Làng đót sau lũ
9:12', 9/12/ 2009 (GMT+7)

Hơn 1 tháng sau cơn bão lũ tàn khốc, tôi quay trở lại Đống Đa, Nhơn Bình, Nhơn Phú, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân - những phường ngoại thành Quy Nhơn bị thiệt hại nặng nề nhất. Cuộc sống đang dần ổn định trở lại, nhưng ẩn sâu trong đó vẫn là nỗi buồn chưa thể nguôi ngoai. Làng nghề chổi đót thuộc KV1, phường Trần Quang Diệu, cũng vậy.

 

Người dân làng nghề hy vọng, việc tham gia vào CLB Làng nghề sẽ giúp họ thuận lợi hơn trong sản xuất.

 

* Chổi ế

Dù bây giờ, việc sản xuất đã ổn định trở lại, nhưng nhắc đến cơn lũ vừa qua, chị Lê Thị Hoa (tổ 7, KV1) vẫn rầu rĩ. 10 tấn đót của cơ sở sản xuất gia đình chị bị chìm trong nước. Đống sặc dùng để bó chổi trị giá hơn 10 triệu đồng cũng trôi theo nước lũ. Nước rút, nhưng phải mấy ngày sau trời mới có nắng; cây đót thấm nước lâu, khi phơi bị giòn, bó chổi hay bị gãy. Đó là chưa kể, đót bị ngập nước nên cọng ngả màu đen, ngọn vàng hoe, nên cây chổi làm ra kém chất lượng, mất giá. Chị Hoa kể: “Tôi vừa chở vô TP Hồ Chí Minh một xe hàng nhưng bán không hết. Chổi 15 ngàn đồng/cây người ta chỉ trả chỉ còn 4 ngàn đồng/cây, đành chở về”.

Chị Lê Thị Tuyết (tổ 11, KV 2), chủ cơ sở sản xuất chổi đót đồng thời là thương lái, vừa trở về sau chuyến hàng mang 4.000 cây chổi đót và chổi dừa lên Buôn Mê Thuột bỏ sỉ, cũng không giấu được sự mệt mỏi và chán chường trên khuôn mặt: “Đót ngập nước, chổi xuống màu nên người ta chê. Bán không hết, phải đem về đã đành, mà tiền hàng tôi cũng chưa lấy được”. Đó là chưa kể, đợt lũ vừa rồi, chị bị trôi mất 5 tấn cọng dừa (để làm chổi dừa) còn 3 tấn đót thì phần trôi, phần bị ướt.

Theo thống kê của Ban chủ nhiệm CLB Làng nghề chổi đót, tất cả hơn 20 hộ làm nghề ở đây đều bị thiệt hại trong cơn lũ vừa qua, với số đót bị ướt ước tính khoảng 80 tấn. Cơ sở sản xuất càng lớn thì thiệt hại càng nhiều. Ngoài việc đót bị giảm chất lượng khiến sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, thì việc hao hụt về số lượng (đót ngập, khi phơi bị giòn, rụng cám) khiến lượng sản phẩm làm ra giảm, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến người sản xuất. Một chủ cơ sở cho biết, dù nhiều hộ đã “gỡ gạc” bằng cách phải mua đót tốt pha vào và bán hạ giá, nhưng việc tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn.

 

Mỗi ngày, làng nghề chổi đót giải quyết việc làm cho trên 100 lao động nữ.

 

* Làng đót sau lũ

Theo những người làm nghề đót lâu năm thì làng nghề này đã hình thành trên dưới 20 năm nay và hiện có hơn 20 hộ làm nghề, tập trung chủ yếu ở các tổ 5, 6, 7 thuộc KV1, phường Trần Quang Diệu. Đây là nghề chính của các hộ này và việc sản xuất diễn ra quanh năm. 

