Trước sự thay đổi cơ chế đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại địa phương của Luật BHYT, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) TP Quy Nhơn buộc phải tăng phòng khám, kê thêm giường bệnh, hợp đồng thêm nhân lực phục vụ.
|
Bệnh nhân quá tải ở khu vực tiếp đón, nhận trả thẻ Bảo hiểm y tế (ảnh chụp lúc 10 giờ 30 phút ngày 25.11). Ảnh: Thu Hiền
|
* 280, 360 và 420
280 là số giường bệnh chỉ tiêu của bệnh viện. 360 là số giường bệnh thực kê để đối phó với tình trạng quá tải. Và 420 là số bệnh nhân điều trị nội trú hiện có trong ngày 24.11. Không còn chỗ “co giãn” để kê thêm giường bệnh, nhiều khoa, phòng phải cho bệnh nhân nằm đôi, giường xếp.
Tình trạng quá tải bệnh nhân diễn ra ở tất cả các khoa, phòng, nhưng nặng nề nhất phải kể đến khoa Nội và Ngoại. Theo kế hoạch, khoa Nội có 70 giường bệnh, nhưng lượng bệnh nhân điều trị nội trú đã lên 90 người; còn khoa Ngoại tuy ít hơn 5 giường bệnh nhưng cũng “gánh” ngần ấy bệnh nhân. Riêng khoa Khám, dao động 1.000-1.100 lượt khám/ngày, tăng vài trăm người so với trước đây.
Tình trạng quá tải bệnh nhân đã diễn ra nhiều năm nay và đã trở thành căn bệnh mãn tính ở các cơ sở y tế. Nhưng đối với BVĐK TP Quy Nhơn, tình trạng này càng nặng nề hơn khi Luật BHYT quy định người dân đăng ký cơ sở y tế khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị Hậu, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Quy Nhơn, ngoài 21 trạm y tế xã, phường và phòng khám đa khoa khu vực, người dân ở TP Quy Nhơn có thể đăng ký khám chữa bệnh BHYT ở 5 cơ sở: BVĐK TP Quy Nhơn, BVĐK tư nhân Hòa Bình, Bệnh viện Y học cổ truyền, phòng khám đa khoa Hương Sơn và phòng khám 38 Lê Lợi. Tuy nhiên, 4 cơ sở y tế (BVĐK tư nhân Hòa Bình, Bệnh viện Y học cổ truyền, phòng khám đa khoa Hương Sơn và 38 Lê Lợi) ít “hút” người bệnh, trong khi số đầu thẻ đăng ký ở BVĐK TP Quy Nhơn đã tăng 2-3 lần.
Bà Hậu lý giải, tâm lý của người dân vẫn “chuộng” bệnh viện nhà nước. Ngược lại, bệnh viện tư và phòng khám tư nhân, vẫn còn hạn chế về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực, nên chưa thật sự thu hút bệnh nhân. Còn trạm y tế cũng không “mặn mà” với khám chữa bệnh BHYT.
* Trước mắt và lâu dài
Bác sĩ Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc BVĐK TP Quy Nhơn, cho rằng: Trong số bệnh nhân đến Bệnh viện, chỉ có khoảng 68% là ở TP Quy Nhơn, còn lại là bệnh nhân ở các tỉnh lân cận như Phú Yên, Gia Lai (chiếm 4%) và một số huyện lân cận trong tỉnh (chiếm 28%).
Để đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh và phục vụ bệnh nhân, Bệnh viện phải “giãn” thêm 11 phòng khám, nâng số phòng khám lên con số 35; đồng thời hợp đồng thêm 51 người, phần lớn là điều dưỡng để “gánh” 140 giường bệnh được kê thêm. Bệnh viện cũng triển khai thêm 3 máy siêu âm màu, 1 hệ thống chụp CT, chuẩn bị lắp đặt thêm hệ thống X-quang kỹ thuật số; thực hiện một số kỹ thuật trong xét nghiệm và lâm sàng để phục vụ bệnh nhân.
Bệnh viện hiện có 295 người, trong đó có 65 bác sĩ (bao gồm cả ban lãnh đạo, 35 phòng khám và 21 khoa, phòng). 1 bác sĩ khám 80 bệnh nhân/ngày. Theo quy định, tối đa một bác sĩ ở bệnh viện hạng II điều trị cho 8-12 bệnh nhân, nhưng bác sĩ của Bệnh viện phải làm việc gần như gấp đôi. Vì thế, Bệnh viện vẫn buộc phải tuyển thêm 20 bác sĩ. Bệnh viện còn bố trí phòng khám ngoài giờ vào buổi trưa và đến 19 giờ đêm, với mục tiêu giải quyết hết bệnh nhân trong ngày. Bộ phận trả thẻ BHYT và cấp phát thuốc cũng phải làm thêm ngoài giờ.
Để giảm quá tải, bác sĩ Dũng đề nghị tỉnh tăng thêm giường bệnh cho Bệnh viện, lên 350 giường. Ngoài ra, Bệnh viện cũng đã có kế hoạch giảm tải trước mắt, như: tận dụng tất cả các chỗ trống kê thêm giường bệnh, giảm số ngày điều trị nội trú, tăng cường công tác điều trị ngoại trú.
Bác sĩ Dũng trăn trở, nếu lượng bệnh nhân điều trị nội trú vẫn tiếp tục tăng quá nhiều thì chỉ còn phương án kê giường bệnh ở… hội trường hay hành lang Bệnh viện.
Về lâu dài, việc xây mới nhà điều trị 251 giường bệnh cho BVĐK TP Quy Nhơn đã có tín hiệu ban đầu, nhưng để hoàn thành phải mất vài năm nữa.
Quá tải thì chắc chắn chất lượng khám chữa bệnh sẽ giảm, bệnh nhân sẽ kêu ca nhiều hơn. Vì thế, việc cấp bách hiện nay là tổ chức phòng khám ngoại chẩn và cấp cứu cho thật tốt. Bộ phận phòng khám phải gồm những bác sĩ giỏi, nhiều kinh nghiệm lâm sàng, để khám “lọc” cho thật chính xác. Bộ phận tiếp tân lịch sự, nhã nhặn, nhanh nhẹn; có các bảng biểu, đèn báo, bướm hướng dẫn… Có như thế thì mới có thể giảm tải được cho Bệnh viện.
|