp phát triển chưa vững chắc; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi chậm và thiếu bền vững; chưa giải quyết cơ bản vấn đề thiếu đất sản xuất cho đồng bào. Mặt bằng dân trí còn thấp, một số tập quán lạc hậu còn xảy ra. Công tác đào tạo cán bộ xã là người DTTS theo địa chỉ chưa được chú trọng.
* Hỗ trợ để phát triển
Nhằm định hướng cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng lợi thế ở miền núi, tỉnh đã có sự đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoạch định và thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đặc thù cho vùng dân tộc, miền núi. Phát triển nền kinh tế miền núi bền vững theo cơ cấu “Nông nghiệp – Công nghiệp – Thương mại, dịch vụ”; phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người gấp 6 lần hiện nay, khoảng 16-19 triệu đồng/người/năm. Tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đờøi sống vật chất, tinh thần cho người nghèo.
Tiến hành chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông nghiệp sang các lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp trên cơ sở khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề, phát triển dịch vụ nông thôn. Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống ngang bằng mức trung bình các huyện trung du (hiện tại 40,53%). Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở quy hoạch sản xuất gắn với thị trường và lợi thế về tiềm năng sẵn có của từng vùng; áp dụng tiến bộ KHKT và công nghệ mới, đặc biệt là khâu giống cây trồng, vật nuôi vào sản xuất, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đẩy mạnh sản xuất theo hướng chuyên canh để đạt năng suất, chất lượng. Củng cố phát triển kinh tế hợp tác xã, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo hướng nông - lâm kết hợp.
Đầu tư cải tạo, nâng cấp và phát triển những tuyến giao thông huyết mạch của vùng DTTS miền núi nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của từng vùng. Tập trung đầu tư nâng cấp và xây dựng các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, thủy điện, trạm bơm, hồ chứa nước, kênh mương nội đồng… đảm bảo đến năm 2020 tưới chủ động trên 70% diện tích và 100% hộ dân có đủ nước sinh hoạt.
|