NGHỊ ĐỊNH MỚI CỦA CHÍNH PHỦ VỀ XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG:
Chế tài xử lý nghiêm hơn
9:4', 3/12/ 2009 (GMT+7)

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Nghị định này quy định chi tiết các hành vi, mức xử phạt cụ thể và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2010.

 

Diễn tập công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: Quý Hân

 

* Nhức nhối nạn phá rừng

Lâu nay, chuyện phá rừng lấy gỗ, phá rừng làm nương rẫy, lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng cây nguyên liệu, làm các công trình, hoặc tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép và cháy rừng vẫn còn diễn biến phức tạp, làm hủy hoại môi trường sinh thái… đã gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Thế nhưng việc xử lý theo pháp luật các vụ việc này chưa được các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết, từ đó hiệu quả bảo vệ tài nguyên rừng còn rất hạn chế.

Thực tế hành vi khai thác gỗ trái phép, gây thiệt hại nhiều loại rừng (rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) xảy ra ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong đó nổi cộm là tình trạng phá rừng phòng hộ tại các xã ven biển, hoặc phá rừng đầu nguồn Vĩnh Thạnh, An Lão trước đây và gần đây là nạn phá rừng phòng hộ ở huyện Hoài Ân (Báo Bình Định đã có loạt bài điều tra “Rừng Hoài Ân chảy máu đến bao giờ”). Thực tế này đã nói lên công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế; đồng thời đặt ra cho ngành chức năng và các địa phương, các “chủ rừng” những giải pháp cấp bách để kịp cứu những cánh rừng, khi mà nó chưa thực sự bị xóa sổ hoàn toàn.

Những nguyên nhân của việc bảo vệ rừng không mang lại hiệu quả mà cơ quan chức năng chỉ ra thường là: Do lực lượng kiểm lâm mỏng, sự phối kết hợp các ngành chức năng trong việc bảo vệ và phát triển rừng chưa chặt chẽ, nhận thức pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng của người dân còn thấp… Ngoài ra, còn có một nguyên nhân mà lâm tặc vẫn ngang nhiên phá rừng, chống đối lại lực lượng kiểm lâm, chủ động trả thù kiểm lâm… là do việc thực thi pháp luật chưa nghiêm minh, áp dụng mức xử phạt hành chính không đủ sức răn đe.

Như vụ ngày 13.4.2009, Hạt Kiểm lâm Hoài Ân triển khai ngăn chặn một vụ vận chuyển gỗ lậu tại thôn Du Tự (Hoài Ân) thì bị khoảng 25 tên lâm tặc mai phục và tấn công bằng gậy, đá làm bị thương một số kiểm lâm viên (KLV), trong đó có hai KLV là Trần Ngọc Hưng và Phan Văn Thành bị đánh trọng thương; chúng còn hung hăng truy đuổi các KLV trên đường đi cấp cứu; đến nay vụ việc còn trên giấy.

* Chế tài xử lý mạnh hơn

Để công tác bảo vệ, phát triển rừng có hiệu quả, cần phải có những biện pháp hình sự đủ mạnh, nghiêm minh đối với các hành vi phá rừng. Mặt khác việc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính cũng cần cân nhắc trong việc áp dụng khung xử phạt.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Nghị định này quy định chi tiết các hành vi, mức xử phạt cụ thể và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2010. Theo đó, một số hành vi vi phạm, như: Săn bắt động vật rừng; khai thác, chế biến lâm sản, khoáng sản trái phép, đốt lửa, sử dụng lửa trong rừng không đúng quy định; thả gia súc trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu rừng đặc dụng…

Ngoài các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền, người vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như trồng lại rừng bị thiệt hại hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng, buộc tháo dỡ hoặc thanh toán chi phí tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trong rừng, buộc thanh toán chi phí chữa cháy rừng hoặc chi phí khắc phục hậu quả do sinh vật hại rừng gây ra, tịch thu phương tiện tang vật…

Với những quy định mới này, mọi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản phải được phát hiện kịp thời và ngăn chặn ngay. Việc xử lý vi phạm hành chính cũng yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện nhanh chóng, công minh; người vi phạm phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra theo quy định của pháp luật.

Nghị định số 99/2009/NĐ-CP quy định:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 1 triệu đồng có hành vi mang dụng cụ thủ công, cơ giới vào rừng để săn bắt động vật rừng ở những nơi có quy định cấm săn bắt,… khai thác, chế biến lâm sản, khoáng sản trái phép, nuôi, trồng, thả trái phép vào rừng đặc dụng các loài động vật, thực vật không có nguồn gốc bản địa.

- Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng nếu có hành vi tổ chức đưa người vào nghiên cứu khoa học, đi du lịch trái phép ở rừng đặc dụng; thu thập mẫu vật trái phép trong rừng, đưa trái phép vào rừng các phương tiện, công cụ cơ giới; quảng cáo kinh doanh về thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng nếu có hành vi đốt lửa, sử dụng lửa không đúng quy định của Nhà nước trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng, rừng dễ cháy, thảm thực vật khô nỏ… không bảo đảm an toàn về PCCC rừng. Ngoài ra, bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng nếu gây hậu quả cháy rừng đặc dụng dưới 1.000m2 hoặc cháy rừng phòng hộ dưới 1.500m2 hoặc cháy rừng sản xuất dưới 2.000m2.

- Người chăn thả gia súc trong những khu rừng trồng dặm cây con, rừng trồng mới dưới ba năm, rừng khoanh nuôi tái sinh thì phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng; những người này còn có thể bị buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí để trồng lại rừng bị thiệt hại do gia súc gây ra…

  • Nguyễn Huỳnh Huyện
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc với MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên  (03/12/2009)
Chông chênh điểm tựa  (03/12/2009)
Những bất cập của đài truyền thanh cơ sở  (02/12/2009)
Nỗi lo nước sạch ở Vân Canh  (02/12/2009)
Biểu dương 54 nông dân điển hình tiên tiến  (02/12/2009)
Giúp đồng bào vùng lũ  (02/12/2009)
Trao nhà Đại đoàn kết cho 2 hộ nghèo  (01/12/2009)
Ga Diêu Trì bán vé tàu Tết đi TP Hồ Chí Minh  (01/12/2009)
Tuyển trực tiếp được 139 lao động  (01/12/2009)
Khởi đầu của những niềm hy vọng  (01/12/2009)
Kiểm tra việc thi hành Điều lệ Đảng  (30/11/2009)
Giúp đồng bào vùng lũ  (30/11/2009)
Chưa tìm thấy 6 ngư dân Bình Định gặp nạn  (30/11/2009)
Chuyện về Anh hùng Nguyễn Kim  (30/11/2009)
Kỷ niệm 45 năm thành lập Trường TCSP Trung Trung bộ  (29/11/2009)