Đến giờ, hủ tiếu đã là một phần của ẩm thực Quy Nhơn. Những chiếc xe hủ tiếu đã lăn bánh qua nhiều nơi khác nhau. Để rồi, khi “đậu” lại ở thành phố hiền hòa này, chừng như nó cũng hòa nhập vào cuộc sống nơi đây…
1.
Hủ tiếu xe xuất hiện ở Quy Nhơn đến nay tính ra cũng gần 4 năm. Từ những ngày đầu lác đác một hai chiếc, giờ khắp Quy Nhơn có không dưới 20 chiếc xe hủ tiếu. Điều đáng ngạc nhiên là chủ nhân của những chiếc xe ấy đều là người Quảng Ngãi (lại là những người nông dân muốn thoát ra khỏi thửa ruộng cằn cỗi, muốn tìm một cuộc sống khác dễ chịu hơn). Chị Nguyễn Thị Xuân Lộc, bán hủ tiếu gõ ở đường Bạch Đằng, cho biết: “Những người dân huyện Đức Phổ đầu tiên vào TP Hồ Chí Minh phụ việc tại các hiệu hủ tiếu của người Hoa, học được nghề, rồi tự mình ra làm riêng. Một người làm ăn được, kéo theo họ hàng, làng xóm cùng đi kiếm sống bằng xe hủ tiếu”.
|
Một xe hủ tiếu gần Trường Đại học Quy Nhơn luôn đông khách. |
Nhà nghèo, chị Lộc nghỉ học sớm, theo làn sóng “ly hương”, vào TP Hồ Chí Minh kiếm sống bằng xe hủ tiếu gõ. Trước khi vào Quy Nhơn, chị còn có một thời gian bán hủ tiếu ở Đà Nẵng. Vợ chồng chị được coi là những người đầu tiên mang nghề hủ tiếu xe đến Quy Nhơn. Hiện tại, anh Trần Đức Hồng, chồng chị, là đầu mối cung cấp sợi hủ tiếu cho những người đồng hương.
Còn nhớ, cách đây gần 3 năm, khi còn ở trọ trên đường Diên Hồng, tôi rất ngạc nhiên khi thấy một xe hủ tiếu xuất hiện tại ngã tư Diên Hồng - Vũ Bảo. Mọi thứ chỉ gói gọn trong một chiếc xe nhỏ, bên dưới chứa được thùng nước lèo. Người chủ xe tận dụng tối đa không gian của chiếc xe, chất đầy những tô, đũa và những hũ gia vị dùng trong việc làm ra tô hủ tiếu. Cộng với dăm bộ bàn ghế bày ra trên vỉa hè đông người lại qua, thành một “quán” hủ tiếu.
Đối với sinh viên Quy Nhơn hồi ấy, hủ tiếu là một cái gì đó lạ lẫm, chỉ loáng thoáng nghe qua lời kể của bạn bè học ở Sài Gòn. Thử một lần, hai lần, rồi nhiều lần, hủ tiếu trở thành một món ăn khuya ưa thích, dù thời ấy, mức giá 3 ngàn đồng/tô là khá “xa xỉ” với túi tiền của sinh viên. Theo giá cả thị trường, hủ tiếu cũng nhích dần lên. Đến giờ, một tô hủ tiếu thường là 5 ngàn đồng; ai muốn “đủ chất” thì thêm cục xương có dính ít thịt mà chúng ta vẫn hay gọi là xí quách, giá sẽ là 8 - 10 ngàn đồng/tô.
Nhiều lần ăn hủ tiếu, lân la hỏi chuyện mới biết gia đình người chủ xe quê ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ. Vợ bán, chồng phụ, đồng thời chăm 2 cậu con trai. Họ thuê một phòng trọ để ở lâu dài. Rồi mỗi năm, họ lại chạy đôn chạy đáo để làm tờ đăng ký tạm trú mới, lo cho 2 con chỗ học hành. Giờ cậu con trai lớn đã vào lớp 3, cậu út học lớp 1. Mỗi ngày, xe hủ tiếu của họ bán được khoảng 150 tô, thu nhập đủ trang trải cuộc sống nơi đất khách.
2.
