Trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều loại máy mài dao, kéo. Song chưa có loại máy nào có thể thay thế bàn tay khéo léo của con người. Do vậy, người thợ mài vẫn còn đất mưu sinh…
|
Ông Chinh mài dao cho khách tại nhà. Ảnh: Bảo Sương
|
* Ngón nghề... “soạt xoẹt”
Theo lời chỉ dẫn của nhiều người bán thịt ở chợ Sân Bay (Quy Nhơn), tôi tìm đến nhà ông Năm mài kéo. Căn nhà nhỏ nằm khuất trong một con hẻm trên đường Tăng Bạt Hổ (Quy Nhơn). Ông Năm tên thật là Võ An Thái, năm nay đã 75 tuổi, song thao tác mài kéo rất nhanh nhẹn. Đầu tiên, ông dùng kìm tháo ốc cố định hai lưỡi kéo, lấy ra từng lưỡi một. Ông Năm cho biết: “Nếu kéo bị cùn hay sứt mẻ thì phải dùng bàn đá lửa quay bằng mô-tơ để làm mỏng mép trước rồi mới mài”.
Ông Năm vốc một bụm nước từ cái xô bên cạnh, rưới tràn qua lưỡi kéo, rồi gí mạnh lưỡi kéo lên cục đá nhám to độ nắm tay, mài soạt xoẹt độ mười cái để lấy độ sắc cơ bản. Tiếp đến, ông thay cục đá nhám bằng cục đá trơn để lưỡi kéo khỏi bị trầy xước. Chốc chốc, ông lại vốc một vốc nước tưới lên lưỡi kéo cho trôi đi lớp bã sắt và kéo khỏi nóng. Theo ông Năm, để nhận biết độ bén của dao kéo, ngoài cách nhìn hoặc sờ, người thợ có kinh nghiệm còn có thể nghe âm thanh va chạm giữa chúng với mặt đá mài. Làm nghề thợ mài, tai nạn đứt tay, chảy máu là chuyện thường, nhưng mang bao tay khi mài dao thì khác nào ăn cơm với hàm răng giả mới lắp!
Chỉ vài động tác liếc tới liếc lui thật chính xác, ông Năm đã hoàn thành việc mài kéo. Xong xuôi hai lưỡi kéo, ông lấy khăn lau cho thật sáng bóng rồi lắp lại như cũ, gói lại cẩn thận, chờ khách đến lấy.
Theo ông Năm, mài kéo khó hơn mài dao rất nhiều. Ở các chợ đều có vài người chuyên mài dao, song người mài kéo như ông thì ở Quy Nhơn này chỉ có 3 người và đều làm việc tại nhà. Ông Năm giảng giải: “Kéo cắt vải phải đảm bảo bén đều từ trong ra đến ngoài lưỡi, có vậy khi cắt vải mới không bị vấp nửa chừng. Để đạt được yêu cầu đó, người mài kéo phải đều tay, mặt khuất của lưỡi kéo phải bám sát mặt đá mài, hễ mài nghiêng một chút thì hỏng kéo ngay”.
Nói đến đây, ông ra sau nhà lấy vào cục đá mài hình tròn, rỗng ở giữa. “Đá lửa quay bằng mô-tơ điện thông thường chỉ dùng để gọt bớt mũi kéo. Đây là miếng đá lửa quý hiếm của Nhật, do một người thợ mài giải nghệ tặng cho tôi. Tôi dùng nó 10 năm rồi, chừng 4 năm nữa nó mòn hết, khi ấy chắc tôi cũng bỏ nghề luôn”- ông Năm tâm sự.
