Sau gần 3 năm tôi trở lại An Lão, phố giữa đại ngàn vẫn heo hút lúc đêm về, nhưng trong mỗi mái nhà cuộc sống đã khác… Mơ ước của người dân đã lớn lao hơn, khi vượt qua ngưỡng ăn no, mặc ấm và có được một ngôi nhà xây…
|
Sinh hoạt cộng đồng của người H're (An Lão) |
Gần 3 năm trước, về An Lão, tôi cứ cố loanh quanh nơi thị trấn đang hình thành, hòng tìm ra nét đặc sắc trong lòng phố giữa đại ngàn, nhưng rồi đành thất vọng bởi thị trấn mới “đi dăm phút đã về chốn cũ”. Và An Lão trong tôi, cũng chỉ có vài quán cà phê là đã mang dáng dấp phố xá. Tất cả ngổn ngang những toan tính bứt phá sau cột mốc hình thành một thị trấn đeo tên huyện. Thú thật, lúc ấy, cùng với Chủ tịch UBND huyện Phạm Minh Dựng, lòng tôi cũng reo vui cùng với sự hình thành thị trấn và 2 khu công nghiệp: Gò Bùi và Gò Cây Duối, có tổng diện tích đất 28 ha với 16 doanh nghiệp đăng ký hoạt động; rồi thì việc xác định thế mạnh tài nguyên rừng phong phú; nguồn đá granite dồi dào… Không reo vui sao được, một huyện miền núi ở vào vị thế “đường cùng ngõ cụt” như An Lão, tưởng chỉ có thể phát triển được từ nguồn “viện trợ”, giờ có phố, có công nghiệp...
Gần 3 năm trôi qua, Chủ tịch Phạm Minh Dựng giờ đã nghỉ hưu, tôi lại loanh quanh thị trấn An Lão với một cảm xúc khác. An Lão vẫn heo hút lúc đêm về, song ban ngày đã có vẻ sầm uất hơn bởi tốc độ xây dựng các công trình và bởi các hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ không ngừng phát triển.
Buổi sáng, làm việc với ông Nguyễn Trực, Chánh Văn phòng UBND huyện, được ông Trực cho biết: Mục tiêu của huyện là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông – lâm kết hợp, song hiện tại An Lão vẫn chỉ lấy nông nghiệp làm chính với cơ cấu kinh tế phần tỉ trọng nông- lâm- ngư nghiệp chiếm 59,68%; công nghiệp xây dựng chiếm 9,12%; dịch vụ chiếm 31,2%… Với cơ cấu kinh tế này thì 300 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông- lâm sản, khai thác chế biến đá granite… mang về tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp cuối năm 2009 hơn 6,5 tỉ đồng cũng chẳng đáng là bao, dẫu đã tăng gấp 6 lần so với năm 2001!
Kinh tế An Lão trông cậy vào sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, huyện sản xuất ổn định hơn 2.384 ha lúa nước, năng suất bình quân đạt 47,4 tạ/ha. Riêng năm 2009, An Lão đạt tổng sản lượng lương thực quy thóc 12.694 tấn. Đàn gia súc, gia cầm tăng nhanh về số lượng và chất lượng, với 2.756 con trâu, 17.326 con heo và 7.968 con bò. Sau hàng chục năm dò dẫm với bao thất bại từ cây điều, cây quế, cây tiêu, cây dứa, cây cau… thứ thì không cho trái, thứ thì không có đầu ra, vài năm gần đây, người dân An Lão đã tạm yên lòng với cây nguyên liệu giấy, đặc biệt là cây keo lai… Những ngày cuối năm này, về An Lão, keo lai thu hoạch để ngổn ngang trên khắp nẻo đường.
Ở một mảng phát triển kinh tế khác, An Lão đã có 18 trang trại được cấp giấy chứng nhận. Đây được coi là những hạt mầm đầu tiên để An Lão phát huy lợi thế từ nguồn tài nguyên đất rừng.
