“Răng với tóc là vóc con người” - ông bà xưa dạy vậy. Dẫu là nam hay nữ, qua cách chọn một kiểu tóc, phần nào thể hiện “tạng” của con người ấy. Ngẫm lại, con người chú trọng, tôn vinh cái đã thành phẩm - mái tóc, còn người thợ làm ra sản phẩm ấy lại ít được lưu tâm…
|
Chỉ một thoáng thiếu tập trung, đường kéo có thể làm hỏng cả... cái đầu. |
* Chân dung “phó cạo”
Thợ cắt tóc là từ mới, trước đây nghề này được gọi là “phó cạo”. “Phó” là “chứng chỉ”, chỉ độ thuần thục, tinh xảo ở người thợ nghề (phó mộc, phó nề hay phó cả…). Thợ cắt tóc cũng đứng vào hàng ngũ bậc “phó” ấy: phó cạo.
Ở Quy Nhơn bây giờ, các hiệu cắt tóc thời trang kiêm trang điểm quy mô lớn, nhỏ và mốt cắt tóc thanh nữ chiếm đa phần, số người còn theo nghề “phó cạo” nguyên nghĩa ngày trước không còn nhiều. Một trong số ấy là ông Lý Văn Ngọc (67 tuổi), cắt tóc ở ngã tư Trần Cao Vân- Tăng Bạt Hổ. Thời thiếu niên, ông đã theo học nghề cắt tóc, nhưng cầm kéo chẳng bao lâu, ông bỏ nghề, vì nghề này có phần tẻ nhạt, có vẻ “già” so với lứa tuổi của ông khi đó. “Qua tuổi năm mươi, tôi mắc bệnh đau cột sống, không làm việc nặng được, nên quay trở lại làm thợ cắt tóc. Không ngờ, cái nghề mình “chê” nó khi xưa, giờ lại giúp mình có việc làm, niềm vui và thu nhập lúc về già”- ông Ngọc trải lòng.
Trong căn phòng hơn 15 m2 ông Ngọc thuê để hớt tóc với giá 800 ngàn đồng/tháng, mỗi ngày ông cắt tóc cho 8-10 khách. Khi cắt tóc, ông vẫn mặc áo sơ mi dài tay cài nút tay áo, quần tây, dép da, rất lịch sự. Ở một góc bàn là một chồng báo được cập nhật hằng ngày để khách đọc khi chờ đến lượt. Ông có vẻ thư thả, bằng lòng trong không gian làm việc giản dị của mình.
Ở tuổi 65, ông Nguyễn Thường (ở thôn Thuận Thượng 1, xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn) đã có gần 40 năm hành nghề hớt tóc. Một tai nạn thuở nhỏ khiến ông Thường đi tập tễnh; năm ông lên 14 tuổi thì cha mất, gia đình thêm khó khăn. Rồi ông theo học nghề cắt tóc của thầy Lê Cánh- người hớt tóc uy tín nhất, nhì ở thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn). “Thấy tôi hiền lành lại tật nguyền, thầy hết lòng dạy nghề mà không lấy tiền công. Đến khi ra nghề, thầy còn tặng một bộ đồ hớt tóc cũ về quê làm ăn”- ông Thường nhớ lại.
Một thời gian dài, ông Thường đi hớt tóc dạo cho bà con trong xã. Gia đình ở quê thời ấy 3, 4 thế hệ sống chung; ông Thường cắt tóc cho ông, cho cha rồi đến thế hệ con cháu. Tiền công thì quy ra gạo, lúa, đậu, mè; không có thì để nợ, tháng sau nhà ấy lại đợi ông Thường cắt tóc dạo đến hớt tóc và trả tiền công luôn.
Quán cắt tóc của ông Thường chỉ là một căn lều mộc mạc, nằm chân cầu Bà Mầm (xã Hoài Xuân), ba bên trống hoác, nhưng lúc nào cũng có khách đến cạo mặt, ngoáy lỗ tai, hàn huyên đủ chuyện trên trời dưới đất.
