Với nguồn lực đầu tư lớn, cách thức đầu tư toàn diện và hiệu quả, Dự án Chăm sóc và giáo dục mầm non (GDMN) tỉnh Bình Định (ECCE) kết thúc đã mang lại “bức tranh” tươi sáng cho GDMN, đặc biệt là ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; góp phần cải thiện cơ hội tiếp cận GDMN cho trẻ em từ 3-5 tuổi trong tỉnh.
|
Cô và cháu ở Trường Mầm non Vĩnh Thịnh (Vĩnh Thạnh) - Trường được Dự án ECCE đầu tư xây dựng; trang bị đồ dùng, đồ chơi và nâng cao năng lực cho giáo viên. Ảnh: N.Q
|
* Hình thức truyền thông đa dạng, phong phú
Dự án ECCE đã dành phần lớn kinh phí cho các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, các ngành, cha mẹ trẻ và cộng đồng về chăm sóc và GDMN. Ban quản lý Dự án đã thành lập Ban chỉ đạo chiến dịch truyền thông tỉnh và 11 ban thực hiện chiến dịch truyền thông huyện, 58 ban truyền thông cấp xã.
Các hoạt động tập huấn nâng cao nhận thức và truyền thông cộng đồng về GDMN được triển khai sớm. Thông qua các hoạt động nói trên, nhận thức của cha mẹ trẻ, cộng đồng và ngành, hội, đoàn thể, các cấp liên quan về việc đưa trẻ tới lớp mẫu giáo, về giáo dục chăm sóc sức khoẻ cho trẻ được nâng cao. Điều này giúp cho các hoạt động khác của Dự án được thuận lợi.
Dự án tổ chức truyền thông thông qua một chuỗi các hoạt động cụ thể với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đối tượng như: tuyên truyền lồng ghép qua các buổi họp của thôn, xã, phường, qua loa đài phát thanh địa phương; thi sáng tác sản phẩm truyền thông, liên hoan văn nghệ, thi cán bộ truyền thông giỏi và các hội thi có sự tham gia của cha mẹ trẻ mầm non. Mỗi hình thức truyền thông có những điểm mạnh và điểm yếu. Sự kết hợp giữa chúng đã bổ trợ cho nhau, tạo tác động và hiệu quả lớn.
Bên cạnh đó, Ban quản lý Dự án đã mở các lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực truyền thông cho cán bộ truyền thông viên cơ sở và các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo chính quyền, đoàn thể cấp xã, huyện. Đặc biệt, nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia GDMN của New Zealand, Dự án đã tổ chức tập huấn chuyên môn cho đội ngũ giáo viên cốt cán mầm non của tỉnh và cán bộ, giáo viên mầm non ở 58 xã thụ hưởng Dự án, góp phần đổi mới về phương pháp dạy học, cách tổ chức hoạt động trên lớp học theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của trẻ.
* Hiệu quả lâu dài của Dự án
Dự án ECCE tỉnh Bình Định được thiết kế nhằm mục tiêu tạo cơ hội tiếp cận và tiếp cận có chất lượng GDMN cho trẻ em 3-5 tuổi ở 58 xã thuộc các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Các hoạt động của ECCE chính là sự chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình đổi mới GDMN của Bộ GD-ĐT.
Các trường lớp được xây dựng khang trang đã tác động lên người dân. Người dân phấn khởi, tự nguyện đóng góp công sức để tạo mặt bằng sân chơi cho trẻ, hiến đất vườn để xây dựng trường.
Có thể nói, cộng đồng đã có sự thay đổi lớn trong nhận thức về sự quan tâm tới GDMN. Quan niệm về giáo dục trẻ là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục, của nhà trường và các thầy cô giáo đã thay đổi. Cộng đồng đã thấy được vai trò và trách nhiệm của mình đối với trẻ mầm non của địa phương mình nói riêng và trong việc phát triển GDMN nói chung. Đoàn tư vấn đánh giá giữa kỳ Dự án đã nhấn mạnh, đây là kết quả “vượt ra khỏi sự mong đợi của Dự án”.
ECCE là dự án đầu tiên dùng vốn tài trợ của Tổ chức Phát triển quốc tế của New Zealand và vốn đóng góp của địa phương cho việc đầu tư phát triển bậc học mầm non- bậc học có nhiều khó khăn nhất- với 69 phòng học ở 66 điểm trường lẻ và 40 phòng học ở 11 điểm trường chính tại khắp các vùng khó khăn của tỉnh. Tổng mức đầu tư của Dự án là 62 tỉ đồng. Trong đó, vốn đối ứng của tỉnh là 30 tỉ đồng. |
Nếu không xây dựng các trường, lớp mầm non thì không thể huy động nguồn vốn đối ứng từ xã, huyện, tỉnh nhiều như vậy. Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Châu (Hoài Nhơn), cho biết: “Xã đã đối ứng 806 triệu đồng để san lấp mặt bằng, đền bù giải tỏa, xây dựng tường rào, cổng ngõ, mua sắm thêm trang thiết bị cho các phòng học và vận động nhân dân trồng cây, hoa trong khuôn viên trường. Trường lớp quá khang trang, năng lực quản lý và giảng dạy của cán bộ, giáo viên được nâng cao, nên năm học này, số học sinh đến trường lớp đã vượt rất nhiều so với chỉ tiêu ban đầu”.
Việc xây dựng trường lớp của Dự án đã ảnh hưởng tới nhiều trường, lớp khác trong thôn, xã. Các huyện như Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tây Sơn, Tuy Phước… nhân đà Dự án, đã cho xây dựng lớp mới. Nhiều xã đã cho tu sửa toàn bộ trường, lớp mầm non khác trong xã, bởi vì ngay trong một xã, không thể để thôn có trường lớp khang trang, đẹp đẽ, còn thôn khác trường lớp lại quá xuống cấp.
|