Không thể dối lòng mình rằng những ngày cuối năm Mậu Tý thiên tai lũ lụt khiến đời sống nhân dân Bình Định gặp nhiều khó khăn, biến động tiêu cực của kinh tế thế giới đã mau chóng tác động đến nền kinh tế tỉnh ta. Thế nhưng, tất cả không ngăn được làn nắng mới của mùa xuân Kỷ Sửu tràn về. Trên từng chặng đường ghi nhận mà chúng tôi đi qua, mùa xuân đã gieo ấm áp, tin yêu và hy vọng trong trái tim mỗi người…
|
Hội thi múa lân truyền thống TP Quy Nhơn. Ảnh: Hoài Thu |
Chưa bao giờ Quy Nhơn tổ chức nhiều hoạt động mừng xuân như năm nay. Đó là nhận xét không chỉ của những người xa quê trở về đón Tết, mà còn là của nhiều người đã quen với việc đón xuân ở thành phố biển hiền hòa này. 22 giờ đêm 30 tháng Chạp năm Mậu Tý, Chương trình Dạ hội giao thừa đón Tết Kỷ Sửu chính thức bắt đầu tại Quảng trường trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn. Phần khai hội diễn ra với không khí sôi động của “Hội lân mừng xuân” do Câu lạc bộ lân Kỳ Hoàn biểu diễn. Tiếng trống khai xuân của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện đã được tiếp nối vang vọng bởi những âm thanh hào hùng của dàn trống chầu, do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định biểu diễn. Tiếp đó là phần hội với chương trình nghệ thuật “Giai điệu mùa xuân” gồm hai phần chính: “Sắc xuân trên quê hương Bình Định”, “Khát vọng ngày xuân”. Đặc biệt, khép lại chương trình là tiết mục hoành tráng “Hương sắc quê mình” với số lượng ca sĩ, diễn viên tham gia lên đến hơn 200 người. Đúng 23 giờ 30 phút, khi chương trình Dạ hội giao thừa vừa kết thúc, pháo hoa đã được bắn lên rực rỡ trên bầu trời Quy Nhơn, chào đón xuân Kỷ Sửu đang về. Lẫn trong sắc màu rực rỡ của pháo hoa, là ánh lửa của những chiếc đèn trời được người dân thả lên, mang theo những ước nguyện và lời cầu chúc trước thềm năm mới…
Có mặt tại khách sạn Hải Âu, anh George Adams (quốc tịch Anh) hồ hởi khoe: “Tôi cùng vợ đến Việt Nam trong tour du lịch cuối năm. Đây là năm đầu tiên chúng tôi đón Tết của người Việt. Không khí ở đây thật tuyệt vời. Hy vọng tôi sẽ được đến Quy Nhơn nhiều hơn nữa để được ăn bánh tét củ kiệu, uống rượu Bàu Đá và tham quan các điểm du lịch xinh đẹp”. Nhiều người nước ngoài đến làm việc tại Bình Định và khách du lịch ghé qua Quy Nhơn trong dịp Tết đã cùng vui đón giao thừa.
Thời khắc giao thừa vừa trôi qua, đông đảo người dân đã đổ ra đường xuất hành đầu năm. Các ngôi chùa lớn trong thành phố như chùa Long Khánh, Lộc Uyển, Tâm Ấn Tự… đông nghẹt khách đi lễ chùa. Tại các công trình mới khánh thành trong dịp Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 như hoa viên Quang Trung, hồ phun nước nghệ thuật có rất đông người dân đến ngồi chơi và chụp hình lưu niệm đầu năm mới. Năm nay con đường Xuân Diệu mới mở nằm trải dài theo bờ cát biển, đã trở thành nơi đi dạo lý tưởng. Còn gì sảng khoái hơn khi những giờ phút đầu năm mới được đi trong ánh đèn lung linh, trong tiếng sóng vỗ rì rào, đón ngọn gió xuân trong lành mát lạnh… Để phục vụ khách đi chơi đầu năm, rất nhiều quán ăn, quán cà phê ở Quy Nhơn đã mở cửa đón khách cho đến tận sáng.