Tháng giêng, tháng hai vào mùa đót, các cơ sở bắt đầu mua đót với số lượng lớn để dành sản xuất cả năm. Đót được mua chủ yếu từ Huế, Kon Tum, có khi từ cả các tỉnh phía Bắc. Chị Hoa giải thích: “Phải gom tiền mua nhiều như vậy vì đầu mùa đót đẹp, giá vừa, khoảng 15 - 20 triệu đồng/tấn”.

Giữa tháng 9.2009, Hội LHPN phường Trần Quang Diệu đã quyết định thành lập CLB Làng nghề chổi đót, gồm 20 thành viên là các hộ gia đình làm nghề chổi đót trong phường. Một trong những mục đích quan trọng của việc thành lập CLB là nhằm giúp các hộ làm nghề trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tương trợ nhau phát triển kinh tế gia đình hiệu quả.

Tùy quy mô sản xuất, các cơ sở làm chổi đót thuê nhiều hay ít lao động. Ở làng nghề này, một vài cơ sở lớn có sản lượng khoảng 1.000 cây chổi/ngày có thể thuê 20 - 30 lao động. Chổi làm xong sẽ được bỏ sỉ cho bạn hàng ở các tỉnh: Gia Lai, Đắc Lắc, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh…

Ông Nguyễn Tá, thành viên Ban chủ nhiệm CLB Làng nghề chổi đót, cũng là một người làm nghề lâu năm ở đây, cho biết, gia đình ông làm đót từ sau giải phóng đến nay. Nối nghiệp gia đình, ba trong số năm người con của ông cũng làm đót. Hoặc trong xóm, bà Quỳnh Thị Tài có hai con trai và một con gái cũng theo nghề của mẹ.

Không chỉ là công việc ổn định, cho thu nhập khá, nghề đót và làng nghề đót còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ trong vùng và các địa bàn lân cận. Theo ông Nguyễn Tá, ước tính ở đây, mỗi ngày có hơn 100 lao động nữ tham gia làm đót. Tùy tính chất công việc và khả năng, mỗi lao động có thể thu nhập 30- 80 ngàn đồng/ngày. Một phụ nữ đứng tuổi làm việc tại cơ sở của ông Tá cho biết, nghề chính của bà là nấu rượu và nuôi heo, khi nào rảnh rỗi thì đi tước đót, thu nhập khoảng 30 ngàn đồng/ngày. Còn chị Lê Thị Thắm (ở thôn Luật Lễ, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) làm nghề đót đã hơn 3 năm cho hay, chị tham gia bó chổi và kiếm được khoảng 70 - 80 ngàn đồng/ngày.

Những ngày này, dù không khí lao động ở làng nghề đã trở lại bình thường, nhưng thời sự nhất vẫn là chuyện khó tiêu thụ sản phẩm vì ảnh hưởng bão lụt. Nhiều người hy vọng, việc tham gia vào CLB Làng nghề sẽ giúp họ thuận lợi hơn trong sản xuất cũng như được tạo điều kiện để vay các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước nhằm hỗ trợ công việc vốn đang gặp khó khăn. 

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tăng trưởng kinh tế đạt thấp  (09/12/2009)
“Lột xác” để lớn mạnh  (08/12/2009)
Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập  (08/12/2009)
Cứu ngư dân Philippines gặp nạn trên biển  (08/12/2009)
Tặng quà đồng bào vùng lũ  (08/12/2009)
Sẽ hỗ trợ xây dựng trường học và trạm y tế  (08/12/2009)
Kỷ niệm 45 năm chiến thắng An Lão  (08/12/2009)
Sáng nay, khai mạc Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa X  (08/12/2009)
Năm 2010, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế trên 10%  (08/12/2009)
“Chúng tôi là đội chiếu phim Bình Định”   (07/12/2009)
Cứu trợ đồng bào vùng lũ   (07/12/2009)
Tổng kết 10 năm thực hiện công tác giáo dục quốc phòng - an ninh   (07/12/2009)
Nghề... “đè đầu thiên hạ”   (06/12/2009)
Trao học bổng, tặng quà cho HS và nhân dân vùng lũ   (06/12/2009)
An Lão hôm nay   (06/12/2009)