Tại buổi thảo luận tổ đầu tiên của kỳ họp diễn ra vào chiều qua (9.12), các đại biểu HĐND tỉnh đã đi sâu mổ xẻ nhiều vấn đề “nóng” của tỉnh thời gian qua.
|
Các đại biểu HĐND đang thảo luận tại tổ. Ảnh: Văn Lưu
|
* Đại biểu Huỳnh Văn Tân (Tây Sơn):
Nên chú trọng thâm canh hơn là trồng mới rừng
Chúng ta đang xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại nhưng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân còn thấp. Trong sản xuất nông nghiệp, một mặt chúng ta nói làm theo cơ chế thị trường, nhưng mặt khác Nhà nước lại thực hiện cơ chế thị trường có định hướng, có kế hoạch và vận động nông dân làm theo. Không ai nhạy cảm bằng người nông dân trực tiếp sản xuất nên người ta biết làm gì thì sẽ có lợi. Ví dụ, trong xây dựng vùng nguyên liệu mía cho Công ty CP Đường Bình Định, trong nhiều năm qua chúng ta đề ra kế hoạch nhưng không có năm nào hoàn thành kế hoạch. Nguyên nhân là người nông dân chưa thật sự mặn mà với cây mía, vì lợi nhuận đem lại không cao so với một số cây trồng khác.
Về công tác quản lý bảo vệ rừng, không nên nói năm nào cũng trồng mới 5 - 6 ngàn ha rừng. Năm nào cũng trồng mới là trồng ở đâu? Rừng nghèo là do mình phá hết để trồng keo và bạch đàn. Hai loại cây này xét về lâu dài là có hại vì dưới tán của chúng không thể trồng cây gì khác, không còn thảm thực vật bảo vệ mặt đất, trong khi dưới tán rừng tự nhiên có các loại cây bụi, dây leo, thảm thực vật có tác dụng chống xói mòn, rửa trôi, sa bồi thủy phá.
Tôi đề xuất, chúng ta nên chú trọng việc thâm canh hơn là trồng mới rừng. Không nên chặt phát rừng để trồng rừng mới mà phải khoanh lại, đi vào thâm canh, tăng năng suất hiệu quả thì rừng mới bền vững. Bởi nếu tính số gỗ keo và bạch đàn chúng ta thu hoạch chưa chắc đã hơn số bị tàn phá và hậu quả mà chúng gây ra trong tương lai.
Công tác bảo vệ rừng vừa qua còn nhiều tồn tại và hạn chế, chủ yếu là do pháp luật không nghiêm, nhiều sơ hở, lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng, lâm tặc lợi dụng những mặt yếu kém đó để phá hoại.
* Đại biểu Nguyễn An Điềm (Phù Cát):
Cần có dự án mang tính đột phá
Năm 2009, trong điều kiện khó khăn nhưng tỉnh ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng, nổi bật là nông-lâm-thủy sản, thu ngân sách đảm bảo. Tuy nhiên đi vào phân tích kỹ, nếu duy trì sự phát triển như lâu nay thì không ổn, bởi trong năm 2009 chưa có dự án nào mang tính đột phá. Trong khi đó, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp chế biến gỗ chiếm tỉ lệ cao thì lại gặp khó khăn. Đầu năm các doanh nghiệp gỗ gặp khó khăn, ngừng sản xuất do không có đơn hàng nên không có nhu cầu vay vốn hoặc vay vốn ít. Khi vào mùa vụ sản xuất chính các doanh nghiệp cần nguồn vốn lớn để đầu tư sản xuất thì việc vay vốn gặp khó khăn, nguồn vốn chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu doanh nghiệp. Do đó, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp chế biến gỗ bị ảnh hưởng, làm ảnh hưởng chung đến giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh.