Hủ tiếu được cho là có gốc từ các “chú Tàu” thuộc Thiên Địa Hội (một hội kín bắt nguồn từ Trung Hoa thời Khang Hy với mục đích phản Thanh phục Minh), chạy dạt qua Sài Gòn, nấu cho người bản xứ ăn riết rồi thành đặc sản miền Nam. Nhìn chung, hủ tiếu, phở, hay bún bò Huế cũng là món canh nước, có sợi bún dẹp (hủ tiếu và phở), hay sợi bún tròn (như bún bò Huế), nhưng vị mặn ngọt, và thịt thà trong đó lại hoàn toàn khác nhau. Hủ tiếu thứ thiệt nước dùng phải đùng đục, tô hủ tiếu phải có vài miếng thịt đo đỏ, trắng trắng mới ngon. Hủ tiếu Sài Gòn có nhiều lá hẹ, nước dùng nêm thêm ít đường cho phù hợp với sở thích của người miền Nam; thường bán kèm với hoành thánh (bột cán mỏng xắt thành hình vuông, cuốn chút xíu thịt mỡ xay lộn xộn).
Và cũng như một số thức ăn bình dân khác, khi được mang đến địa phương nào, ở một chừng mực nào đó, hủ tiếu sẽ tự biến đổi để phù hợp với sở thích của người dân nơi đó. Chị Lộc bảo, khi bán hủ tiếu ở Đà Nẵng, thịt nạc xắt mỏng được thay bằng một món chả thập cẩm xay từ nhiều thứ khác nhau. Và đến Quy Nhơn, tô hủ tiếu càng có nhiều biến đổi. Nước dùng mặn, cay hơn một chút, bớt tóp mỡ lại. Nhiều chỗ, lá hẹ được thay bằng lá quế; ngoài thịt nạc xắt mỏng truyền thống, còn có chả giò, trứng cút… Tất cả sự thay đổi ấy không ngoài mục đích để phù hợp với khẩu vị, sở thích của người dân địa phương.
|
Đến Quy Nhơn, hủ tiếu thêm vị cay mặn; ngoài thịt nạc còn có chả giò, trứng cút… |
Và, ở thành phố nhỏ, những con đường cũng chẳng đan chéo mạng nhện, nên người bán hủ tiếu không cần phải đẩy xe đi, không cần rao bằng tiếng gõ “xực tắc”. Những xe hủ tiếu “tập kết” tại những địa điểm cố định, thường là tại các ngã ba, ngã tư đông người.
Đa số những người ăn hủ tiếu là giải quyết cơn đói bụng tạm thời trong lúc gấp hoặc những người đi chơi, đi làm về khuya, tìm chút gì lót dạ. Chẳng mấy ai lại chọn hủ tiếu làm bữa ăn chính bởi thịt nạc, chả giò trong tô hủ tiếu chỉ vài lát mỏng “không thể mỏng hơn”…
3.
Nghề bán hủ tiếu tuy không nặng nhưng nhọc. 5 giờ sáng, phải chạy ra chợ mua rau, mua xương… 6-7 giờ ngồi lặt rau, phi hành. 8 giờ, nổi lửa hầm xương. 3 giờ chiều xuất phát và bữa nào bán hết sớm, cũng phải 12 giờ đêm mới được nghỉ ngơi. Bù lại, thu nhập từ xe hủ tiếu cũng khá, nếu biết chi tiêu tằn tiện thì cũng có của để dành.
Tuy nhiên, xung quanh chiếc xe hủ tiếu cũng còn nhiều vấn đề phải bàn. Cách đây chưa lâu, một tờ báo lớn đã đề cập đến “bột đường ngọt” dùng để nấu hủ tiếu. Ở chợ Bến Thành (TP Hồ Chí Minh), chỉ cần 3 ngàn đồng là có hơn 70 viên “bột đường ngọt” nấu nước dùng hủ tiếu. Và mặc dù người bán cố giữ gìn vẻ sạch sẽ cho xe hủ tiếu, nhưng không ít người vẫn ngần ngại trước món ăn vỉa hè này.
Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận thực tế là, các chủ xe hủ tiếu đã lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, phần nào ảnh hưởng đến trật tự, văn minh đô thị…
|