Việc làm cho người khuyết tật (KT) là một bài toán khó, với chính bản thân họ và cả với người sử dụng lao động. Nhân Ngày quốc tế người KT (3.12), chúng ta nghe những người trong cuộc bộc bạch để hiểu và thông cảm hơn với họ…
|
Đào tạo nghề may cho người khuyết tật tại Trung tâm BTXH Đồng Tâm. Ảnh: N.S
|
ANH LÊ CHÍ SỸ, TRƯỞNG NHÓM KT QUY NHƠN:
Khó tìm việc làm, thu nhập thấp
Tìm được việc làm phù hợp với khả năng đối với người KT rất khó. May mắn có được việc làm, thu nhập cũng không cao, do người KT di chuyển khó khăn, thao tác chậm, nên năng suất lao động không bằng người bình thường.
Nhóm KT Quy Nhơn gồm 35 thành viên. Để giúp các thành viên có việc làm, nhóm đã tổ chức 2 tổ cơ khí và đan mây tre. Tổ đan mây tre không còn tồn tại, vì không hiệu quả, thu nhập chỉ khoảng 15-20 ngàn đồng/người/ngày. Tổ cơ khí gồm 3 người, vì những lý do khác nhau, trong đó có thu nhập thấp, giờ chỉ còn mình tôi trụ lại.
Người KT làm việc trong cộng đồng thường mặc cảm, năng lực cũng không bằng, từ đó, sinh ra thụ động trong giao tiếp. Vì thế, tôi hay nhắn nhủ những người đồng cảnh ngộ đừng tự ti, mặc cảm. Mặt khác, tôi cũng mong những người bình thường hãy có cái nhìn thoáng hơn, cư xử tế nhị và thông cảm hơn đối với người KT. Chúng tôi vẫn thích làm chung trong một tập thể toàn người KT vì đồng cảnh ngộ, nhưng cũng có nhiều cái khó, như thiếu vốn, mặt bằng...
Tháng 6 vừa qua, tôi được dự Hội thảo “Định hướng và môi trường làm việc với người KT” tại Đà Nẵng. Hội thảo đặt ra các vấn đề như: các doanh nghiệp phải thay đổi trang thiết bị cho phù hợp với lao động là người KT; hoặc hãy “nhường”, “chịu thiệt” một chút với lao động là người KT. Tôi đã nghiệm ra nhiều và cũng áp dụng các kiến thức đó vào công việc của mình. Kết quả là, chúng tôi đều thấy thoải mái hơn khi làm việc với nhau…
ANH VÕ ĐÌNH MINH, CHỦ DNTN 18 THÁNG 4:
Cần sự quan tâm của cộng đồng
Hiện nay, cơ sở chuyên sản xuất các loại xe chuyên dụng cho người KT của tôi có 10 người, trong đó, phân nửa là người KT. Tôi mong được cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất người KT, để được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước như miễn thuế, vay vốn… nhưng đến nay, đề nghị này vẫn chưa được quan tâm. Vốn đã ít, lại phải lấy ngắn nuôi dài; mặt bằng xưởng sản xuất luôn thay đổi theo kiểu “teo tóp” dần, vì giá thuê năm sau cao hơn năm trước, khiến chúng tôi luôn vất vả.
Tham gia Hội chợ triển lãm Các sản phẩm của người KT do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại Hà Nội mới đây, tôi thấy rằng, nhu cầu sử dụng các loại xe chuyên dụng dành cho người KT rất lớn. Giá Cơ sở có vốn để mở rộng sản xuất, trang bị máy móc thay thế sức lao động… thì tôi có thể mở rộng thị trường ra ngoài Bắc.
|
Anh Võ Đình Minh (bìa phải) và công nhân DNTN 18 tháng 4 đang lắp ráp xe chuyên dụng dành cho người khuyết tật. Ảnh: T.Hà
|
ÔNG TRẦN CÔNG, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM BẢO TRỢ XÃ HỘI ĐỒNG TÂM:
Công việc sẽ tạo cho người KT niềm vui
Trung tâm có 105 người đang học tập và làm việc. Trong đó, có 65 em học nghề, học chữ; số còn lại, làm việc tại Cơ sở đan mây xuất khẩu Thành Đồng và Công ty may Thành Hiệp. Có người mức lương từ 1-1,4 triệu đồng/tháng, nhưng cũng có người chỉ vài ba trăm ngàn đồng/tháng, tùy theo năng lực, sản phẩm làm ra. Nhìn chung, nếu không có 2 cơ sở này đỡ đầu, tạo điều kiện về “đầu ra” cho học viên, thì việc dạy nghề may, đan mây của Trung tâm sẽ rất khó khăn. Tiếc rằng, những doanh nghiệp có tâm như vậy ở tỉnh ta chưa nhiều.
Hiện nay, chúng ta đang đào tạo nghề cho học viên KT theo kiểu dành cho người bình thường. Mà với người KT thì điều ấy là không thể. Hầu hết người KT đều có trình độ học vấn thấp, sức khỏe yếu, đó là chưa kể đến những đối tượng khiếm thị, khiếm thính và thiểu năng trí tuệ. Nên việc dạy nghề có khi phải hàng năm, thậm chí 2- 3 năm, mới giúp họ thành thạo một thao tác nào đấy.
Nhân ngày Quốc tế Người KT, tôi muốn nhắn nhủ với mọi người rằng, để trợ giúp người KT thì lời nói phải đi đôi với việc làm. Ngay cả với người thân của người KT, cũng đừng nên nặng việc chăm sóc mà quên tạo cho họ một cái nghề. Bởi lẽ, với người KT, công việc sẽ tạo niềm vui. Và nhờ đó, họ sẽ quên đi mặc cảm mình là người KT. Bên cạnh đó, họ có thể tự nuôi sống bản thân mình.
|