Người nhặt rác ở bệnh viện
8:29', 20/12/ 2009 (GMT+7)

Khi nhập viện, bác sĩ nói ngay rằng, bệnh của họ sẽ không khỏi. Chạy thận chỉ là một cách để kéo dài sự sống, được ngày nào hay ngày đó. Và để níu kéo sự sống, họ chấp nhận sự đau đớn về thể xác và những nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh.

 

Chỗ ở của bà Bé gần 4 năm qua.

 

1.

Tôi bắt đầu để ý đến bà khi đêm nào cũng thấy bà có mặt ở nhà vệ sinh của khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, lục lọi thùng rác để kiếm từng chai nhựa, vỏ lon. Bà tên Trần Thị Bé, đang chạy thận ở khoa Thận – Lọc máu. Trên cánh tay chạy thận lâu năm, ven nổi lên loằng ngoằng, có chỗ sưng to bằng quả trứng gà. Bà run run sục vào thùng rác, nhặt ra từng chai nhựa, từng vỏ lon…

Mỗi lần đi nhặt rác, bà thường xuất phát ở khoa Nội C, vòng qua khu Trung cao, lòng vòng khắp các khoa, phòng; và trạm dừng chân cuối cùng là khoa Truyền nhiễm. Ban ngày, người nhặt rác đông quá, bà già yếu, không tranh nổi, nên chỉ đi vào ban đêm. Mỗi đêm, bà thường đi 3 lần vào lúc 22 giờ, 2 giờ và 4 giờ. Đêm nào mệt quá, cái chân nhấc không nổi, thì bà nghỉ ca đầu. Đi mãi, thành ra bà  quen đến từng ngóc ngách trong Bệnh viện. Bà xin thùng cạc tông đựng thuốc để chứa các thứ lon, chai nhặt được. “10 vỏ lon nước yến chỉ bán được một ngàn đồng. Có khi, bà đi cả đêm vậy chứ bán chẳng được 10 ngàn đâu, cháu à!”- bà thủ thỉ. 

Bà Bé được coi là bệnh nhân chạy thận đầu tiên kiếm sống bằng nghề nhặt rác. Sau đó, có nhiều bệnh nhân khác cũng làm theo, như bà Tám (Quy Nhơn), chị Xuân (Mỹ Chánh, Phù Mỹ), chị Nga (Cát Tường, Phù Cát)… Bà Tuất, 77 tuổi, ở thôn Tân An, xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn, chạy thận hơn một năm, ban đầu lượm chai, lon cho người khác, sau bắt chước bà Bé đi lượm rác hằng đêm. Chai lọ nhặt về, tập trung lại một chỗ, cứ 2 - 3 ngày lại có người bên ngoài vào mua.

 

Hành lang dẫn vào khoa Truyền nhiễm là nơi ở của một số bệnh nhân chạy thận nghèo.

 

2.

Bà Bé năm nay vừa tròn 70 tuổi, quê ở thôn Lương Thọ 2, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn. Bà phát bệnh thận từ năm 2001, nhưng không mua được bảo hiểm y tế nên không dám chữa bệnh. 4 năm sau, nhờ người cháu rể mua giúp cho bà thẻ bảo hiểm y tế, bà bắt đầu ngược xuôi chạy chữa. Nhưng lúc này, bác sĩ bảo, 2 quả thận của bà đã teo hết. Từ năm 2005, bà bắt đầu chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ban đầu, người con gái còn ở chăm sóc, sau bà đỡ hơn, tự lo cho mình được, nên bà bảo con về lo đồng áng. Bà có 3 người con, tất cả đều sống nhờ ruộng đồng. Vì mải lo chạy chữa cho bà mà gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, người con trai út năm nay đã 34 tuổi vẫn chưa lấy vợ.

Chi phí cho mỗi lần chạy thận là 1 triệu đồng. Tuần đầu tiên do thẻ bảo hiểm y tế chưa đến ngày sử dụng, bà nộp 3 triệu đồng mà tiếc đứt cả ruột. Hết tuần đầu tiên, bà phải trả 200 ngàn đồng cho mỗi lần chạy thận. Giờ bà đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo diện hộ nghèo, được chạy thận miễn phí. “Nghe nói sang năm, có Luật Bảo hiểm y tế mới, bà phải trả 50 ngàn đồng đấy!”- bà lo lắng.

