Nỗi lo nước sạch ở Vân Canh
8:47', 2/12/ 2009 (GMT+7)

Cơn lũ đầu tháng 11 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho huyện Vân Canh. Lũ mạnh đã làm hư hỏng hoàn toàn Trạm cung cấp nước sinh hoạt Suối Một. Từ ngày 2.11 đến nay, người dân Vân Canh sống trong cảnh thiếu thốn nguồn nước sạch nên bất tiện mọi bề và ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân.

 

Bờ đập chỉ còn là những mảng bê tông ngổn ngang. Ảnh: N.V.T

 

* Đập vỡ, dân... khát

Trạm cung cấp nước sinh hoạt Suối Một có chức năng cung cấp nước sạch cho người dân thị trấn Vân Canh và một phần của hai xã Canh Hiển và Canh Thuận.

Chiều 27.11, ông Lê Đại Thành, Giám đốc Công ty TNHH Tổng hợp Vân Canh- đơn vị quản lý Trạm cung cấp nước sinh hoạt Suối Một, đưa chúng tôi đi thực tế tại đập chứa nước hồ Suối Một. Sau lũ, đường lên Suối Một bị sạt lở nhiều đoạn. Cầu tràn tại làng Đất Đâm bị xóa sạch không còn dấu vết. Ông Thành chỉ cho chúng tôi xem những vị trí đường ống dẫn nước bị vỡ, đứt đoạn và trôi mất. Lên đến bờ đập, cảnh hoang tàn càng hiện rõ. Bờ đập bị lũ phá tung, giờ chỉ là những mảng bê tông nằm ngổn ngang. Cốt thép chỏng chơ chĩa ra…. Ông Lê Đại Thành cho biết: “Đêm 2.11, lũ mạnh tràn qua hồ Suối Một, đập giữ nước bị vỡ. Hơn 100 m ống dẫn nước qua cầu tràn tại làng Đất Đâm (thị trấn Vân Canh) bị nước cuốn trôi. Cách đập mấy trăm mét, các ống nhựa đường kính 300 mm cũng bị lũ phá tan, vùi sâu dưới lớp đất đá. Hệ thống lọc thô của Trạm cũng hư hỏng nặng”.

Trạm cung cấp nước bị phá hỏng, nguồn nước sinh hoạt của người dân cũng không còn. Nhà ông Nguyễn Văn Hà, ở thôn 3, thị trấn Vân Canh, phải bơm nước từ giếng lên để giặt giũ, tắm rửa; nước nấu ăn thì phải xin ở các giếng hàng xóm thường sử dụng nên nước sạch hơn; nước uống thì phải mua bình nước tinh khiết. Ông Hà cho biết từ khi vỡ đập đến nay riêng nước uống gia đình ông phải mua gần 200 ngàn đồng; mọi sinh hoạt của gia đình ông và các hộ khác có liên quan đến nước sạch đều bị tiết kiệm đến mức tối đa. Phần lớn giếng nước của người dân qua thời gian dài không sử dụng vì nước đục và nhiễm bẩn. Mô-tơ bơm nước “xếp xó” lâu ngày cũng bị rỉ sét, khi dùng lại rất khó khăn. Nhiều hộ dân ở làng Đất Đâm lại phải dùng nước sông, suối để sinh hoạt.

Nghiêm trọng hơn là tình hình ở Trung tâm Y tế huyện. Nhu cầu nước sạch hằng ngày của Trung tâm là rất lớn, thế nhưng cả đội ngũ nhân viên y tế và bệnh nhân phải sống trong cảnh “tiết kiệm” từng ca nước. Tại các cơ quan công sở của huyện, tình hình cũng không mấy khả quan…

* Cần khẩn trương khắc phục

Trong khi đập chứa nước bị vỡ, toàn bộ trạm bơm dự phòng ở thị trấn Vân Canh cũng bị ngập nước, phần lớn máy móc thiết bị đều hư hỏng. Từ ngày 5.11, nhân viên của trạm đem máy bơm ra sấy. Hôm sau máy hoạt động được, nhưng chỉ chạy được hai ngày lại hư tiếp, phải mang xuống TP. Quy Nhơn sửa. Đến ngày 25.11, trạm bơm mới đi vào hoạt động bình thường. Mỗi ngày bơm nước ba lần, mỗi lần khoảng 2 giờ (5-7 giờ, 10-12 giờ, 17-19 giờ).

Hiện tại, trạm bơm dự phòng này có công suất 90 đến 110m3/giờ, có thể cung cấp nước cho các cơ quan công sở và hơn 200 hộ dân nằm trong khoảng từ trung tâm thị trấn Vân Canh đến chợ Vân Canh. “Song, cách làm này chỉ mang tính tình thế. Nếu kéo dài tình trạng này, Công ty sẽ lỗ nặng, vì giá nước vẫn tính như khi dùng nước máy (500 đồng/m3), trong khi đó giá điện vẫn không được ưu đãi. Trước mắt, Công ty vẫn cố gắng hết sức có thể để cung cấp nước cho người dân, nhanh chóng tìm được các đầu mối ống nước bị vỡ, bịt lại để tiếp tục bơm nước thêm cho một số hộ khác. Mặt khác, sẽ kiến nghị huyện có chính sách bù lỗ cho công ty”- ông Thành cho biết.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Tỉnh ủy ngày 26.11, ông Nguyễn Trọng Hường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, khẳng định: Để khôi phục lại nguyên trạng Trạm cung cấp nước, phải mất không dưới 3 tỉ đồng. Nếu khắc phục để cấp nước tạm thời cũng phải mất hơn 1 tỉ đồng. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Văn Thanh đã chỉ đạo: Việc khắc phục hậu quả của bão lũ, nhất là các công trình phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân phải được tiến hành khẩn trương, có thể linh hoạt chứ không cần phải qua các bước, các khâu và thủ tục rườm rà.

Mong rằng các cấp, các ngành hữu quan nhanh chóng vào cuộc, khẩn trương khắc phục sự cố, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân, tránh nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra.

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Biểu dương 54 nông dân điển hình tiên tiến  (02/12/2009)
Giúp đồng bào vùng lũ  (02/12/2009)
Trao nhà Đại đoàn kết cho 2 hộ nghèo  (01/12/2009)
Ga Diêu Trì bán vé tàu Tết đi TP Hồ Chí Minh  (01/12/2009)
Tuyển trực tiếp được 139 lao động  (01/12/2009)
Khởi đầu của những niềm hy vọng  (01/12/2009)
Kiểm tra việc thi hành Điều lệ Đảng  (30/11/2009)
Giúp đồng bào vùng lũ  (30/11/2009)
Chưa tìm thấy 6 ngư dân Bình Định gặp nạn  (30/11/2009)
Chuyện về Anh hùng Nguyễn Kim  (30/11/2009)
Kỷ niệm 45 năm thành lập Trường TCSP Trung Trung bộ  (29/11/2009)
Nghề mài dao kéo  (29/11/2009)
Nghiệm thu đề tài nghiên cứu biện pháp phòng chống sốt rét  (29/11/2009)
Hỗ trợ đồng bào vùng lũ ổn định cuộc sống  (29/11/2009)
Hơn 2 ngàn chỗ làm đang chờ người lao động  (29/11/2009)