Để người tàn tật được hòa nhập với cộng đồng
9:59', 23/12/ 2009 (GMT+7)

Thực hiện Đề án Trợ giúp người tàn tật tỉnh Bình Định giai đoạn 2007-2010, Sở LĐ-TB-XH đã phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan tổ chức nhiều hoạt động giúp cho người tàn tật nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng, có điều kiện vươn lên hòa nhập cuộc sống. Song, những điều thiết yếu nhất để người tàn tật không mặc cảm, được hòa mình cùng cộng đồng, như: đi chơi, vào siêu thị, đến nhà sách… vẫn còn là nỗi lo thường nhật đối với họ.

 

Người khuyết tật luôn mong ước được hòa nhập cộng đồng.

 

* Nỗi lo và mơ ước

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, các khu đô thị trong tỉnh, các điểm vui chơi cho trẻ em còn ít, các công trình có phần thiết kế hỗ trợ trẻ em khuyết tật sử dụng lại càng hiếm. Đó là chưa nói đến việc phải xây dựng sao cho phù hợp với các dạng khuyết tật.

Phụ huynh của em Nguyễn Hồng Thảo, trẻ liệt chân (đường Bạch Đằng, TP. Quy Nhơn) nói: “Thỉnh thoảng tôi có dẫn cháu đi chơi, nhưng nó chỉ ngồi trên xe lăn và nhìn các bạn thôi chứ không thể tham gia được. Những lúc như vậy, mình cũng không muốn đem con đi nữa, nhìn tội lắm”. Tại những điểm vui chơi, siêu thị, nhà sách, nhà văn hóa…. hầu như không có lối đi riêng cho người khuyết tật. Bé Thảo (12 tuổi) nói: “Nhiều bữa cháu cũng muốn tự đi chơi nhưng lại sợ những vật cản như cầu thang, lối đi nên … thôi!”.

Không muốn lệ thuộc người khác, nên phần lớn các em tự chọn thái độ sống khép kín. Cháu Trung Hiếu, 15 tuổi, con một giáo viên ở phường Thị Nại, TP Quy Nhơn nói một cách an phận: “Bị khuyết tật như cháu, ở nhà là tốt nhất, ba mẹ đỡ phải lo”.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH, năm 2009, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã thực hiện được một số chỉ tiêu chăm sóc trẻ em khuyết tật, như: Khám phân loại bệnh tật cho 345 em, 60 em được phẫu thuật chỉnh hình, 32 em được làm dụng cụ giày nẹp; 70 em được phẫu thuật tim bẩm sinh, 132 em được phẫu thuật trả lại nụ cười, sẹo bỏng co rút, thừa ngón, dính ngón; 340 em được phục hồi chức năng và 2.000 em khác được thăm hỏi, tặng quà.

Chị Hoàng Thị Thanh Trang, người khuyết tật ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, tâm sự: “Bản thân người khuyết tật không bao giờ muốn nhờ vả ai cả. Họ thích tự làm để khỏi phiền hà và chứng minh rằng mình hoàn toàn tự lo được cho bản thân”. Với Minh Hoàng, một thanh niên khuyết tật ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn thì đi nhà sách cũng là vấn đề không đơn giản. Đam mê tin học, Hoàng rất “khát” sách chuyên ngành, thế nhưng thay vì đi tới nhà sách với nhiều bất tiện, Hoàng chọn giải pháp ngồi nhà tìm tài liệu trên mạng Internet. Hoàng tâm sự: “Muốn đi đâu đó, đầu tiên phải xem người thân quanh mình có ai rảnh để đi cùng không. Rồi những cuốn sách nằm ngất ngưởng trên kệ, mình đâu với tay tới được. Lối đi giữa hai kệ sách cũng quá chật hẹp, mình chống nạng hay lăn xe đều không thoải mái”.

* Quy định đã có sao chưa khởi động?

 Pháp lệnh về người tàn tật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.11.1998, đến nay đã hơn 10 năm nhưng vẫn còn một số cơ quan, ban ngành chưa thật sự quan tâm đến người khuyết tật. Một số quy định trong Pháp lệnh về Người khuyết tật như về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, về tỷ lệ lao động là người tàn tật mà các cơ quan, doanh nghiệp phải tiếp nhận vào làm việc chưa được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp quan tâm đầy đủ. Các công trình văn hóa công cộng, các hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao dành riêng cho người khuyết tật còn hạn chế, chưa đáp ứng được các điều kiện để người khuyết tật tham gia. Đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật nặng còn nhiều khó khăn; mức trợ cấp xã hội còn thấp so với nhu cầu của người khuyết tật.

Nguyện vọng chính đáng của người khuyết tật là cần được các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội quan tâm hơn nữa để họ thật sự tìm được niềm vui, an ủi vượt qua bất hạnh hòa mình với cộng đồng.

  • Hồng Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một tàu cá và 10 ngư dân gặp nạn trên biển  (23/12/2009)
Giáng sinh an lành  (23/12/2009)
Người Công giáo sống “tốt đời đẹp đạo”  (23/12/2009)
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chúc mừng các cơ sở tôn giáo nhân Lễ Giáng sinh 2009  (23/12/2009)
Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng các lực lượng vũ trang  (23/12/2009)
Quy định mức phí giữ xe tại Trường ĐH Quy Nhơn  (22/12/2009)
Tặng quà đồng bào miền núi  (22/12/2009)
Năm 2010, phấn đấu tăng GDP trên 14%  (22/12/2009)
Sẽ chia sẻ chi phí hoạt động của Làng trẻ em SOS Quy Nhơn  (22/12/2009)
Nhiều hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam  (22/12/2009)
“Trang bị cho học viên cái họ cần chứ không phải cái mình có”  (22/12/2009)
Mùa huấn luyện của lính trinh sát  (22/12/2009)
Điểm sáng công tác quốc phòng toàn dân  (22/12/2009)
Tăng cường công tác giáo dục quốc phòng - an ninh trong giai đoạn mới  (22/12/2009)
Kỷ niệm trọng thể 65 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 20 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân  (22/12/2009)