TIẾN TỚI KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22.12.1944 - 22.12.2009)
Chuyện về Anh hùng Nguyễn Kim
8:23', 30/11/ 2009 (GMT+7)

Nguyễn Kim được Quốc hội và Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang vào ngày 5.5.1965, là người được phong Anh hùng lực lượng vũ trang đầu tiên trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước ở Bình Định.

 

Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Kim (giữa) cùng đồng đội ở chiến khu năm 1967.

 

Cuối năm 1996, trong chuyến công tác tìm về những trận đánh điển hình và chiến tích của lực lượng đặc công trên chiến trường Bình Định, tôi tình cờ quen biết và có điều kiện gần gũi anh Nguyễn Kim. Vóc dáng nhỏ, khuôn mặt hiền hậu, gặp bất kỳ ai hỏi chuyện dù lạ hay quen, anh đều tâm sự cởi mở, thân tình.

Nguyễn Kim sinh ngày 26.6.1935, trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Tấn Thạnh, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn. Năm 1945, người anh đầu Nguyễn Huynh tham gia cách mạng giành chính quyền. Tiếp đến, năm 1947, người anh kề Nguyễn Huých lên đường nhập ngũ, sau đó chuyển quân ra Bắc, chiến đấu ở chiến trường Thừa Thiên - Huế và đã hy sinh năm 1966, an táng ở nghĩa trang Trường Sơn.

Tiếp bước các anh, ngày 20.10.1960, Nguyễn Kim xin nhập ngũ vào lực lượng bộ đội địa phương. Sau đó, được cử đi học khóa đặc công; rồi năm 1961, được điều động về đơn vị Đ10, Tỉnh Đội Bình Định. Năm 1962, Nguyễn Kim chính thức được kết nạp Đảng.

Hơn 30 năm trong cuộc đời quân ngũ, Nguyễn Kim đã tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ, phần nhiều trên địa bàn phía Nam tỉnh. Có những trận đánh mà anh luôn ghi nhớ, bởi gắn với những kỷ niệm khó phai, đó là trận đánh trụ sở xã Mỹ Hòa, xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ) và trận đánh chốt Hòn Cấm, xã Bình Quang (huyện Vĩnh Thạnh).

Năm 1963, năm nước rút của kế hoạch Xtalây-Taylo của đế quốc Mỹ ở chiến trường Việt Nam. Bọn Mỹ-Diệm tập trung đối phó với phong trào tiến công và nổi dậy của quân và dân ta ở đồng bằng. Chúng đánh phá căn cứ của ta ở miền núi, đồng thời, thực hiện “quốc sách ấp chiến lược” và tăng số quân lên gấp 20 lần. Ở Bình Định, chúng đưa khoảng một ngàn quân gồm đủ lực lượng không quân, hải quân vào trực tiếp tham chiến. Từ giữa năm 1961 cho đến đầu năm 1963, bọn chúng đã lập được ở Bình Định 261 ấp chiến lược và 192 ấp chiến đấu tập trung (xây dựng công sự, vật chướng ngại và trang bị hỏa lực), chủ yếu các vùng rìa núi.

Ngày 9.2.1963, đội đặc công Đ10 phối hợp với một trung đội địa phương huyện Phù Mỹ tiến công vào tổng đoàn dân vệ và đoàn xây dựng ấp chiến lược của địch ở xã Mỹ Thọ (Phù Mỹ). Trận đánh bị lộä, địch ở lô cốt bắn ra như mưa. Trước tình hình đó, chỉ huy kêu gọi đảng viên, đoàn viên xông lên diệt địch. 23 chiến sĩ của đội đặc công Đ10 đồng loạt lao lên. Nguyễn Kim với nhiệm vụ tiêu diệt lô cốt địch bên trái trận địa, đã bí mật áp sát và dùng tay thăm dò lỗ châu mai để xem có đưa quả bộc phá vào lọt không. Thấy chắc chắn, anh điểm hỏa. Một tiếng nổ lớn, hất anh tung ra ngoài, bàn chông xuyên qua bàn chân. Lô cốt bên phải trận địa bắn như trút đạn. Tình thế gấp gáp, không thể chần chừ, Nguyễn Kim mang cả bàn chông, ôm bộc phá lao tiếp vào tiêu diệt lô cốt thứ hai, dập tắt hỏa điểm của địch, tạo điều kiện cho đơn vị xung phong tiêu diệt địch. Kết quả ở trận này ta đã diệt 61 tên, bắt 5 tên, thu 25 súng. Đây là trận phá “ấp chiến lược” đầu tiên ở vùng sâu đồng bằng trên chiến trường Bình Định.

Vào mùa Đông năm 1963, trong một đêm gió bấc mưa phùn, Nguyễn Kim đã cùng 2 đồng chí khác bí mật tập kích trụ sở xã Mỹ Hòa diệt gọn bọn ác ôn. Để đảm bảo tiếp cận mục tiêu không bị lộ, anh đã ngâm người trong giá lạnh, dùng thân làm giá đỡ cho đồng đội vượt qua giao thông hào ngập nước, tiến vào đánh úp.

Trận thứ ba cũng mang đầy dấu ấn là trận đánh chốt Hòn Cấm, xã Bình Quang (Vĩnh Thạnh), dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Lê Văn Quý, tác chiến theo phương án mũi nhọn đuôi dài. Trong trận này, Nguyễn Kim bị thương, chân trái hoàn toàn tê liệt, nhưng anh vẫn kiên gan bám đánh, cùng với đơn vị diệt đến tên địch cuối cùng, xóa sổ một đại đội bảo an của địch…

Giờ trở lại cuộc sống đời thường, hạnh phúc cùng vợ và các con giữa lòng thành phố, nhưng Nguyễn Kim - Anh hùng lực lượng vũ trang vẫn bình dị, chất phác như một anh nông dân. Thỉnh thoảng gặp lại tôi, anh cười hiền lành và thân mật hỏi: “Lâu nay không gặp, mầy sống ra sao?”. Thế là chúng tôi lại vào cuộc chuyện trò, xoay quanh với những kỷ niệm về cuộc đời quân ngũ.

  • Nguyễn Dự
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỷ niệm 45 năm thành lập Trường TCSP Trung Trung bộ  (29/11/2009)
Nghề mài dao kéo  (29/11/2009)
Nghiệm thu đề tài nghiên cứu biện pháp phòng chống sốt rét  (29/11/2009)
Hỗ trợ đồng bào vùng lũ ổn định cuộc sống  (29/11/2009)
Hơn 2 ngàn chỗ làm đang chờ người lao động  (29/11/2009)
3 thôn văn hóa tiêu biểu của tỉnh được tặng bằng khen  (28/11/2009)
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Vân Canh  (28/11/2009)
Xây dựng nhà điều trị 251 giường bệnh  (28/11/2009)
Giúp đồng bào vùng lũ  (28/11/2009)
Tặng quà hỗ trợ đồng bào vùng lũ  (27/11/2009)
PATH tiếp tục hỗ trợ tỉnh ta triển khai hoạt động phòng chống bệnh tiêu chảy  (27/11/2009)
Phải đảm bảo cái ăn, cái mặc, chỗ ở cho dân  (27/11/2009)
Quá tải !  (26/11/2009)
Bao giờ mới được cải thiện?  (26/11/2009)
Giúp đồng bào vùng lũ  (26/11/2009)