Suốt 4 năm qua, bà Bé ở tại một góc hành lang của khoa Nội C. Trước, bà trải chiếu ngủ trên nền xi măng, rồi có một người nhà bệnh nhân tốt bụng cho bà cái giường xếp gãy, bà nhờ người sửa giúp, trải lên chiếc chiếu thành chỗ ngả lưng hằng đêm. Bà biết mình ở vầy rất khó coi, nhưng giờ chẳng biết ở đâu nữa. Bảo vệ Bệnh viện cũng đôi lần nhắc nhở, không cho ở, nhưng bà năn nỉ miết rồi họ cũng cho qua.

Ở tạm bợ, nên chuyện ăn uống của những bệnh nhân nghèo cũng đơn sơ. Sáng sớm, bà Tuất ra chợ khu 2 mua đồ ăn về nấu, cả ngày chưa tới chục ngàn đồng. Mỗi bữa cơm của bà Bé cũng không quá 5 ngàn đồng…  

 

Một mình lặng lẽ giữa đêm khuya...

 

3.

Thời gian gần đây, nạn trộm cắp trong Bệnh viện xảy ra khá thường xuyên. Có kẻ trộm ăn vận rất lịch sự, giả dạng người nhà thăm bệnh để hành nghề. Và, cũng có những người nhặt rác kiêm “đạo chích”. Song, đó là những người ở bên ngoài vào, chứ bệnh nhân ốm yếu, chậm chạp, lại không có “khiếu hai ngón”, làm sao hành nghề được. Vả lại, như bà Bé tâm sự, cuộc sống của những người như bà được bao bọc bởi tình thương, nên phải cố sống cho thật nhân hậu. Bà kể, tháng nào cũng vậy, đến ngày nhận lương, các cô điều dưỡng, y tá lại cho bà mấy chục ngàn đồng. Suất cơm của những bệnh nhân ra viện còn dư, các cô hộ lý mang lên cho bà. Bà khoe mới được ghi vào danh sách bệnh nhân nghèo, sắp tới sẽ được nhận cơm từ thiện…

Bà lẩm nhẩm từng cái tên: ông Sỹ, bà Hiệp, bà Ngôn, bà Hạng… những người đồng hương Hoài Nhơn cùng chạy thận với bà, được về nhà nghỉ ngơi sau mỗi lần chạy thận. Bà thì không… Bà bảo, do bà bị say xe, cứ leo lên ô tô là nôn thắt ruột. Mà cái chính là bà không đủ tiền để về… Có con cháu, có nhà cửa mà phải sống vạ vật như thế này. Chợt, khóe mắt bà ươn ướt. Bà nhớ đến những ngày tháng Tư, gió chướng thốc tháo thổi. Gió đi cùng mưa tạt ngang, bà phải dời giường xếp vào một góc khuất để tránh cái lạnh tràn về…

Cho nên, mong ước của bà, của những bệnh nhân nghèo là được Bệnh viện thu xếp cho một căn phòng nào đó, có tối tăm, chật chội cũng được, nhưng giá thuê thì re rẻ thôi, để sau mỗi đợt chạy thận có một chốn nghỉ ngơi…

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gặp mặt nhân 65 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam  (20/12/2009)
Khám bệnh cho người nghèo, cứu trợ đồng bào vùng lũ  (19/12/2009)
Tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng  (19/12/2009)
Bàn giao ngư dân Philippines gặp nạn trên biển  (19/12/2009)
Gặp mặt nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam  (18/12/2009)
Phân bổ gạo và trao quà cứu trợ cho đồng bào bị thiệt hại do bão lũ  (18/12/2009)
39.352 hộ dân có khả năng thiếu đói trong dịp Tết Canh Dần  (18/12/2009)
Cuộc Tổng điều tra dân số ngày 1.4.2009 đã thành công tốt đẹp  (18/12/2009)
Tưởng niệm lần thứ 701 ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn   (17/12/2009)
Vì sao vẫn còn chậm?  (16/12/2009)
Quy tập 69 mộ liệt sĩ vào các nghĩa trang  (16/12/2009)
Hỗ trợ xây dựng 4 nhà tình nghĩa  (16/12/2009)
Tặng quà cho đồng bào và học sinh vùng lũ  (16/12/2009)
Làng nghề bên kia sông Côn  (16/12/2009)
Phối hợp quản lý nhà nước trên địa bàn KKT Nhơn Hội  (15/12/2009)