Gần hai chục năm qua, ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát, “ly hương” đã trở thành một hiện tượng xã hội mang tính phổ biến. Ngày càng có nhiều người rời ruộng đồng, xa quê hương tìm kế sinh nhai. Với nguồn thu nhập khá cao, họ đã góp phần mang lại bộ mặt mới cho quê hương. Song phía sau hiện tượng ấy đã bắt đầu xuất hiện những hệ lụy…
|
Cha mẹ “ly hương”, trẻ em ở Cát Tường phải chịu nhiều thiệt thòi. |
* Làm ăn khấm khá
Theo ông Lê Quang Công, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tường, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, xã Cát Thắng- vùng đất bạc màu, thường xuyên bị ngập lụt- được coi là nơi khởi đầu của phong trào “ly hương”, từ đó lan ra các xã khác, như Cát Trinh, Cát Tường... Ban đầu, TP Hồ Chí Minh được coi là “miền đất hứa”, và bán trái cây rong trở thành nghề mưu sinh chủ yếu của dòng người “ly hương”. Sau đó, nhiều người chuyển hướng, ngược lên các tỉnh Tây Nguyên để làm nghề chăm sóc, hái cà phê. Bên cạnh đó, một lực lượng không nhỏ đi bán cốm, bán vé số, mua ve chai… ở khắp nơi trong cả nước.
Theo thống kê của xã Cát Tường, hằng năm, sau dịp Tết Nguyên đán, có ít nhất 600 người đến UBND xã đăng ký tạm vắng. Ông Nguyễn Tấn Khoa, Trưởng thôn Phú Gia, cho biết: Cả thôn có 1.171 hộ với 4.700 nhân khẩu. Ngoài làm bánh tráng, làm nón, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, thu nhập thấp và bấp bênh. Vì vậy, đã có nhiều người bỏ đồng ruộng, nhà cửa để tìm kế mưu sinh. Xóm Phú Hòa nhiều nhất (40 người); 3 xóm Phú Thọ, Phú Tài, Phú Thuận mỗi xóm có khoảng 20 người; xóm Phú Lộc 15 người và Phú Bắc 12 người. Khoảng 2/3 trong số đó bán trái cây rong ở TP Hồ Chí Minh, còn lại chủ yếu làm rẫy ở Tây Nguyên.
Có một thực tế là, nhiều người “ly hương” đã làm ăn khấm khá, gửi tiền về xây dựng nhà cửa khang trang, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Ở thôn Phú Gia, gia đình anh Nguyễn Tấn Khương, 34 tuổi, nổi tiếng là người bán trái cây chuyên nghiệp trên đất Sài Gòn, mỗi người thu nhập thường xuyên 5-6 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng anh “Nam tiến” từ năm 1991, lúc con gái mới 2 tuổi. Anh đang xây nhà 2 tầng, dự tính chi phí hơn 300 triệu. Ngoài anh Khương, còn có thể kể đến “vua bưởi” Đặng Tâm, vợ chồng Hà-Nhân (xóm Phú Thuận, thôn Phú Gia), các anh Lê Văn Mến (thôn Xuân An), Võ Tấn Hùng (thôn Chánh Liêm)…
* Và những hệ lụy...…
Công dân có quyền tạm trú tạm vắng theo quy định của pháp luật. Song số lượng người tạm vắng quá nhiều sẽ gây khó khăn cho công tác xây dựng chính quyền ở cơ sở. Ông Nguyễn Tấn Khoa chia sẻ: “Công tác vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách không thể triển khai đồng bộ; các cuộc họp ở thôn, xóm thì toàn người già, con nít. Làm việc gì cũng khó, như vừa rồi, phát động quyên góp ủng hộ bà con vùng lũ lụt, mấy ông già bà cả cứ bảo tiền con nó giữ hết, có muốn cũng chẳng có gì đóng góp!”.
Ông Lê Quang Công, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tường: “Gần hai chục năm qua, số người “ly hương” ở Cát Tường chưa có dấu hiệu giảm xuống. Trước mắt, chúng tôi sẽ nỗ lực giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất những hệ lụy của hiện tượng này. Về lâu dài, để người dân ổn định đời sống kinh tế mà không phải “ly hương”, chúng tôi sẽ tích cực đẩy mạnh công tác khôi phục các nghề truyền thống của địa phương như làm nón, bánh tráng, cốm… đảm bảo việc làm, thu nhập cho họ”. |
Tại thôn Chánh Liêm, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Ông Hà Văn Phong, Trưởng thôn Chánh Liêm, ngậm ngùi: “Đau đầu nhất là việc huy động thanh niên tham gia dân quân tự vệ, không biết “bói” đâu ra người. Ở xóm Đông, khi có người già mất, tìm mãi cũng không đủ người khiêng quan tài…”.
Trong dòng người “ly hương”, có nhiều cặp vợ chồng, vì mưu sinh, phải gửi con cái cho ông bà, cô chú chăm sóc. So với bạn bè cùng lứa, các em này có đời sống vật chất đầy đủ hơn, song lại chịu nhiều thiệt thòi về tinh thần khi không được cha mẹ quan tâm, dạy bảo thường xuyên. Một số em có ý thức tốt, có đời sống tự lập, tự giác trong sinh hoạt, học tập, như em Đoàn Thị Kim Tuyến (ở thôn Chánh Liêm), mẹ đi bán trái cây rong ở TP Hồ Chí Minh, vừa đảm bảo học tập, em vừa làm tròn vai trò của người chăm lo bếp núc cho cả nhà. Tuy nhiên, số trường hợp như Tuyến không nhiều, có tới 30% các cặp vợ chồng “ly hương” có con lười học, vi phạm kỷ luật tại trường học. Ông Nguyễn Kế Trinh, Hiệu trưởng Trường THCS Cát Tường, cho biết: “Con cái của các cặp vợ chồng làm ăn xa không chịu sự quản lý của gia đình, dễ bị các thanh thiếu niên chậm tiến, bạn bè xấu lôi kéo, dẫn đến lười học, chán học…”.
Ở một khía cạnh khác, vợ chồng vì mưu sinh phải sống xa nhau trong thời gian dài, không thể tránh khỏi những chuyện “cơm không lành, canh chẳng ngọt”, đe dọa hạnh phúc gia đình…
|