Song công bằng mà nói, An Lão vươn lên được là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Từ nhiều nguồn vốn, hàng năm An Lão đã đầu tư cho xây dựng cơ bản tăng từ 20 đến 30%. Trong những năm gần đây, từ nguồn vốn chương trình 135, 134, và triển khai Nghị quyết 30a của Chính phủ cùng chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, An Lão đã tập trung xây dựng nhiều công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục và nhà ở dân sinh.
|
Một góc thị trấn An Lão hôm nay. Ảnh: Văn Lưu |
Huyện đã tranh thủ từ nhiều nguồn vốn hỗ trợ cho 2 ngàn hộ nghèo xây dựng lại nhà ở, phấn đấu trong năm 2010 sẽ hoàn thành chương trình xóa nhà ở đơn sơ cho hộ nghèo. Giờ đây, về các xã ở huyện An Lão, chuyện nhà ở cho người nghèo được bàn tán xôn xao nhất. Từ nguồn hỗ trợ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, cộng với các nguồn khác, đã có 643 hộ được hỗ trợ mỗi hộ 31,4 triệu đồng, để xây dựng lại nhà ở khang trang. Và cả huyện chỉ còn 45 hộ trong diện cần được hỗ trợ xây dựng nhà sẽ được tiếp tục hỗ trợ trong năm 2010.
Theo ông Nguyễn Trực, tỉ lệ hộ nghèo ở huyện An Lão đã giảm chỉ còn 40,02%. Đây được coi là con số có ý nghĩa, song với tôi, An Lão hoàn toàn có thể giảm nghèo với tốc độ nhanh hơn nếu mỗi người dân biết phát huy nội lực từ chính bản thân mình. Thật không thể tưởng tượng được, An Lão có bãi bồi ven sông, đất rộng người thưa, song người dân phải ăn rau đắt gấp 2 lần ở Bồng Sơn. Chỉ một điều đơn giản: người dân không chịu nghĩ đến việc trồng rau chuyên canh. Hay như tâm sự của ông Võ Văn Quá, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy An Lão: “Người dân Hoài Nhơn và nhiều nơi khác có thể đi cắt cỏ, thậm chí dành dụm từng vỏ bắp khô để chăm cho con bò của mình khi mùa đông giá hoặc lúc giáp mùa, song với người An Lão thì không, họ chỉ biết có mỗi việc chăn thả ngoài rừng núi…”.
Tôi không nghĩ đó là tính cách của người An Lão, chẳng qua là tập quán. Mà đã là tập quán thì sửa được!
Chiến thắng An Lão trong ký ức của người lính già
Ở tuổi 71, tự nhận mình có đôi khi “lú lẫn” bởi tuổi tác và chất độc da cam, nhưng những ký ức của Chiến thắng An Lão vẫn in hằn trong tâm khảm người lính già Nguyễn Văn Giáo (hiện ở xã An Hòa, huyện An Lão).
|
Ông giáo đang kể chuyện chiến thắng An Lão. Ảnh: T.Hiền |
Trong chiến dịch ngày ấy, ông Giáo là Xã đội trưởng xã An Hòa, có nhiệm vụ chỉ huy một cánh quân giải phóng xã và chặn đánh quân tiếp viện của địch.
Hôm tôi tìm về nhà, ông Giáo đang bận rộn với lễ ăn hỏi cho thằng cháu trong họ. Nhưng khi tôi gợi nhớ về một thời oanh liệt của Chiến thắng An Lão, dòng hồi ức của ông tuôn chảy như mạch nguồn không cạn.
Năm 1964, trước những thất bại liên tiếp trên mọi chiến trường, Mỹ - ngụy ra sức tăng cường lực lượng, chiếm giữ một số địa bàn miền núi trọng yếu, nhằm khống chế những căn cứ cách mạng của ta. Địch cho xây dựng Chi khu quân sự An Lão (nay thuộc xã An Trung); đồng thời, tăng quân bố trí phòng thủ lên đến 884 tên, gồm 2 đại đội và 2 trung đội lính bảo an, 12 trung đội dân vệ, 1 trung đội pháo cối và 1 trung đội biệt kích. Ngoài lực lượng bảo vệ Ban chỉ huy Chi khu đặt tại quận lỵ, chúng bố trí thành 3 cứ điểm: núi Một nằm ở phía Bắc cầu An Lão, núi Mít và suối Bà Nhỏ.