Ở Hoài Nhơn, ông Trương Danh (62 tuổi, ở thôn Thạnh Xuân Nam, xã Hoài Hương), được coi là người có “ngón bí truyền” mài kéo thợ may, kéo cắt tóc độc nhất hiện nay. Ông Danh bật mí: “Mài kéo không nên mài quá nhiều, làm giảm trọng lượng của kéo, kéo sẽ mất độ đằm cần thiết khi tì cắt. Ngoài ra, đối với kéo cắt may và cắt tóc, người mài kéo cần chú ý đến độ bén ở đầu mũi kéo, giúp cho người thợ bấm lỗ khuy nút và các đường cong nhọn trên mặt vải, chấn và khoanh những đường vòng sắc sảo trên mái tóc”…
|
Ông Năm đang giảng giải về cách mài kéo cắt vải. Ảnh: N.V.T
|
* Sống nhờ... dao kéo
Nghề chính là xay cá tại chợ Sân Bay, song anh Lê Văn Chương (ở khu vực 7, phường Trần Quang Diệu, Quy Nhơn), lại có “thâm niên” mài dao trên 10 năm. Đồ nghề của người mài dao trong các chợ như anh Chương khá đơn giản, chỉ cần một hòn đá mài, một thau nước. “Làm nghề hay cũng phải “mát tay”, chứ mài tới mài lui cả buổi mà dao không sắc, thậm chí bị sứt cả lưỡi dao thì lần sau ai dám thuê” - anh Chương cho biết.
Khách hàng chủ yếu của những người mài dao ở chợ là các bà, các cô hàng thịt, hàng cá. Còn những người mài dao kéo uy tín lâu năm có rất nhiều mối hàng quen. Với ông Năm, bạn hàng của ông có thể kể đến những cái tên khá nổi tiếng như nhà may Tâm, quán phở Hải Phòng, quán ăn O Vĩnh… Nhiều khách hàng tận Chợ Dinh, Diêu Trì nghe tiếng cũng tìm đến. Nhờ vậy, mỗi ngày ông cũng kiếm được năm ba chục ngàn đồng, lúc tuổi già không phải phụ thuộc nhiều vào con cháu.
Còn ông Danh thì được nhiều tiệm may, cắt tóc ở Hoài Nhơn “đặt hàng” dài dài. Chị Trương Thị Ngọc Giàu, một chủ tiệm may áo dài có tiếng ở thị trấn Bồng Sơn với hơn 20 năm trong nghề, chỉ sử dụng một chiếc kéo cắt vải độc nhất và người luôn giữ độ bén sắc của nó là ông Danh. Mỗi năm, chị đem kéo xuống cho ông mài 2 lần, tiền công mỗi lần là 100 ngàn đồng, cộng thêm một ít vải vụn biếu ông để dành thử kéo. “Dùng kéo của bác Danh mài, người thợ có cảm giác tự tin hơn trong từng đường cắt của mình”- chị Giàu chia sẻ.
Không giỏi và thạo nghề bằng ông Danh, song ông Đinh Văn Chinh (ở Thiết Đính Nam, thị trấn Bồng Sơn), lại nổi tiếng với nghề sửa chữa, phục hồi chức năng cho những công cụ sinh hoạt, sản xuất của bà con đã cũ và rỉ sét như: phảng, rựa, dao... Đồ nghề của ông chỉ là 2 viên đá mài như 2 chiếc thớt lớn đã mòn nhẵn sau hiên nhà, do người cha là một thợ rèn nổi tiếng để lại. Tuy việc mài rựa, mài dao chiếm nhiều thời gian, nhưng ông không coi đó là công việc mưu sinh, mà mục đích chính là giúp cho bà con tiết kiệm và tận dụng hết khả năng của những công cụ sử dụng hàng ngày ở nông thôn. Thông thường, ông chỉ lấy từ 3 đến 5 ngàn đồng cho một chiếc rựa hoặc dao đã mài xong…
* * *
Cũng như nhiều nghề khác, mài dao, mài kéo muốn tồn tại lâu dài cũng phải giữ được chữ tín. Dao, kéo là công cụ lao động quan trọng, nên đã hẹn ngày giao hàng thì phải đúng hẹn.
Người đời thường bảo, người mài dao sắc là người có tâm địa độc ác. Nghe tôi hỏi thực hư, ông Năm cười hào sảng: “Trước khi làm thợ mài, tôi từng là tài xế xe rơ-moóc. Tui mà ở ác chắc không thoát khỏi hai vụ lật xe khủng khiếp!”…
|