Là những phụ nữ có thể “hét ra lửa”, luôn nghiêm - nghỉ chỉnh tề với những điều lệnh, điều lệ Quân đội? Hay là những phụ nữ dịu dàng, mềm mại, luôn cần sự che chở của phái mạnh, như người ta vẫn thường hình dung về giới này? Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22.12), hãy thử khám phá “bí mật” của các cô gái trong bộ quân phục màu xanh...
|
Đại úy Lê Thị Mỹ Liên (thứ hai từ trái sang) sinh hoạt tập thể tại Hội trại kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh: N.S
|
* Con gái vào bộ đội
Với Đinh H’Linh, thiếu úy, nhân viên Đội tuyên truyền văn hóa, Bộ đội Biên phòng tỉnh, có lẽ 2 tháng thao trường của đời lính sẽ chẳng bao giờ phai mờ trong tâm trí chị. Ngày ấy, cách đây gần 7 năm, sau khi nhập ngũ, H’Linh được đưa vào Tiền Giang huấn luyện. “Những ngày đầu, ai nấy đều khóc như mưa và bỏ cơm vì nhớ nhà, vì là con gái mà! Nhưng đến khi bắt đầu tập luyện thì ăn đến... không còn gì cả. Dần dần, các nữ chiến sĩ cũng quen với những mệt nhọc, khổ cực của chương trình tập luyện. Cũng có lần, sau khi có lệnh báo động, chúng tôi vừa hành quân trở về, mới thay quần áo, mắc màn chuẩn bị đi ngủ thì tiếp tục có lệnh báo động. Sau đó, chúng tôi được biết đó chỉ là báo động giả, vì cấp trên muốn rèn luyện tác phong nhanh nhẹn cho nữ chiến sĩ - vốn thường có tính lề mề” - H’Linh cười, nhớ lại. H’Linh bảo, dù đã chuẩn bị tinh thần để nhập ngũ nhưng chị vẫn không thể nào hình dung được làm lính thì khổ thế, vì cứ tưởng sẽ được tập ca hát, chứ nào ngờ cũng phải tập lăn, lê, bò, toài như bao chiến sĩ mới khác.
Khác với H’Linh, chị Lê Thị Mỹ Liên, đại úy, nhân viên Nhà truyền thống lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh, từ nhỏ đã hiểu rõ về đời binh nghiệp qua lời kể của cha mẹ - cũng là những người lính - và rất thích hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ. Chính vì thế, 18 tuổi, chị xung phong nhập ngũ, dù cha mẹ ngại ngần vì sợ con gái khổ. Trải qua 13 năm trong quân ngũ, chị đúc kết: “Cuộc sống và kỷ luật Quân đội đã giúp tôi lớn hơn, trưởng thành hơn”.
Hiện nay, ngoài công việc thuyết minh tại Nhà truyền thống LLVT tỉnh, chị Liên còn kiêm nhân viên Thư viện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, ủy viên BCH Hội phụ nữ cơ quan LLVT tỉnh. Không những thế, chị còn tham gia vào đội tuyên truyền xung kích LLVT tỉnh và hiện đang theo học đại học Quản lý văn hóa (hệ tại chức) tại Quảng Trị. Hỏi chị, nhiều vai, nhiều việc thế thì làm sao hoàn thành hết, chị đáp: “Mình phải biết bố trí thời gian hợp lý cho từng việc”.
* Hãnh diện là người lính
Tiếp xúc với các nữ quân nhân, nhận xét đầu tiên của tôi là làm việc với họ rất... sướng. Trả lời phỏng vấn, các chị đi thẳng vào trọng tâm câu hỏi và nói rõ ràng, khúc chiết, ý nào ra ý nấy. Các chị cũng không hề ngại ngần, giữ ý khi chia sẻ những suy nghĩ, tâm tư về công việc, gia đình, con cái.
Vậy, có lẽ nhiều người sẽ muốn biết, các nữ quân nhân làm thế nào để cân bằng giữa gia đình và công việc - vốn mang tính đặc thù với “quân lệnh như sơn”. So với đồng đội nam, các nữ quân nhân được ưu tiên, ưu ái hơn, như không phải trực gác. Tuy nhiên, đã là công việc, nhiệm vụ thì, nói như chị Trần Thị Nhạn, thượng úy, nhân viên văn thư Huyện đội Hoài Ân: đã xác định tư tưởng là vào quân ngũ thì không ngại khó, và đã là người lính thì nhận nhiệm vụ, phải hoàn thành! Còn chị Mỹ Liên lại kể chuyện nhà mình: “Mỗi khi gặp khó khăn, tôi lại tự động viên mình: nếu vượt qua được thử thách, mới thấy cuộc sống có ý nghĩa. Có những lúc ông xã đi công tác, con ốm, tôi nghĩ lúc này mình phải là trụ cột của gia đình. Nghĩ thế, tôi thấy mình vững chãi hơn. Bình thường, tôi luôn tranh thủ dành nhiều thời gian chăm sóc, lo lắng cho gia đình, để khi mình vắng nhà dài ngày thì cũng đỡ áy náy”.
Rồi cũng có người thắc mắc, có khi nào những điều lệ, điều lệnh Quân đội sẽ làm các nữ quân nhân bị “khô cứng”, mất đi sự dịu dàng vốn có của người phụ nữ không? Hỏi chị Trần Thị Nhạn, chị chỉ cười. Dù đã 42 tuổi nhưng khi đến với Hội trại chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức, chị đã tham gia tất cả các hoạt động của Hội trại. Chị thi đá bóng 3 chân, chèo thuyền trên cát, rồi thi đôi nhảy đẹp, thi nét đẹp quân nhân... Dù chị tự nhận, mình chỉ tham gia với tinh thần là chính, nhưng nếu không trẻ trung, không duyên dáng, không mềm mại thì làm sao chị thi được! Với Mỹ Liên, chị ngẫm nghĩ giây lát rồi nhoẻn miệng: “Có cứng, nhưng vẫn mềm mại trong phạm vi kỷ luật Quân đội”.
Còn Đinh H’Linh thì cười rất tươi rằng: “Nếu có cứng thì đó chỉ là trong tác phong, đi đứng, còn bản chất mình vẫn phải là người phụ nữ dịu dàng. Phải biết điều hòa chứ, nếu không thì ai mà dám lấy vợ bộ đội! Đi đâu, tôi cũng hãnh diện mình là một người lính!”.
Chao ôi là những người - mẹ - lính, người - vợ - lính. Họ mới đáng yêu làm sao!
|