Để mở rộng vùng giải phóng ra địa bàn có ý nghĩa quan trọng này, đầu tháng 12.1964, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Quân khu V quyết định tấn công Chi khu quận lỵ An Lão. Với quyết tâm tiêu diệt gọn, ta đã tập trung lực lượng áp đảo quân địch. Cùng với một đại đội của tỉnh, 8 trung đội của các huyện và lực lượng du kích các xã, Quân khu còn tăng cường thêm Trung đoàn 2 bộ đội chủ lực, Tiểu đoàn 409 bộ đội chủ lực và bộ đội đặc công.
Chiều 6.12, toàn bộ lực lượng của ta đã bố trí xong trận địa, hình thành thế trận bao vây quận lỵ và áp sát các cứ điểm. Ông Giáo kể: “Tôi nhớ lúc đó là đúng 1 giờ sáng 7.12. Tiếng súng tấn công căn cứ núi Một nổ vang, làm hiệu lệnh công kích trên toàn tuyến. Bị đánh bất ngờ, quân địch không kịp trở tay. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ đồng hồ, quân địch tại các cứ điểm bị tiêu diệt và bị bắt sống. Chúng hốt hoảng cho một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 40 lên tiếp viện, nhưng cũng bị đánh tan. Số quân còn lại cuối cùng cũng phải rút chạy. Toàn bộ thung lũng An Lão trở thành căn cứ của ta”.
Chiến thắng An Lão là chiến thắng của sức mạnh toàn quân và dân, tạo thêm một khí thế cách mạng mới. Bình luận về sự thất bại của Mỹ-ngụy ở An Lão, hãng tin AJP ngày ấy đã viết: “Cả hệ thống phòng thủ Chi khu An Lão bị tiêu diệt nhanh như trở bàn tay, buộc các nhà quân sự Sài Gòn phải xét lại cả hệ thống phòng thủ trên các chi khu khác xem có đủ sức đứng vững không khi du kích Việt Cộng đã quyết tâm mở cuộc tiến công vào đó…”. |
Chiến thắng An Lão đã giải phóng cả một vùng rộng lớn, trải dài 24 km từ xã Ân Tín (huyện Hoài Ân) đến An Lão. Trong ánh mắt của người lính già ánh lên niềm tự hào, vui sướng: “Ngày đó, địch tổn thất nặng nề lắm. 610 tên địch (trong đó có 5 cố vấn Mỹ) bị tiêu diệt và bị bắt sống, 5 xe M113 và một máy bay lên thẳng bị bắn cháy. Ta thu được 320 súng các loại, 400 thùng đạn, 14 máy liên lạc vô tuyến cùng nhiều quân trang, quân dụng khác. Nhưng vui nhất là 11.000 dân bị kìm kẹp trong các ấp chiến lược của địch giờ đã được giải phóng. Nghe cách mạng về, người dân trong vùng mừng lắm, cùng góp công góp của”.
Nghe tôi thắc mắc, sao ông nhớ rõ đến từng chi tiết, con số, ông Giáo cười sảng khoái: “Nhớ chứ, nhớ để kể cho con cháu nghe, hiểu dân tộc mình anh hùng lắm, không kẻ thù nào khuất phục được. Để có chiến thắng ngày ấy, nhiều đồng đội đã ngã xuống. Tôi cũng mong các thế hệ trẻ sau này quý trọng những giá trị lịch sử dân tộc để xây dựng quê hương giàu đẹp”.
Ông bảo: “Mấy lần, vợ con bảo, ông già rồi, lại bệnh tật nữa, nghỉ thôi, nhưng tôi nói đã là lính Cụ Hồ, đã thề trước Đảng thì phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”. Tôi hiểu ước vọng của ông Giáo. Bởi chính người lính già đã kinh qua nhiều chức vụ từ Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã An Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, nay vẫn đang tiếp tục cống hiến trong vai trò Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã An Hòa.
| |