Sáng mùng một Tết Kỷ Sửu, tại Nhà Thiếu nhi Quy Nhơn khai mạc “Hội chợ vui xuân” thu hút đông đảo các em với nhiều trò chơi dân gian. Tại Quảng trường Tượng đài Chiến thắng Quy Nhơn diễn ra chương trình đồng diễn thể dục dưỡng sinh của CLB Dưỡng sinh TP và biểu diễn võ thuật…
|
Múa Chăm trong “Đêm hội tháp Đôi”. Ảnh: Hoài Thu |
Chương trình đặc sắc nhất của ngày mùng hai Tết (27.1) là Đêm hội tháp Đôi diễn ra vào lúc 19 giờ 30 phút tại di tích Tháp Đôi. Nét mới của đêm hội năm nay là ngoài các tiết mục hát múa dân gian Chăm đặc sắc, còn có tiết mục mang đậm bản sắc nghệ thuật truyền thống Bình Định như Quê tôi (bài chòi), Ông già cõng vợ đi xem hội (tuồng), hòa tấu nhạc cụ dân tộc… thu hút rất đông người dân đến xem. Trong hai ngày mùng ba và mùng bốn Tết, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đã được tổ chức như thi đấu cờ tướng, cờ người, diễn tuồng tại Nhà Thiếu nhi Quy Nhơn và quảng trường trước tượng đài Chiến thắng.
Hoài Nhơn: tưng bừng hội Cổ nhơn
Cùng với nhiều hoạt động diễn ra trong dịp Tết, từ ngày 30 tháng Chạp đến hết ngày mùng năm Tết, tại thị trấn Bồng Sơn có trò chơi Cổ nhơn làm cho không khí xuân thêm tưng bừng. Đây là trò chơi dân gian nhưng rất trí tuệ, đã tồn tại ở Bồng Sơn hàng trăm năm nay và đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng trong ngày Tết. Hầu hết trên mọi con đường ở thị trấn đều treo bảng bán cổ nhơn và tấp nập người mua bàn luận tạo không khí xuân nhộn nhịp, đầy màu sắc. Theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày có đến vài ngàn lượt người tham gia với số tiền khoảng vài trăm triệu đồng. Vì tính chất trò chơi chủ yếu là giải trí ngày Tết, nên từ người già đến trẻ con đều có thể tham gia. Đối với người dân Bồng Sơn, không có Cổ nhơn như thiếu bánh tét, bánh chưng trong ngày Tết…
Trong ba ngày Tết, lượng du khách đổ về vùng biển Tam Quan Bắc khá đông. Điều này một phần vì bãi biển nơi đây khá đẹp, phần khác bởi vì vùng này có những nhà hàng chuyên phục vụ các món đồ biển tươi ngon và giá cả lại phải chăng, nên nhiều người chọn nơi đây để họp mặt gia đình, bạn bè. Nếu như những năm trước đây vấn nạn cờ bạc luôn có trong những ngày trước, trong và sau Tết với những canh bạc rất lớn, thì xuân năm nay người ta chỉ chơi với tính chất thử thời vận đầu năm mà thôi.
. Ngọc Oanh - Công Tâm |
Nét xuân đáng chú ý nhất ở huyện Tuy Phước là sự ấm áp phả ra từ các lễ hội truyền thống. Mới 7 giờ sáng mùng một Tết, chợ Gò (thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước) đã tấp nập kẻ bán người mua trong nắng sớm. Các sản vật trái cây dân dã hái từ vườn nhà là mặt hàng chính được bày bán ở chợ Gò. Được tiêu thụ nhiều nhất vẫn là trầu cau, bởi ai cũng muốn mua để lấy “lộc” đầu năm mới. Ngoài trầu cau, quả đu đủ cũng được nhiều người dân mua lấy hên. Trong những ngày đầu năm mới, đông đảo người dân và du khách đã đến với Lễ hội Chợ Gò để tận hưởng không khí nô nức vui xuân trẩy hội, giao lưu văn hóa, hái lộc đầu năm và hưởng thụ các trò chơi dân gian, đánh bài chòi, hát bội… Anh Văn Khánh, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, nhận xét: “Năm nay, tôi quyết định đưa gia đình đi du lịch và ăn Tết ở Quy Nhơn vì thích cảnh đẹp yên bình nơi này. Được giới thiệu về Lễ hội Chợ Gò, chúng tôi đã lên tham dự và hết sức ấn tượng bởi không khí nhộn nhịp, ấm mang đậm bản sắc Tết quê…”.
