Năm học 2009-2010, Trường chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn được thành lập nhằm góp phần giúp trẻ khuyết tật trong tỉnh được hưởng quyền học tập, được phục hồi chức năng và phát triển khả năng của bản thân để hòa nhập với cộng đồng. Bước đầu thành lập, nhà trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
|
“Dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ khuyết tật còn khó hơn nhiều...”. Ảnh: N.Q
|
* Cơ hội mới cho trẻ khuyết tật
Hôm khai giảng, bà Đỗ Thị Nhơn (80 tuổi), dắt tay cháu nội là Hoàng Sĩ Tuấn (8 tuổi) đến trường. Đứa cháu mặc quần áo sạch sẽ, lúc đầu cứ níu tay bà nội, mắt ngơ ngác nhìn xung quanh. Cái gì cũng mới quá, lạ quá. Thế nhưng, khi đã vào lớp, Tuấn tỏ ra khá nghịch ngợm, hết kéo áo bạn này, lại quay sang chọc phá bạn kia. Bà Nhơn nói: “Nhìn bên ngoài, cháu tui cũng bình thường như mấy đứa trẻ cùng lứa khác, chỉ tội nó khờ khạo, chậm phát triển trí tuệ. Cách đây ít năm, tui có cho cháu đến trường mẫu giáo nhưng nó không nhận thức được, nên đành phải cho nghỉ học. Nay nghe tin có Trường Hy vọng chuyên dạy cho trẻ chậm phát triển trí tuệ, tôi đưa cháu vào đây. Cháu học được, nói được là mong mỏi của gia đình tui bấy lâu”.
Năm học đầu tiên, Trường chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn có 10 lớp. Trong đó, có 4 lớp dành cho trẻ khó khăn về việc học, 6 lớp cho trẻ khiếm thính. Do tiếp nhận cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và cả học sinh (HS) từ Trường Dạy nghề Bình Định (trước đây đã tổ chức dạy văn hóa cho trẻ khuyết tật) nên trong năm học đầu tiên này, Trường cũng sẽ có HS tốt nghiệp lớp 5.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Hữu, Tổ trưởng chuyên môn, phụ trách mảng HS khó khăn về việc học, cho biết: “Đối với đối tượng HS khó khăn về việc học, thời gian học phải căn cứ theo lực học, khả năng tiếp thu của HS. Do vậy, lớp tôi đang dạy, HS đã học năm thứ 4 nhưng vẫn chưa qua được chương trình lớp 1”. Còn với HS khiếm thính, chương trình tiểu học được thiết kế kéo dài trong 7 năm, với lớp dự bị trước khi vào lớp 1 và 2 năm cho chương trình lớp 5.
Cô giáo Lê Thị Ngọc Lan tâm sự: “Dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, với trẻ khuyết tật còn khó hơn nhiều. Vậy mà giờ đây, các em cũng có thể múa, có thể hát, dù là theo cách riêng của mình. Các em cũng có thể làm được một bài toán, đọc được một câu văn, có thể giúp gia đình làm được việc nhà… Các em vui một, chúng tôi vui hơn gấp nhiều lần”.
* Còn nhiều việc phải làm
Đến nay, vẫn chưa có một chương trình chuẩn của Bộ GD&ĐT dành cho các đối tượng HS khuyết tật. Hiện tại, Trường chuyên biệt Hy vọng tổ chức dạy văn hóa cho HS mới chỉ dựa vào tài liệu, sách vở tích cóp được từ các đợt tham quan các trường khác, hay các lớp tập huấn của các ngành liên quan.
Năm nay, học hết chương trình tiểu học, số HS khiếm thính sẽ phải ra trường để hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, đa số các em đều đã lớn tuổi và chưa được đào tạo nghề (các em được học nghề may, nhưng chưa đảm bảo ra đời có thể lao động bằng nghề này để kiếm sống). Còn với đối tượng khó khăn về việc học, rất khó xác định cho các em một nghề để chọn dạy cho phù hợp.
Tiếp quản cơ sở vật chất từ Trường Dạy nghề Bình Định, Trường chỉ có 30 chỗ ở nội trú cho HS khiếm thính. Còn đối tượng khó khăn về việc học, chỉ có thể ở bán trú vì không đủ phòng ở và đối tượng này đòi hỏi phải có bảo mẫu chăm sóc. Nhà ăn, phòng học đều chật chội, xuống cấp, Trường chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của một trường chuyên biệt.
Ông Trần Gia Tín, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sẽ xây dựng đề án đề nghị tỉnh có kế hoạch cải tạo điều kiện dạy và học cho Trường; đảm bảo HS có sân chơi, đồ chơi, tạo cảnh quan theo đúng nghĩa một ngôi trường dạy và học cho đối tượng đặc biệt. Trong điều kiện hiện tại, trước mắt, Trường sẽ giữ sĩ số HS như hiện nay để chăm sóc cho tốt. Số HS quá 16 tuổi, phải được trang bị kiến thức và hướng nghiệp nghề để ra đời hòa nhập cộng đồng…
Cô Huỳnh Kim Anh, Phó Hiệu trưởng, có thêm một nguyện vọng: HS khiếm thính nếu có máy trợ thính, khả năng nghe sẽ tốt hơn. Chúng tôi rất mong có sự quan tâm đặc biệt của các ngành, các cấp và xã hội, để giáo viên và HS của Trường có thêm niềm tin và hy vọng trong thực hiện sứ mệnh cao cả của mình.
|