Hôm qua (23.12), Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Sở Y tế tổ chức hội thảo chuyên đề “Tác hại của lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe con người và an toàn giao thông”. Ngoài việc chỉ rõ tác hại của loại đồ uống này, hội thảo còn đặt ra vấn đề phải có quy chế phối hợp và xử lý nghiêm các vi phạm trong việc quản lý, sử dụng rượu, bia.
* “Bào mòn” sức khỏe, tăng gánh nặng cho xã hội
Bác sĩ Hồ Việt Mỹ, Phó giám đốc Sở Y tế, mở đầu hội thảo bằng những con số ấn tượng: tỉ lệ lạm dụng rượu, bia trong người dân là 18% và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Đặc biệt, một cuộc điều tra ở nhóm tuổi vị thành niên cho thấy, có 69% nam và 28% nữ đã từng uống rượu, bia.
|
Sử dụng nhiều rượu, bia làm tăng gánh nặng và chi phí tốn kém cho gia đình và xã hội. Ảnh: T.H |
Tình trạng lạm dụng rượu, bia trong cộng đồng ngày càng tăng, dẫn đến hệ lụy “bào mòn” sức khỏe, tai nạn giao thông, tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội. Ông Phan Văn Hớn, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông- Giáo dục sức khỏe tỉnh, phân tích những tác hại của rượu bia trên góc độ của ngành y tế: đối với cơ thể, cồn được xem là chất độc; thức uống chứa cồn được xem là thứ gây nghiện và là tác nhân gây nên 75% các vụ tội phạm; 70% người nghiện rượu sẽ phải gánh chịu những ảnh hưởng về thể chất do rượu gây ra, như: suy nhược thần kinh, các bệnh tim mạch, béo phì, sa sút trí tuệ…
Các đại biểu tham gia hội thảo đều thừa nhận, rượu bia là một thú vui ẩm thực của người Việt Nam. Nhưng từ một thú vui ẩm thực đến lạm dụng là một khoảng cách rất mong manh. Người lạm dụng rượu, bia sẽ dẫn đến năng suất lao động kém, dễ sơ suất, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm; sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của 60% số vụ bạo lực gia đình, tai nạn giao thông và tệ nạn xã hội.
Tác hại dễ thấy nhất của rượu, bia là các vụ tai nạn giao thông. Kết quả điều tra tình hình bệnh nhân bị tai nạn giao thông đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn (Hoài Nhơn), cho thấy: số người bị tai nạn giao thông có uống rượu bia bị đa chấn thương, sọ não, vùng đầu mặt cổ chiếm 33,73% trong tổng số ca nhập viện.
Sau khi đưa ra một vài thông số về tình hình bệnh nhân bị tai nạn giao thông nhập viện do có sử dụng rượu bia, bác sĩ Nguyễn Đồng, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh, nhấn mạnh: 50% trong số bệnh nhân nói trên khi ra viện sẽ là một gánh nặng rất lớn cho xã hội. Không những thế, nhóm đối tượng này còn “góp phần” gây nên tình trạng quá tải cho bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Đồng khẳng định: “Có những trường hợp nằm viện 3-4 tháng trời do chấn thương sọ não, nhiều chấn thương nặng, nên hầu như hiệu quả điều trị không cao, hoặc nếu có cũng để lại nhiều di chứng. Đó là chưa kể, nhóm tuổi hay gặp là 16-30, lại là nguồn lao động chính”.
Cơ quan Công an tỉnh cũng cho biết, tình hình tai nạn giao thông có liên quan đến bia rượu là một vấn đề nhức nhối của toàn cầu chứ không riêng gì với Việt Nam. Riêng tại Bình Định, năm 2009 toàn tỉnh có 16/244 vụ tai nạn; 145/1.495 vụ va chạm giao thông có liên quan đến bia, rượu.
* Cấm không được, quản cũng không xong
Ông Mạc Văn Cuộc, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, làm một cuộc so sánh khá vui vẻ: “Bây giờ, nói về nguyên nhân để người ta uống rượu, bia thì có rất nhiều: chuyện vui uống đã đành, đằng này, đến cả chuyện buồn cũng lại uống. Đâu chỉ có nông dân mới uống, đến cán bộ - công chức cũng vậy thôi. Chỉ ngay tại hội thảo này, tôi đoan chắc có trên 90% số đại biểu tham dự có uống rượu, bia và có khoảng trên 50% uống rượu, bia có điều khiển phương tiện giao thông”.
Ông Phan Văn Hớn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh, cho biết: năng lượng rượu bia gấp 7 lần so với cùng một lượng tinh bột, lại là năng lượng trực tiếp, chứ không qua chuyển hóa nên biểu hiện dễ thấy nhất là tình trạng “bụng phệ” ở những người uống nhiều. Nghiện rượu, bia kinh niên là nguyên nhân hàng đầu gây ra tổn thương não, dẫn đến giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ. Đáng nói hơn, hiện nay, quy trình nấu rượu ở nước ta nói chung và Bình Định nói riêng vẫn thiên về thủ công, nên không thể loại trừ được aldehyd - chất độc trong rượu. Các loại bia hơi được sản xuất thủ công cũng chứa độc tố như rượu, thậm chí có cả… dioxin. Trong khi đó, gan là nhà máy “hóa chất”, cơ quan khử độc của cơ thể. Vì thế, khi uống bia, rượu kéo dài, gan làm việc quá sức sẽ bị nhiễm độc, làm cho tế bào gan bị tổn thương. các trường hợp mắc bệnh viêm gan siêu vi B và C, nếu sử dụng rượu bia sẽ làm thúc đẩy nhanh hơn quá trình xơ hóa gan. Không những thế, rượu bia còn có tác hại đối với thai nhi, ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục. |
đại diện của ngành Công an cũng đưa ra những khó khăn trong việc xử lý người sử dụng rượu, bia mà vẫn tham gia điều khiển phương tiện giao thông. Ông Mạc Văn Cuộc cho biết: “Hiện nay, máy móc, trang bị để hỗ trợ xác định lái xe có dùng rượu bia hay không đã cũ kỹ, lạc hậu. Nhiều đối tượng say “bí tỉ”, không kiểm soát được hành vi, nên rất khó xử lý. Hơn nữa, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành công an và y tế trong việc giám định nồng độ cồn trong máu một khi nạn nhân được đưa vào cơ sở y tế”.
Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách phòng, chống tác hại lạm dụng rượu, bia song vẫn đang tồn tại nhiều khoảng trống. Cụ thể, hiệu lực thực thi của các chính sách tác động đến sản xuất và kinh doanh rượu, bia rất thấp. Việt Nam chưa có quy định phù hợp trong việc đưa hình ảnh sử dụng rượu, bia trên các phương tiện truyền thông.
Do đó, các đại biểu tham gia hội thảo đều nhất trí cho rằng đã đến lúc phải có quy chế sử dụng rượu, bia. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành tại địa phương cần phải được tăng cường. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm…
|