Trong những ngày Tết, tại huyện Phù My đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mừng xuân. Sáng mùng hai Tết Kỷ Sửu, trên mặt đầm Trà Ổ đã diễn ra Giải Đua thuyền Truyền thống hàng năm giữa các đội thuyền các xã quanh đầm gồm Mỹ Đức, Mỹ Châu, Mỹ Lợi và Mỹ Thắng. Kết quả giải Nhất nữ, giải Nhất nam đều thuộc về đội thuyền xã Mỹ Thắng. Đồng thời, cờ luân lưu 3 năm liền vô địch Giải Đua thuyền Truyền thống hàng năm huyện Phù Mỹ trên đầm Trà Ổ cũng thuộc về đơn vị Mỹ Thắng. Cũng tại Phù Mỹ, sáng mùng năm Tết, hàng ngàn người dân địa phương và khách du xuân đã có mặt tại Đèo Nhông để xem các trận thi đấu thể thao, trò chơi dân gian. Tết năm nay, Phù Mỹ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thể thao đều khắp trên địa bàn huyện.
Hoài Ân: ngân vang giai điệu cồng chiêng
Hội vui xuân diễn ra tại Nhà Văn hóa huyện từ đêm 30 tháng Chạp đến ngày mồng bốn Tết với các trò chơi dân gian. Cũng tại đây Trung tâm đã khai mạc phòng triển lãm ảnh thời sự vào sáng 30 Tết gồm 60 tấm ảnh ghi nhận sự phát triển của Hoài Ân trong năm 2008. Tại di tích đền thờ Tăng Bạt Hổ, huyện tổ chức lễ viếng dâng hương và mở cửa phòng trưng bày phục vụ cho hàng ngàn lượt cán bộ, nhân dân trong huyện và khách nơi khác đến thăm viếng, tham quan. Ở xã vùng cao BokTới, ĐakMang đã diễn ra liên hoan văn hóa văn nghệ, cồng chiêng giữa các làng. Năm nay, tại thắng cảnh thác Đá Yàng (Ân Hảo Đông) và hồ Vạn Hội (Ân Tín) khách đến du xuân rất đông, ước đạt trên 3.000 lượt người....
Rộn ràng sắc xuân Vĩnh Thạnh
Tại các làng đồng bào Bana ở Vĩnh Thạnh, không khí Tết rộn rã ngay từ giữa tháng Chạp. Đã thành thông lệ, mỗi gia đình đem đến nhà rông của làng một ghè rượu cần để đón xuân mới. Sau lễ cúng năm mới để cầu chúc bình yên, mùa màng tươi tốt, già làng khai hội vui xuân. Những ghè rượu được chêm nước, những cần rượu được vút cong, cồng chiêng ngân vang thúc giục người già, người trẻ vào những điệu múa hội làng truyền thống. Tiếng cồng chiêng bập bùng ngân vang không ngừng nghỉ nối đêm vào sáng.
Cùng với hội làng đêm ba mươi của đồng bào Bana, không khí Tết hiện hữu ở nhiều địa phương trong huyện với các hoạt động văn nghệ, thể thao truyền thống do các xã tổ chức như thi đấu bóng chuyền, cầu lông, hát bội, bài chòi. Bên cạnh đó, đồi Lâm Viên ở trung tâm huyện vừa được hoàn thành với hệ thống cây xanh, điện cảnh quan hoàn chỉnh cũng đã trở thành điểm du xuân lý tưởng cho nhiều người trong đêm giao thừa.
Điều đáng mừng là mùa xuân này, 100% hộ nghèo ở Vĩnh Thạnh được hưởng một cái Tết ấm áp, nghĩa tình khi được Chính phủ hỗ trợ mỗi nhân khẩu 200.000đ để sắm Tết. Thêm vào đó, gần hai ngàn suất quà Tết được trao tận tay đến hộ nghèo, hộ chính sách đã góp phần làm cho sắc xuân ở mỗi gia đình thêm đầm ấm.
|
|