THIẾU TÁ TRẦN QUỐC TOẢN, TRƯỜNG QUÂN SỰ QUÂN KHU V:
“Trang bị cho học viên cái họ cần chứ không phải cái mình có”
9:26', 22/12/ 2009 (GMT+7)

Trong một lần say chuyện, Thiếu tá Trần Quốc Toản (Khoa Binh chủng, Trường Quân sự Quân khu 5) đã tâm tình đại để rằng, anh đến với nghề mình đang đeo đuổi cứ như một định mệnh. Ngay từ thuở cắp sách đến trường, cha anh - một lão thành cách mạng đã tham gia 2 cuộc kháng chiến - luôn kỳ vọng cậu con út học hành sáng láng mai này làm nghề “gõ đầu trẻ”. Song Toản lại nghĩ khác: “Tính mình ưa tếu táo, thích các môn thể thao, ăn nói lại ào ào, sao làm được nghề giáo?”.

 

Thầy giáo Trần Quốc Toản (người ngồi) huấn luyện bài khẩu đội chiếm lĩnh trận địa cho lớp khẩu đội trưởng cối 100 đợt 2 khóa 56. Ảnh: Đỗ Thị Ngọc Diệp

 

Hết THPT, anh ghi tên dự thi Trường Đại học TDTT TP Hồ Chí Minh. Mới nhập học hơn 2 tháng, cha đau nặng qua đời, hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh đành gác mộng đèn sách đi làm kiếm sống, rồi viết đơn tình nguyện phục vụ quân đội lâu dài.

Tháng 9.1992, nhập ngũ tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định, năm sau, anh được cử đi học lớp tạo nguồn đào tạo trung đội trưởng ngắn hạn, rồi lớp chuyển loại hỏa khí đi cùng tại Trường Quân sự Quân khu. Tốt nghiệp loại giỏi, anh được giữ lại làm giáo viên Khoa Binh chủng.

Soạn xong giáo án, giảng tiết học đầu tiên, anh mới thấy sao mà khó. Cái gì cũng phải tập, từ cách đi đứng, viết chữ lên bảng, xóa bảng, lúc nào nói nhanh, lúc nào nói chậm, dừng lại phân tích, quan sát, giao lưu với học viên....Tiết dạy thật đầu tiên không có học viên ngủ gật, ngó lơ đãng ra ngoài hay thì thào chuyện riêng. Kiểm tra sơ bộ những nội dung chính, cả lớp đều nắm được. Thế là “đầu” kể như đã “xuôi”.

Tuy nhiên, để bền lòng gắn bó với nghề, Trần Quốc Toản còn trải qua vô vàn các cuộc “vượt vũ môn”. Làm giáo viên Khoa Binh chủng, thời gian lý thuyết và thực hành là 50/50. Giảng trên thực địa không có tường cách âm, lúc nào cũng phải mở hết “vô-lum” thanh quản để bạt tiếng gió, đồng thời, kết hợp nhịp nhàng miệng nói, tay thao tác. Lâu dần, nói to trở thành bệnh nghề nghiệp, nên anh kể, đôi khi “có chuyện cần nói nhỏ, lại quên, nói oang oang”. Song nhờ tố chất thể thao nên anh luôn giữ vững phong độ, dù trung bình mỗi năm phải đảm nhận trên 1.200 tiết, vượt khung hơn 3 lần so với quy định của Bộ Quốc phòng.

Để trang bị cho học viên “cái họ cần chứ không phải cái mình có”, gần 16 năm qua, thầy giáo Trần Quốc Toản không ngừng phấn đấu rèn luyện tính mô phạm cả trong công tác và cuộc sống; nâng dần trình độ tin học để vi tính hóa giáo án, làm các tranh vẽ, bảng kẻ đúng quy chuẩn, cập nhật các thông tin mới trên mạng vào bài giảng; đi học lớp hoàn thiện đại học tại Trường Sĩ quan Lục quân 2... Tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp trường các năm 2004, 2007, 2008, cấp toàn quân năm 2007, anh đều đoạt giải cao.

Anh tâm sự: “Mỗi nghề đều có nỗi buồn vui, sướng khổ riêng. Nghề giáo, suy cho cùng, cũng như người lái đò. Bao thế hệ học viên đi qua, các em còn nhớ về thầy cô, về mái trường này là vui rồi. Các em phát huy tốt những vốn liếng mình trang bị để ngày một vững vàng hơn trên con đường binh nghiệp, thì mình lại hạnh phúc bội phần”.

Thiết nghĩ, niềm vui ấy đâu phải định mệnh đem đến cho thầy giáo Trần Quốc Toản, Chiến sĩ thi đua 3 năm liên tục 2007-2009 của Trường Quân sự Quân khu 5.

  • Đỗ Thị Ngọc Diệp
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mùa huấn luyện của lính trinh sát  (22/12/2009)
Điểm sáng công tác quốc phòng toàn dân  (22/12/2009)
Tăng cường công tác giáo dục quốc phòng - an ninh trong giai đoạn mới  (22/12/2009)
Kỷ niệm trọng thể 65 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 20 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân  (22/12/2009)
Lọt vào top 12 “Bệnh viện thân thiện”  (21/12/2009)
Phát huy tiềm lực quốc phòng  (21/12/2009)
Tiếp tục hỗ trợ đồng bào vùng lũ  (21/12/2009)
Phổ biến các hướng dẫn phục vụ đại hội đảng các cấp  (21/12/2009)
Hỗ trợ 3 trẻ em nghèo mổ tim  (20/12/2009)
Tài trợ 750 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa và nhà công vụ  (20/12/2009)
Giúp đồng bào bị thiệt hại do bão lũ  (20/12/2009)
Nữ quân nhân - em là ai?  (20/12/2009)
Người nhặt rác ở bệnh viện  (20/12/2009)
Gặp mặt nhân 65 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam  (20/12/2009)
Khám bệnh cho người nghèo, cứu trợ đồng bào vùng lũ  (19/12/2009)