Để giá trị sản xuất công nghiệp vượt qua khó khăn, tăng trưởng mạnh, trong năm 2010, tỉnh nên có kế hoạch xem xét lại các hạng mục đầu tư, mạnh dạn điều chỉnh cơ cấu đầu tư để sớm phát huy hiệu quả. Nếu dự án nào có vốn lớn nhưng chưa phát huy được hiệu quả thì giảm để tập trung vào các dự án có hiệu quả hơn. Chính các dự án này mới cơ bản, làm cho sản xuất ổn định. Bên cạnh đó, nguồn vốn vay cần phải tập trung ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất, hạn chế cho vay vốn đề đầu tư bất động sản, chứng khoán…
* Đại biểu Lê Minh Tuấn (Phù Mỹ):
Khắc phục ngay những hạn chế trong xây dựng cơ bản
Ở tỉnh ta hiện nay nhiều dự án xây dựng cơ bản triển khai rất chậm chạp và không hiệu quả. Dự án đầu tư xây dựng đường Nguyễn Tất Thành nối dài (TP Quy Nhơn) nhiều lần đề nghị trong nghị quyết HĐND tỉnh, nhưng việc xây dựng còn kéo dài. Tương tự, tuyến đường phía Tây tỉnh (Tây Sơn đi Hoài Nhơn) triển khai hết sức chậm chạp. Khu Kinh tế Nhơn Hội kỳ vọng nhiều nhưng hiệu quả không cao; các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài chỉ ký văn bản ghi nhớ, công trình đầu tư cụ thể vẫn chưa có. Nguồn vốn hỗ trợ cho các huyện miền núi theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đến tháng 10 mới giải ngân, vì vậy các công trình xây dựng đến mùa mưa mới triển khai, làm sao tránh khỏi cách làm “chụp giật”, mất an toàn và thiếu hiệu quả…
Ba nguyên nhân chính dẫn đến các dự án đầu tư cơ bản tiến hành chậm, chưa đạt hiệu quả là do năng lực của nhà thầu còn nhiều hạn chế, tỉ lệ vốn ứng trước cho nhà thầu quá cao và công tác kiểm tra giám sát còn thiếu sót. Hiện nay, vốn ứng trước cho nhà thầu theo quy định của Chính phủ là 80%. Khi nhận nguồn vốn ứng trước, nhà thầu dùng vốn để đầu tư vào các công trình khác, tiến độ thi công không đảm bảo. Chủ đầu tư ngại hối thúc vì sợ nhà thầu làm ẩu, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Để khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, nhất thiết phải có cam kết đảm bảo tiến độ thi công theo từng giai đoạn giữa chủ đầu tư và nhà thầu; đề nghị giảm mức vốn ứng trước còn khoảng 50 đến 60%. Mặt khác, cũng cần chú ý hoàn thiện số lượng và chất lượng đội ngũ tư vấn giám sát, tránh tình trạng một người cùng lúc tư vấn giám sát cho nhiều công trình. Ngoài ra, phải thực hiện tốt công tác giải tỏa, tái định cư… Đối với Khu Kinh tế Nhơn Hội, phải hoàn thiện mặt bằng cơ sở hạ tầng, đảm bảo nguồn nhân lực, kêu gọi các nhà đầu tư có khả năng, xây dựng một “điểm nhấn” để tạo bước đà đầu tư…
* Đại biểu Võ Nhật Tịnh (Hoài Nhơn):
Chính sách khai thác tài nguyên cát chưa hợp lý
Ở Hoài Nhơn hiện nay có hai dự án khảo sát nạo luồng thông cửa Tam Quan và nạo vét cửa biển An Dũ. Hai dự án này đều có vấn đề. Nạo luồng thông cửa Tam Quan trên danh nghĩa là để góp phần đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản, nhưng mục đích chính lại là khai thác cát để xuất khẩu. Việc nạo vét không cần thiết, vì cửa biển Tam Quan vốn đã khá sâu. Tại cửa biển An Dũ, theo dự kiến, sẽ tiến hành nạo vét và làm bờ kè, song các nhà khoa học đã từng cảnh báo: nếu khai thác cát ở cửa An Dũ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Do đó, chúng ta cần xem lại chính sách khai thác, xuất khẩu tài nguyên cát.
