Bên cạnh một Quy Hòa nên thơ với bờ biển dài từng gợi thi hứng cho Hàn Mặc Tử, Quy Hòa của phong cảnh hữu tình…, còn có một Quy Hòa khuất lấp với những nỗi khó khăn, thiệt thòi mà người dân nơi đây đang gặp phải, dẫu họ cũng là cư dân thành phố.
|
Người dân Quy Hòa mong muốn được hưởng quyền lợi như ở các khu vực khác.
|
* Nơi khác của “ngoài đời”
Còn nhớ, gần 15 năm trước, Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa có một sự kiện đáng nhớ, đó là sự ra đời của Xóm nhà mới. Năm 1995, theo chủ trương của bệnh viện, con em bệnh nhân lập gia đình riêng được Bệnh viện cho mượn một lô đất, các souer dòng tu Phan Sinh hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ để cất nhà. Cuộc sống mới của thế hệ thứ hai, thứ ba cư dân Quy Hòa đã bắt đầu từ đó với Xóm nhà mới…
Dẫu vậy, nỗi mặc cảm về thân phận và nguồn gốc gia đình dường như vẫn còn đeo đẳng nhiều người. Cho đến bây giờ, không chỉ bệnh nhân trong khu điều trị, mà cả cư dân Xóm nhà mới vẫn còn lưu giữ khái niệm “ngoài đời” - tức chỉ Quy Nhơn, một “thế giới” khác ở bên ngoài Bệnh viện. Hôm tôi ghé quán bún bò của bà Gái ở chợ Quy Hòa, bà vừa múc bún, vừa bảo: “Ở đây bán có 5 ngàn đồng một tô thôi, chứ ngoài đời người ta bán phải 10 ngàn đồng”. Câu chuyện sau đó được nối tiếp bởi những người đi chợ xung quanh với việc so sánh giá cả “ở đây” và “ngoài đời”.
Thực sự, khoảng cách giữa Quy Hòa và “ngoài đời” đã được thu hẹp rất nhiều, khi trẻ em Quy Hòa ra ngoài đi học, người trong Quy Hòa và người ở Quy Nhơn cũng ra - vào làm ăn, buôn bán, lấy vợ, lấy chồng. Nên có lẽ, đấy chỉ là mọi người quen miệng.
Bây giờ, khoảng cách đúng nghĩa của người Quy Hòa với “ngoài đời” chính là ở trình độ dân trí. Cuộc sống của người dân nơi đây, bao đời nay vẫn vậy: mùa biển yên đánh cá, biển động thì bám núi đốn củi, làm than hay đi làm phụ hồ, công nhân gỗ, phát rẫy mướn… Vất vả và bấp bênh.
|
Thế hệ thứ ba ở Quy Hòa.
|
* Nguyện vọng thiết tha
Tuy nhiên, nỗi bức xúc nhất hiện nay của người dân Quy Hòa chính là những bất cập trong việc quản lý hành chính ở địa phương. Khu vực 2 phường Ghềnh Ráng gồm có 10 tổ (thứ tự từ tổ 5 đến tổ 14), trong đó, từ tổ 5 đến tổ 10 là khu dân cư bên ngoài Bệnh viện; từ tổ 11 đến tổ14 là khu dân cư bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện và Xóm nhà mới. Ông Nguyễn Văn Diệu, Khu vực phó khu vực 2, bộc bạch: “Địa giới hành chính, sự khác biệt trong lối sống, cách sinh hoạt của dân cư trong và ngoài Bệnh viện đã khiến khu vực 2 phường Ghềnh Ráng như lại bị chia tách thành 2 khu vực nhỏ”.
Điều đó thể hiện ở việc, tuy khu dân cư Quy Hòa (tức từ tổ 11-14 hiện nay) đã được giao về phường Ghềnh Ráng quản lý cách đây vài năm, nhưng hiện vẫn còn nhiều thứ “không”. Ông Nguyễn Văn Diệu cho biết: “Ở đây, chúng tôi chỉ có chi hội người cao tuổi, chi hội khuyến học và hội phụ huynh học sinh; còn lại tổ chức hội phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh của khu vực 2... không “phủ sóng” đến. Có lẽ, do lối sống khác nhau, sự phân biệt người bệnh - người lành, rồi bản thân người ở đây cũng chưa xóa được hết mặc cảm mình là bệnh nhân, là con em người bệnh, nên hai khu dân cư vẫn chưa hòa nhập một cách tự nhiên được”. Không có các hội đoàn thể, người dân bị thiệt thòi về quyền lợi. Chị Thái Thị Mỹ Hạnh (tổ 13) bày tỏ: “Chúng tôi không được hưởng quyền lợi gì của phụ nữ khu vực, không được họp hành, sinh hoạt, cũng như không được vay vốn làm ăn”. Một số phụ nữ khác cũng cho biết đã có những vụ bạo hành gia đình xảy ra và người vợ phải lên Hội Phụ nữ phường hay nhờ Hội Hiền mẫu của Nhà thờ Quy Hòa can thiệp.
Ngoài ra, một bức xúc khác là hiện tổ 11, 12, 13 (khu dân cư bệnh nhân đang điều trị) không có tổ trưởng. Điều này khiến cho chính quyền địa phương không thể quản lý và nắm bắt tình hình mọi mặt đời sống của người dân, nhất là quản lý về an ninh trật tự, chấp hành pháp luật. Ông Diệu cho biết, đã từng có trường hợp tội phạm trốn lệnh truy nã vào nhà người thân là bệnh nhân ở Quy Hòa ẩn náu, cho đến khi đối tượng này đi khỏi thì mọi người mới biết. Cũng có một số trường hợp kết hôn trái pháp luật, nhưng chính quyền không biết. Đặc biệt, hiện ở đây có 4-5 người đang đi xin ăn ở Thái Lan; trước đó một số người đi đã về và hiện vài người cũng đang chuẩn bị vào các tỉnh phía Nam xin ăn. Bên cạnh đó, mặc dù người dân tổ 11, 12, 13 do phường Ghềnh Ráng quản lý hành chính, nhưng các hộ dân không được xét chọn hộ nghèo vì cho rằng họ đã được nhận trợ cấp của Nhà nước dành cho bệnh nhân phong, dù đời sống nhiều người rất khó khăn.
Bây giờ, nguyện vọng tha thiết nhất của người dân Quy Hòa (từ tổ 11 - 14, khu vực 2 phường Ghềnh Ráng), như lời ông Diệu, là: “Thứ nhất, bầu tổ trưởng cho các tổ 11, 12, 13; thành lập các hội, đoàn thể, đặc biệt là hội phụ nữ, thanh niên để người dân được sinh hoạt trong các tổ chức và được hưởng các quyền lợi của mình. Thứ hai, phụ nữ ở đây rất cần được quan tâm tạo điều kiện giải quyết việc làm phù hợp với trình độ”.
|