Các khu công nghiệp (KCN) Phú Tài, Long Mỹ hình thành, hàng loạt nhà máy, công ty mọc lên kéo theo hàng ngàn lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về làm công nhân (CN). Họ thuê phòng trọ ở quanh KCN và hình thành nên từng xóm trọ. Họ chen chúc trong những phòng trọ chật chội, đời sống tinh thần quá đơn giản.
|
Sau giờ làm, công nhân chỉ biết loanh quanh ở phòng trọ vì không biết vui chơi, giải trí ở đâu. Ảnh: Văn Trang
|
* Sống chen chúc
Trong các con hẻm trên Quốc lộ 1A thuộc phường Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn) hầu như không nhà nào là không có phòng trọ dành cho CN thuê. Phần lớn các phòng trọ tối om, rộng chừng 20m2, có 4-5 (thậm chí 9-12) CN ở chung. Phòng chật, quần áo phải phơi trên xe đạp dựng dọc theo lối đi chung.
Chị Lê Thị Linh, quê ở Thanh Hóa, làm CN cho doanh nghiệp gỗ P.H, cho biết: “Ở chật chội như vậy nhưng bọn em cũng phải trả tiền phòng mỗi tháng 100 ngàn đồng/ người, chưa kể tiền điện, nước. Lương tháng tụi em dao động ở mức 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng, nên phải tiết kiệm tối đa mới có dư gửi về quê”.
Bên cạnh phòng ở của Linh là phòng trọ có cùng diện tích của nhóm 9 nữ CN ở Công ty TNHH Trường Lâm. “Tụi tui đi làm suốt ngày đến tối mới về, chỉ cần một chỗ nghỉ lưng nên chịu khó ở chật một chút để tiết kiệm”- chị Thanh, một thành viên trong nhóm, nói.
Dãy nhà trọ này có đến 8 phòng liền kề nhau chứa gần 50 người nhưng chỉ có 3 nhà vệ sinh. Hầu hết các phòng trọ CN ở quanh KCN Phú Tài đều có điểm chung là chật chội và thiếu những tiện nghi tối thiểu.
* Đời sống tinh thần thiếu thốn
Làm việc vất vả, ăn uống kham khổ, đời sống tinh thần của CN cũng rất bó hẹp. Nhiều công nhân vào đây làm 2-3 năm trời nhưng chưa một lần đi xa khỏi dãy phòng trọ, không biết khu du lịch, khu vui chơi giải trí nào. Không có tivi, trò giải trí duy nhất của họ là tán gẫu với bạn cùng phòng, cùng dãy nhà trọ hoặc… ngủ vùi.
Thiếu tụ điểm vui chơi, giải trí, nên ngày nghỉ, CN ở đây chỉ biết loanh quanh trong xóm trọ hoặc đón xe buýt xuống Quy Nhơn dạo biển, vào siêu thị để “ngắm” hàng hóa. CN nữ thường chọn cách giải trí là nghe radio hay ra các điểm internet để chat với bạn bè; còn nam thì ngồi đồng ở quán cà phê những khi “đứt hàng” (không có việc làm) hoặc đánh bida, uống rượu suông.
Anh Bình, quê ở Thanh Hóa, CN Công ty TNHH D.P, cho biết: “Sống xa gia đình, không có nơi để vui chơi, giải trí, nhất là trong những lúc công ty “đứt hàng”, phải chờ việc, nhiều CN nam tổ chức nhậu nhẹt, rồi xảy ra xích mích, đánh nhau hoặc trộm cắp vặt. Một số CN thiếu thốn tình cảm gia đình, đã “góp gạo nấu cơm chung” với người khác phái, nhưng chỉ được năm bữa nửa tháng là xảy ra một cuộc khẩu chiến, đường ai nấy đi…”.
CN Lê Thị Linh so sánh, CN ở các KCN, KCX tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… lâu lâu còn được xem các chương trình “Hát cùng công nhân” do các ca sĩ, diễn viên hài đến phục vụ miễn phí, rồi được tổ chức xem phim và có các khu vui chơi giải trí dành cho CN… Ở tỉnh ta cũng có Nhà văn hóa Lao động được xây dựng khá quy mô, nhưng rất ít tổ chức các chương trình phục vụ cho CN và người lao động.
* Sẽ xây nhà ở cho CN?
Ông Bùi Quốc Hồng, Phó Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, cho biết “Lâu nay, tiêu chí quy hoạch các KCN trên cả nước chỉ dành đất sản xuất, không có đất xây dựng nhà ở cho CN cũng như các công trình phúc lợi. Do vậy, các KCN trên địa bàn tỉnh ta cũng rơi vào tình trạng tương tự”.
Trước nhu cầu bức xúc nhà ở cho CN tại các KCN, tỉnh đã có kế hoạch phát triển nhà ở cho CN tại KCN giai đoạn 2009 - 2015. Giai đoạn 1 từ năm 2009 – 2012, với 5 dự án bao gồm khu nhà ở cho CN tại KCN Phú Tài và Long Mỹ, đáp ứng được nhu cầu thuê nhà ở cho 3.900 CN, với tổng mức đầu tư là 123 tỉ đồng (kể cả đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội và các dịch vụ khác trong phạm vi dự án); quỹ đất dùng để xây dựng bao gồm 4,2 ha quỹ đất sạch tại khu tái định cư phường Trần Quang Diệu và 2,5 ha ở khu tái định cư phường Bùi Thị Xuân thuộc khu tái định cư KCN Phú Tài. Giai đoạn 2 từ năm 2013 - 2015, dự kiến đầu tư 6 dự án, gồm khu nhà ở cho CN các KCN: Phú Tài, Long Mỹ, Nhơn Hòa, Hòa Hội, Cát Trinh và Khu kinh tế Nhơn Hội, giải quyết được nhu cầu thuê nhà ở cho 16 ngàn CN, với tổng mức đầu tư 436,8 tỉ đồng; quỹ đất để xây dựng trong giai đoạn này khoảng 35 ha… Đối tượng được thuê nhà ở là CN tại các KCN, ưu tiên các trường hợp CN ngoài tỉnh có hợp đồng lao động tại KCN nơi có dự án nhà ở CN, CN có thu nhập thấp, chưa có nhà ở hoặc có nhà ở tạm bợ.
Theo ông Bùi Quốc Hồng, khi nhà ở cho CN được xây dựng, thì các công trình phúc lợi, khu vui chơi giải trí mọc lên, đời sống tinh thần của CN tại các KCN sẽ được cải thiện.
|