* Đại biểu Lê Thanh Những (Vân Canh):
Nên trả lương để người dân giữ rừng
Tình hình phá rừng, đặc biệt trong hai năm 2008, 2009 nổi lên rất rộ, huyện nào cũng có, trọng tâm ở các huyện Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh. Lâu nay chúng ta cứ đổ thừa là do lâm tặc gây ra, nhưng qua một số vụ phá rừng do công an điều tra thì phát hiện có một số vụ do cán bộ gây ra (không phải cán bộ lãnh đạo). Ngoài ra, còn có một số đối tượng cò mồi, chỉ chỏ cho các đối tượng khác chặt phá, khai thác. Tôi vẫn thường nói đùa rằng đấy là “bộ tặc” (do cán bộ gây ra) hoặc “dân tặc” chứ chẳng phải là “lâm tặc”. Thời gian gần đây còn có người dân ở các tỉnh phía bắc vào khai thác khá đông, có cả người dân tộc thiểu số ở ngoài đó như địa bàn xã Canh Liên, có cả người dân tộc Thái ở ngoài Bắc vào khai thác.
Hậu quả nhỡn tiền có thể thấy rõ trong những đợt thiên tai vừa qua, môi trường bị tàn phá nặng nề, sa bồi thủy phá. Núi rừng bị phá trọc thì còn gì ngăn nổi nước lũ. Theo ý kiến của riêng tôi, Nhà nước phải có chính sách đầu tư, trả lương cho các hộ dân trong việc giữ rừng thì may ra mới hiệu quả. Cứ nói giao cho từng nhóm hộ gia đình, nhưng nhóm hộ này giữ thì nhóm kia lại phá, phải có chính sách cho người giữ rừng. Một năm họ chỉ nhận khoản tiền 100 ngàn đồng/ha giữ rừng thì sao mà yên tâm giữ nổi.
Phải xem xét lại cơ cấu mũi nhọn công nghiệp
Tại buổi thảo luận, các đại biểu cũng đi sâu thảo luận, mổ xẻ vấn đề vì sao giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm nay đạt thấp. Chủ tịch HĐND tỉnh Vũ Hoàng Hà cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan như kinh tế thế giới suy thoái, lũ lụt… vẫn còn có những nguyên nhân chủ quan khác cần phải được xem xét, phân tích để tìm ra giải pháp thích hợp. Ông nói: “Để giá trị công nghiệp tăng trưởng, ngoài “vực dậy” một số DN đang gặp khó khăn, cần phải có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho DN mở rộng, tăng công suất sản xuất cũng như tạo điều kiện cho các DN vào đầu tư ở Bình Định… Không có DN mới thì công nghiệp sẽ không tăng trưởng, mà những năm qua, Bình Định không có DN mới nào vào đầu tư”.
ĐB Lê Thanh Long (đơn vị Tuy Phước) cũng cho rằng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh hiện chủ yếu dựa vào sản xuất, xuất khẩu gỗ tinh chế. Kinh tế thế giới suy thoái, sản xuất ngành gỗ giảm thì giá trị sản xuất công nghiệp giảm là tất nhiên. Cứ tiếp tục như hiện tại thì nền công nghiệp của tỉnh sẽ dậm chân tại chỗ. Do vậy, cần phải xem xét lại cơ cấu mũi nhọn công nghiệp của tỉnh: quy hoạch ngành sản xuất, chế biến gỗ nhỏ lại, tạo điều kiện cho các DN chuyển sang khai thác các mũi nhọn kinh doanh khác.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng đặt câu hỏi: Số vốn gần 9.000 tỉ đồng kích cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh đã giải ngân mà sao sản xuất công nghiệp không tăng? Liệu vốn vay có đúng đối tượng, được DN sử dụng đúng mục đích hay đã đầu tư vào các lĩnh vực khác như bất động sản hay chứng khoán? |
|