Hầu hết các trạm y tế chưa được đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, thiếu thốn trang thiết bị và con người, cơ chế chính sách chưa hoàn thiện… Những hạn chế này không chỉ khiến người bệnh có bảo hiểm y tế (BHYT) không mặn mà đến khám chữa bệnh (KCB) ở trạm y tế, mà chính nhân viên y tế của trạm cũng “ngại” cả công việc chuyên môn của mình.
|
Khuyến khích người dân đăng ký KCB BHYT ở trạm y tế nhằm giảm áp lực quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.
|
* Người bệnh chưa tin
Lý do là bởi hầu hết các trạm y tế ở địa phương chưa đủ năng lực KCB toàn diện cho bệnh nhân. Khoảng 80% trạm y tế có bác sĩ, thì hầu hết là bác sĩ chuyên tu; cộng với 4-5 nhân viên y tế là y sĩ, điều dưỡng trung học và sơ học. Thiết bị y tế được trang bị cho trạm chỉ là ống nghe, đo nhiệt độ, huyết áp; giường bệnh không có; thuốc điều trị chỉ một số ít đủ cấp cho những bệnh nhẹ như cảm sốt, đau bụng...
Ông Trần Đình Triên, Trưởng Trạm y tế Bồng Sơn (Hoài Nhơn), cho biết: “Lâu nay, Trạm chỉ làm công tác dự phòng. Việc KCB còn gặp nhiều khó khăn, khó đáp ứng được yêu cầu của người dân”. Ở cùng huyện, bà Trần Thị Huyện, Phó Trưởng Trạm y tế Hoài Tân, phân tích thêm: “Trạm chỉ KCB những bệnh thông thường, đa số là chuyển lên tuyến trên. Thuốc men, trang thiết bị ở Trạm còn hạn chế, trong khi người dân “so bì” toa thuốc ở bệnh viện nhiều hơn ở Trạm, nên họ cũng không muốn KCB ở đây”.
Cũng như các trạm y tế khác, Trạm y tế Hoài Tân có 1 bác sĩ chuyên tu; dụng cụ KCB là ống nghe, đo huyết áp, nhiệt độ; có dụng cụ khám tai nhưng đã bị hỏng. Bà Huyện cho biết thêm, đã có tập huấn về Luật BHYT và học sinh cũng đã tới KCB BHYT, nhưng thật sự, từ sau ngày 1.10, Trạm vẫn chưa được đầu tư.
Chị Thủy, mẹ của cháu Nguyễn Hoàng Lực (học sinh lớp 1, ở xã Hoài Đức, Hoài Nhơn) rất bức xúc khi biết nơi KCB BHYT ban đầu của con mình là Trạm y tế xã Hoài Đức. Chị Thủy phân trần: “Trẻ con thường mắc các bệnh cấp tính, phải viện đến bác sĩ chuyên khoa. Tôi có vài lần tới Trạm khám, họ chỉ cho vài viên thuốc thông thường, nhưng thủ tục rất chậm, nên thà đi mua thuốc bên ngoài còn hơn”. Bà Nguyễn Thị Nghiệp (50 tuổi, ở xã Ân Hảo Đông, Hoài Ân) thì kiên quyết: “KCB ở Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn vừa tiện đường, vừa có chất lượng. Nếu buộc tôi KCB ở Trạm y tế xã Ân Hảo Đông rồi chuyển lên Trung tâm y tế huyện Hoài Ân thì tôi sẽ không mua BHYT đâu”.
Ông Mai Xuân Thơm, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hoài Nhơn, làm một phép tính: “Hơn 90% người dân trong huyện mong muốn được đăng ký nơi KCB ban đầu cho thẻ BHYT là trung tâm y tế hoặc bệnh viện, chỉ có một số ít người già đăng ký ở trạm y tế để tiện đi lại”.
|
Tuy nhiên, việc đầu tư và cơ chế chính sách chưa hoàn thiện là những hạn chế, không chỉ khiến người dân không mặn mà với trạm y tế mà nhân viên y tế của trạm cũng “ngại” cả công việc chuyên môn của mình.
|
* “Đầu voi, đuôi chuột”
Chủ trương khuyến khích người dân đăng ký thẻ BHYT về trạm y tế để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên là đúng. Nhưng trước khi đưa nơi KCB ban đầu về trạm y tế, cần chuẩn bị đủ năng lực KCB cho trạm, nếu không thì chỉ có tác dụng ngược, tăng áp lực quá lớn cho trạm mà lại có khả năng gây mất uy tín trong dân về KCB BHYT.
Ông Hà Thúc Chí, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thống kê, đến đầu tháng 10.2009, số thẻ BHYT đăng ký tại trạm y tế trên toàn tỉnh là 91.218 thẻ tại 138 trạm, tăng 75.776 thẻ và 121 trạm so với thời điểm ngày 1.6.2009. Điều đó chứng tỏ, lượng thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế xã ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, theo khảo sát của cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, số đầu thẻ này tập trung chủ yếu ở những trạm y tế vùng trung du, miền núi (Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh…) do người dân những vùng này sống khá xa về khoảng cách địa lý so với trung tâm y tế huyện.
Có một thực trạng là một số nhân viên y tế ở các trạm không thích, hay nói thẳng ra là “ngại” làm chuyên môn của mình. Bởi không chỉ “động vào cái gì, thiếu cái nấy”, mà việc cơ cấu cũng rất bất hợp lý. Trạm có 1 bác sĩ, nhưng vừa kiêm công tác chuyên môn chung, vừa phải lo công tác quản lý, sự vụ hành chính, nhiều khi còn kiêm cả chương trình y tế mục tiêu. Những người còn lại, dù chức năng và trình độ nghiệp vụ không thật phù hợp, nhưng nhiều khi cũng phải “gánh” hoạt động KCB của trạm…
Nói về nguồn thu của trạm, chỉ duy nhất một khoản “tiền công khám… 1.000 đồng/người”, chấm hết. Số ít trạm được trang bị máy xét nghiệm thì còn có “đồng ra, đồng vào”, nhưng cũng không nhiều. Một bất cập nữa, dù đã nói nhiều nhưng vẫn tồn tại, đó là việc nhiều trạm y tế xã vẫn sống với cơ chế bao cấp là chính nên “lạc lõng trong một thế giới khác”. Hậu quả là đời sống của cán bộ y tế phường, xã còn khó khăn và không ổn định.
Bình Định có khoảng 800 ngàn đầu thẻ BHYT. Nhưng với tình trạng lý thuyết và thực tế KCB BHYT chênh lệch theo kiểu “đầu voi, đuôi chuột” nói trên, thì việc vận động người dân tham gia BHYT ở trạm y tế quả là rất khó.
|