Kể từ ngày 15.10.2009, Trường THPT Chu Văn An- ngôi trường bán công vừa bước qua tuổi lên 10- đã được chuyển đổi thành Trường THPT chất lượng cao Chu Văn An- Bình Định (gọi tắt là Trường Chu Văn An), hoạt động theo mô hình trường tư thục. Nhiều vấn đề đặt ra cho Trường trong buổi “giao thời” như: ổn định đội ngũ giáo viên (GV), mức thu học phí sẽ như thế nào…?
|
Phối cảnh tổng thể công trình Trường THPT chất lượng cao Chu Văn An - Bình Định. Ảnh: Ischool Quy Nhon
|
* Sẽ là sự khác biệt
UBND tỉnh đã cho phép Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Nguyễn Hoàng được tiếp nhận và đầu tư xây dựng Trường THPT chất lượng cao Chu Văn An- Bình Định (tên giao dịch là Trường THPT Ischool Quy Nhơn). Công ty Nguyễn Hoàng sẽ tiếp nhận cán bộ, GV, học sinh (HS), đất đai và toàn bộ cơ sở vật chất, tài sản của Trường Chu Văn An (cũ) để xây dựng trường mới. Ông Nguyễn Văn Ba, Hiệu trưởng Trường Chu Văn An (cũ), được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường THPT chất lượng cao Chu Văn An- Bình Định.
Ông Lương Văn Trí, đại diện nhà đầu tư, cho biết: trong giai đoạn 1 (từ nay đến 7.2011), Trường Chu Văn An sẽ được đầu tư cơ sở vật chất để đảm bảo đủ phòng học cho HS học 2 buổi/ngày, đồng thời, trang bị đầy đủ và hiện đại hệ thống máy chiếu, máy vi tính LCD, bàn ghế… để hỗ trợ tối đa cho việc học tập của HS. Bên cạnh đó, nhà đầu tư sẽ xây dựng nhà hiệu bộ, thư viện điện tử và các công trình phụ trợ khác, với tổng kinh phí 22,3 tỉ đồng. Giai đoạn 2 (từ 8.2011 đến 5.2013), nhà đầu tư sẽ xin thêm một khu đất khác, khoảng 2 ha, để xây dựng khu nội trú, khu thể dục thể thao. Tổng kinh phí của cả 2 giai đoạn là 42,3 tỉ đồng.
Cũng theo đó, GV sẽ có đầy đủ phương tiện để giảng dạy bằng giáo án điện tử; phòng công nghệ thông tin được kết nối internet, có phòng lab phục vụ cho việc học ngoại ngữ và các phòng nghe nhìn, phòng thí nghiệm bộ môn đồng bộ và hiện đại. HS được đào tạo để phát triển toàn diện: có nền kiến thức vững chắc, sử dụng công nghệ thông tin thuần thục, có trình độ Anh ngữ vượt trội và được rèn luyện kỹ năng, chăm sóc thể chất, hoàn thiện nhân cách.
Để thực hiện được mục tiêu này, ngoài đảm bảo thực hiện nội dung dạy học theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT, Trường sẽ thiết kế các chương trình ngoại khóa, phát triển kỹ năng và tăng cường ngoại ngữ, đặc biệt là kỹ năng nghe, nói cho HS và chú trọng đào tạo công nghệ thông tin. HS được tạo điều kiện để giao lưu trong và ngoài nước. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, HS sẽ đạt trình độ ngoại ngữ và tin học tương đương bằng B…
* Đổi mới để phát triển
Năm học 2009-2010, Trường Chu Văn An có 1.430 HS và 56 cán bộ, GV. Trong đó, có 18 GV trong biên chế nhà nước và 38 GV hợp đồng giảng dạy. Vấn đề đặt ra là đội ngũ GV sẽ “đi” và “ở” như thế nào. Ông Nguyễn Văn Ba cho biết: Hướng giải quyết của Sở GD-ĐT là cho GV chuyển công tác nếu tìm được chỗ tiếp nhận; đồng thời, Sở cũng sẽ tìm những đơn vị khác để điều chuyển GV. GV trong biên chế, nếu vẫn ở lại Trường, sẽ được giải quyết theo chế độ thôi việc, lĩnh chế độ 1 lần (Theo Nghị định 54 của Chính phủ) và tiếp tục ký hợp đồng với trường mới.
Kể từ năm học 2010-2011, Trường Chu Văn An sẽ ban hành chính sách thu hút HS giỏi từ các huyện và các trường công lập ở TP Quy Nhơn. Sau khi hoàn thiện đầu tư xây dựng và ổn định mô hình, Trường sẽ xin cơ chế tuyển sinh bình đẳng với các trường công lập trên địa bàn. |
Từ một viên chức nhà nước, dạy học theo cơ chế “bình bình”, bước sang một môi trường mới, đòi hỏi cao hơn rất nhiều các yêu cầu về năng lực, sự năng động và trách nhiệm, không ít GV đã tỏ ra lo lắng, bất an. Tuy nhiên, với hướng giải quyết của ngành GD-ĐT và sự cam kết của nhà đầu tư (giữ lại toàn bộ GV của Trường bán công Chu Văn An trong thời gian 3 năm) đã làm nhiều người an lòng.
Ông Nguyễn Văn Ba tâm sự: “Bất cập của mô hình trường bán công với điều kiện dạy và học quá thiếu thốn, thu không đủ chi, GV luôn bị nợ lương kéo dài… đòi hỏi phải có sự thay đổi, đột phá mạnh mẽ để phát triển. Việc “xã hội hóa” sẽ giúp có được ngôi trường khang trang, bề thế hơn, môi trường học tập năng động thích ứng với những đòi hỏi của cuộc sống đương đại”.
Cùng với Trường THPT tư thục Quy Nhơn, Chu Văn An đã là ngôi trường THPT thứ hai của tỉnh được xây dựng theo mô hình trường tư thục. Sự thay đổi sẽ đòi hỏi mỗi cá nhân phải “nâng tầm” để phát triển, đáp ứng yêu cầu của giáo dục. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Huệ, đã có 10 năm dạy Sinh học tại Trường, cho biết: “Thay đổi mô hình trường, ai cũng phân vân... Nhưng điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là HS phải được hưởng thụ những điều kiện dạy và học tốt nhất. Dạy ở môi trường mới, đòi hỏi GV phải nâng tầm cao hơn. Nhưng tôi sẽ thử sức…”.
Còn Đặng Văn Quang, HS lớp 11 A10, cho biết: “Tôi hy vọng trường mới sẽ có nhiều thay đổi, tạo điều kiện tốt hơn cho chúng tôi trong việc học hành”.
Ông Lương Văn Trí, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển học đường quốc tế, đại diện nhà đầu tư, cho biết:
- Nhà đầu tư cam kết giữ lại toàn bộ GV của Trường bán công Chu Văn An có nguyện vọng ở lại trường. Ban hành quy chế tổ chức hoạt động trường, trong đó, tăng 20% trên tổng mức lương hiện tại cho toàn bộ cán bộ, GV, CNV. Những bộ môn thiếu GV, sẽ được thỉnh giảng GV giỏi từ các trường khác về bổ sung, nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học.
- Giữ mức học phí cũ theo quy định của UBND tỉnh trong thời gian 5 năm, kể từ thời điểm chuyển đổi, nhằm đảm bảo không có sự biến động về mức thu học phí. Ngoài ra, HS giỏi sẽ được cấp học bổng. |
|