Những bất cập của đài truyền thanh cơ sở
8:55', 2/12/ 2009 (GMT+7)

Những năm qua, đài truyền thanh (TT) ở cơ sở đã phát huy vai trò xung kích trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và hoạt động chính quyền địa phương liên quan đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, hiện cơ chế hoạt động của đài vẫn còn nhiều bất cập…

 

Cán bộ Đài truyền thanh cơ sở phường Trần Phú (Quy Nhơn) đang tác nghiệp. Ảnh: Văn Lưu

 

* Phương tiện lạc hậu

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, hiện 157/159 xã, phường, thị trấn trong tỉnh có đài TT cơ sở, với thời lượng phát sóng trung bình 3-4 giờ/ngày. Hệ thống đài TT trong tỉnh hiện song song tồn tại 2 dạng: truyền thanh hữu tuyến và truyền thanh vô tuyến (không dây).

Ông Đỗ Nhật Tân, Trưởng phòng Quản lý báo chí - xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Qua điều tra, khảo sát thực trạng về cơ sở vật chất của đài TT cơ sở cho thấy, nhìn chung, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất lạc hậu, xuống cấp. Các đài TT hữu tuyến trong mùa mưa, trụ đổ ngã, đường dây hỏng không đủ điều kiện thay thế; máy phát FM lâu năm không đủ chất lượng nên công suất giảm, diện phủ sóng bị thu hẹp; thậm chí một số đài trong một thời gian không thể hoạt động được. Trong đó, hệ thống đài TT ở các huyện miền núi như Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão đã lạc hậu, xuống cấp nghiêm trọng. Chẳng hạn, Đài TT thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh), hoạt động từ tháng 9.2002 đến nay, máy phát trung tâm thường xuyên bị hư; máy thu cũng trong tình trạng “phập phù”, âm thanh không rõ, có lúc phải ngừng hoạt động. Các cụm thu thanh tự động ở các thôn, làng thường xuyên bị lệch hoặc nhiễu sóng, thậm chí còn tự bắt sóng đài khác.

Ngay như TP Quy Nhơn, dù được trang bị khá “hoành tráng” với 4 đài phát hữu tuyến, 14 đài phát sóng FM công suất từ 50-100W, 3 đài phát song hành hệ thống vô tuyến lẫn hữu tuyến, song cũng không tránh khỏi tình trạng này. Hàng năm, dù được UBND TP Quy Nhơn đầu tư bổ sung, nâng cấp thiết bị, nhưng so với yêu cầu chung, vẫn còn rất hạn chế. Do không đủ điều kiện để thay thế, củng cố, nâng cấp, nên trang thiết bị, máy móc ở các đài TT cơ sở đã bị xuống cấp, hư hỏng. Dây truyền thanh ngoài lý do xuống cấp do bị đứt, còn bị cắt trộm, nhất là trong mùa mưa, vừa gây tổn thất, vừa ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động.

 

Có những khu dân cư đông đúc, nhưng vẫn được mắc một lúc 2 loa, cùng hướng về một phía. Ảnh: H.Y

 

* Hoạt động ở khu dân cư còn bất cập

Không thể phủ nhận vai trò truyền thông của đài TT cơ sở tại các khu dân cư. Đối với những khu vực vùng sâu vùng xa, còn thiếu các phương tiện thông tin, đài TT cơ sở góp phần quan trọng trong việc cung cấp thông tin và nhu cầu giải trí. Tuy nhiên, ở các khu tập trung dân cư đông đúc như TP Quy Nhơn - nơi người dân có điều kiện tiếp cận với nhiều nguồn thông tin - thì việc loa phóng thanh “hoạt động hết công suất” vào những thời điểm “nhạy cảm” như sáng sớm (từ 4 giờ 45 phút), buổi trưa, có thể gây ra không ít phiền hà cho người dân. 

Chị B.T.H.Y (phường Lê Lợi, Quy Nhơn) kể: Trước đây, khi vừa nghe tin phường mắc loa phóng thanh ngay trụ điện trước nhà chị, một số hộ dân lân cận đã phản đối, thậm chí còn kiến nghị lên UBND phường, vì sợ ảnh hưởng đến sinh hoạt của họ. Nhưng cuối cùng loa vẫn được mắc. Loa rè rè phát tiếng được tiếng mất, không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ của các hộ lân cận mà còn ảnh hưởng đến hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường Tiểu học Lê Lợi. Sau khi Trường có kiến nghị thì mới dừng phát. Ở nơi khác, một số hộ sống quá gần loa tìm mọi cách “phản đối” bằng cách quay ngược chiếc loa chổng lên trời; bắn súng cao su cho loa thủng lỗ chỗ hoặc lén cắt dây loa…

Hiện nay, Đài TT TP Quy Nhơn bắt đầu phát sóng từ lúc 4 giờ 45 phút, 5 giờ 30 phút bắt đầu phát bản tin của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định; sau đó, tiếp âm chương trình Đài Tiếng nói Việt Nam. Các phường trong thành phố ngoài tiếp âm theo chương trình, còn có thể phát thêm các chương trình riêng của mình tùy từng thời điểm. “Điều chỉnh thời gian phát sóng rất khó vì nếu phát trễ hơn thì lại “lẹm” vào thời gian phát sóng của đài tỉnh và Đài Tiếng nói Việt Nam”- ông Huỳnh Văn Hiệp, Phó trưởng Đài TT TP Quy Nhơn, nói.

Tại cuộc hội thảo về “Thực trạng và giải pháp hoạt động của đài TT” do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây, hầu hết các đại biểu đều nhất trí nên tiếp tục duy trì hệ thống đài TT cơ sở. Ở thành phố dù người dân có tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau, thì “loa phường” vẫn cần có, khi đã thay thế cho khu vực trưởng thông báo lịch cúp điện, tiêm chủng, đóng thuế… đến từng hộ dân ở những địa bàn rộng; là “đồng hồ báo thức” của một số người. Vấn đề đặt ra ở đây là nên có cơ chế hoạt động phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng khu dân cư.

  • Thu Hà - Hải Yến
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nỗi lo nước sạch ở Vân Canh  (02/12/2009)
Biểu dương 54 nông dân điển hình tiên tiến  (02/12/2009)
Giúp đồng bào vùng lũ  (02/12/2009)
Trao nhà Đại đoàn kết cho 2 hộ nghèo  (01/12/2009)
Ga Diêu Trì bán vé tàu Tết đi TP Hồ Chí Minh  (01/12/2009)
Tuyển trực tiếp được 139 lao động  (01/12/2009)
Khởi đầu của những niềm hy vọng  (01/12/2009)
Kiểm tra việc thi hành Điều lệ Đảng  (30/11/2009)
Giúp đồng bào vùng lũ  (30/11/2009)
Chưa tìm thấy 6 ngư dân Bình Định gặp nạn  (30/11/2009)
Chuyện về Anh hùng Nguyễn Kim  (30/11/2009)
Kỷ niệm 45 năm thành lập Trường TCSP Trung Trung bộ  (29/11/2009)
Nghề mài dao kéo  (29/11/2009)
Nghiệm thu đề tài nghiên cứu biện pháp phòng chống sốt rét  (29/11/2009)
Hỗ trợ đồng bào vùng lũ ổn định cuộc sống  (29/11/2009)