Không giản đơn như tiệm hớt tóc của ông Thường, tiệm hớt tóc của ông Nguyễn Xuân Còn- người cắt tóc thâm niên nhất ở thị trấn Bồng Sơn- được xây dựng khá khang trang, trang bị đồ nghề hiện đại. Ông Còn không chỉ nổi danh cắt tóc giỏi mà còn là người có đạo đức và uy tín trong cộng đồng. Ông để ý những thanh niên trong xóm hay rượu chè, cờ bạc… khi đến tiệm ông hớt tóc, ông lựa lời rỉ tai khuyên bảo, giúp nhiều người bỏ hẳn tật xấu, lo làm ăn nên người…
|
Lúc vãn khách, người thợ chăm chút cho bộ đồ nghề của mình. |
* Bên lề đường tông, mũi kéo
Khách hàng của ông Ngọc chủ yếu là khách quen, chiếm phần lớn là cán bộ viên chức, người về hưu. Những ngày cận Tết, ai cũng muốn “tút lại” mái tóc cho tinh tươm để đón năm mới, nên số người đến tiệm khá đông. Ông bảo, đó là thời điểm làm nghề vui nhất trong năm, vui không phải vì công cắt tóc tăng thêm 2 ngàn đồng, mà vì được làm việc trong không khí háo hức, bồi hồi của năm hết Tết đến, vì sự tin cẩn của khách hàng.
Hơn nửa cuộc đời gắn bó với nghề, ông Thường nhận ra rằng, cắt tóc là nghề làm dâu trăm họ, mỗi người mỗi gương mặt, kiểu tóc, mỗi sở thích, nếu ta lỡ tay sai sót chút đỉnh gì trên đường tông, mũi kéo thì sẽ gây phiền hà cho khách, thậm chí còn có thể mất khách. Một phút chểnh mảng, thiếu tập trung, đường kéo có thể làm hỏng... cả cái đầu! “Cái ngại lớn nhất của tôi trong nghề là xuống dùm tóc cho các cụ hay những người thất tình, nản chí… Những lúc như thế, tôi đưa dao, kéo cho họ xuống “lối” trước, rồi mình làm sau cho đỡ áy náy trong lòng”- ông Thường tâm sự.
Các “phó cạo” giàu kinh nghiệm nhất cũng thừa nhận rằng, dù rất cẩn thận, nhưng những ngày mới vào nghề, không thể tránh khỏi những sai sót như cạo mặt làm xước da, cắt tóc không đúng ý khách… Ngoài tay nghề cứng, cung cách làm việc cẩn thận, chịu khó với khách hàng, đồ nghề cũng phải luôn sắc bén, sạch sẽ. “Cái tầm” của mỗi bác “phó cạo” thể hiện ở chỗ biết tư vấn cho khách hàng kiểu tóc phù hợp với từng khuôn mặt. Ngoài ra, sự thanh tao trong giao tiếp, chuẩn mực trong đời sống hằng ngày cũng quyết định đến uy tín của người thợ. “Làm nghề này mà uống rượu, hút thuốc sẽ làm cho khách hàng khó chịu. Không ai yên tâm đưa đầu tóc cho người say hớt cả”- ông Còn khẳng định.
Ngoài sự tỉ mỉ, chuẩn mực, những “phó cạo” thành danh còn bởi năng lực xã giao với mọi đối tượng khách hàng. Theo ông Ngọc, nói đủ thứ chuyện “bao đồng” cũng là một cách xã giao để giữ chân khách. Song cũng tùy khách mà nói hay không nói, nói theo chủ đề nào… Và kỵ nhất là hỏi họ tên, chức vụ của khách. Ông Còn thì nổi tiếng với biệt tài vừa làm vừa ru ngủ khách hàng với những câu chuyện Tàu, từ Tây Du Ký, Tam Quốc Chí, đến Thủy Hử, Tiết Đinh San…
* * *
Đến nay, trong thời thống trị của hớt tóc thanh nữ, nhưng nghề cắt tóc của các bác phó cạo già không hề bị san sẻ thị phần, ế ẩm, lao đao. Những người thợ cắt tóc lâu niên ấy và đời sống hớt tóc thanh nữ nhộn nhịp như 2 thế giới khác biệt. Khách hàng tìm đến mỗi nơi cũng khác. Một khi đã “ưng kiểu tóc ông này cắt” rồi thì khi “tóc dài, tai ngứa, lông da mặt xù xì” họ lại xuất hiện, thong thả kéo ghế, ngồi đọc báo, đợi đến lượt mình…
|