Chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân, nhiều năm qua, người Công giáo Bình Định đã thật sự hòa mình vào cuộc sống với cộng đồng dân tộc. Họ chủ động tham gia nhiệt tình các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương và nhờ thế, đời sống đã được cải thiện đáng kể.
|
Cơ sở thuê tay xuất khẩu của Dòng Mến Thánh giá Quy Nhơn đã tạo việc làm cho hàng trăm nữ lao động. Ảnh: Văn Lưu
|
Rất nhiều chương trình cộng đồng do Đảng và Nhà nước khởi xướng đã đi sâu vào đời sống của người Công giáo. Trong đó, chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được các linh mục, nữ tu và giáo dân hết sức quan tâm.
“Đoàn kết tương trợ, giúp vốn sản xuất” là mô hình được các nữ tu Dòng Phan sinh thừa sai Đức Mẹ ở Giáo xứ Quy Hòa thực hiện khá hiệu quả. 5 năm qua, Giáo xứ này đã huy động 170 triệu đồng, giúp cho 70 hộ nghèo có vốn buôn bán nhỏ, mua sắm lưới đánh bắt cá, chăn nuôi và trồng trọt, góp phần ổn định cuộc sống. Ở Giáo xứ Kiên Ngãi (Tây Sơn) có giáo dân Lê Thị Nhàn, chủ cơ sở sản xuất bún Thanh Nhàn tại Khu công nghiệp Phú An (Tây Sơn) tạo việc làm thường xuyên cho 80 lao động có thu nhập bình quân 800 ngàn đồng/người/tháng… Các nữ tu ở Dòng Thánh Phao lô Quy Nhơn thì tổ chức 5 khóa dạy may miễn phí cho 100 nữ thanh niên; còn cơ sở thêu tay xuất khẩu do nữ tu Nguyễn Thị Lan, Dòng Mến Thánh giá Quy Nhơn phụ trách, thì lo việc dạy nghề và tạo việc làm cho 150 nữ thanh niên với thu nhập bình quân 800 ngàn đồng/người/tháng…
Hưởng ứng lời mời gọi “Đặc biệt quan tâm đến người nghèo” của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong thư Mục vụ 1198 và Cuộc vận động Ngày vì người nghèo do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, những năm qua, Ủy ban Bác ái của Giáo phận, nữ tu, bà con giáo dân đã tích cực đóng góp với số tiền hơn 1 tỉ đồng và 10 tấn gạo để cứu trợ cho các vùng bị thiên tai bão lũ; thăm các cụ già neo đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi cơ nhỡ; giúp xây dựng được 32 căn nhà tình thương với số tiền 485 triệu đồng.
Phong trào phát triển sản xuất, cải thiện đời sống cũng được các giáo dân hưởng ứng mạnh mẽ từ nông thôn đến thành thị. Ở nông thôn, ngoài cây lúa, bà con giáo dân đã cải tạo vườn tạp, đẩy mạnh trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy, hải sản và tham gia lao động trong các khu công nghiệp. Nhờ vậy, theo Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh, hiện nay có hơn 95% hộ gia đình giáo dân ở nông thôn có nhà xây lợp ngói; được sử dụng điện, nước sạch trong sinh hoạt; có phương tiện nghe nhìn, xe máy đi lại… Nhiều gia đình giáo dân trước đây nghèo khổ đã vươn lên cuộc sống no ấm. Chẳng hạn, gia đình ông Nguyễn Đình Giang (ở Giáo xứ Gò Thị, Tuy Phước) nuôi bò, sắm máy cày, sắm cộ trâu và làm ruộng mỗi năm cho thu nhập 65 triệu đồng; hay như ông Bùi Xuân Dương (họ đạo Đập Đá thuộc Giáo xứ Kim Châu, An Nhơn), đã đầu tư gần 1 tỉ đồng phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi heo, bò sữa… mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Ông Dương cũng vinh dự được nhận nhiều Bằng khen của UBND tỉnh và của Thủ tướng Chính phủ.
Trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, các giáo xứ, họ đạo đều thực hiện khá tốt việc giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Các vụ tranh chấp, mâu thuẫn nội bộ đều được giải quyết tốt bằng việc hòa giải tại chỗ. Mô hình Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội được tổ chức làm thí điểm tại Hòa Cư thành công đang được nhân rộng đến các giáo xứ, họ đạo trong tỉnh. Nhiều cá nhân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát huy, như ông Nguyễn Thượng (Giáo xứ Quy Hiệp, Quy Nhơn) được vinh dự tham dự Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch về đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới và được Bôï Công an tặng Bằng khen…
Nhìn chung, trong nhiều phong trào của tỉnh, sự đóng góp của người Công giáo rất đáng kể. Hy vọng, phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo Bình Định trong những năm đến còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng văn minh, giàu đẹp.
|