Bóng bay ai thả lên trời…
10:36', 1/2/ 2009 (GMT+7)

Ngày xuân, những chiếc bong bóng lung linh sắc màu, phong phú kiểu dáng là một món quà hấp dẫn với trẻ thơ. Còn người bán thường bị cả chùm bong bóng che khuất như chính số phận của họ...

 

Tết đến, bong bóng là món quà hấp dẫn với trẻ thơ.

 

* “Làng... bong bóng”

Cứ mỗi dịp xuân về, nhiều người dân làng Bún (xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội) lại mang bong bóng nhựa cùng đồ nghề bơm hơi tỏa đi khắp nơi. Điểm đến của họ là các thành phố: Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu…

Sáng mồng hai Tết Kỷ sửu, tôi gặp anh Dương Văn Thông, 26 tuổi lúc anh đang bán bong bóng trước công viên nước TP. Quy Nhơn. Theo lời kể của anh Thông, tôi tìm đến nhà số 275/12 đường Nguyễn Thái Học và gặp ở đây 6 người bán bong bóng dạo đang trọ, họ đều là người làng Bún. Hai vợ chồng anh Thông gởi con gái 2 tuổi cho bà ngoại trông, vào đây bán bong bóng từ giữa tháng chạp. Mấy người ở chung nhà trọ này đều là anh em họ hàng với anh Thông. Cũng như anh, nhiều người kéo cả vợ con vào cùng. Họ vào đây từ giữa tháng chạp và lại trở về quê khoảng mùng mười tháng giêng, khi bong bóng đã thưa người mua và cũng để cho kịp thời vụ sạ lúa. Anh Dương Văn Lý, người ở trọ cùng nhà với anh Thông, cho biết đã làm nghề bán bong bóng hơn 10 năm và đã ăn bốn cái Tết ở Quy Nhơn; từ lúc giá nhà trọ chỉ 3 ngàn, rồi lên 5 ngàn, giờ là 10 ngàn/ngày.

Trong ngôi nhà trọ, nhìn vào đâu cũng thấy… bong bóng. Bong bóng đã bơm căng bay đậu kín trần nhà. Bong bóng chưa bơm nằm chất đống nơi góc nhà, trong bao tải. “Trước đây, người bán bong bóng phải thổi bằng miệng, hoặc bơm bằng tay, vất vả lắm. Giờ cứ mua xút (NaOH), nhôm (Al), trộn chung với nước cho vào bình theo tỷ lệ nhất định là có một bình khí Hydro để bơm bong bóng, công việc nhẹ nhàng hơn”- anh Lý tâm sự. Mỗi sáng, một mình anh Lý đảm trách việc bơm bong bóng cho mọi người. khi tất cả đã đủ “hàng” để mang đi bán, anh mới xuất phát.

Mỗi ngày, những người bán bong bóng dạo thức dậy từ khoảng 5 giờ sáng, sửa soạn cho việc bán buôn trong ngày. Đàn ông mang khoảng 100 cái bong bóng, phụ nữ khoảng 80 cái, ai bán hết lại về lấy tiếp. Bong bóng tuy nhẹ, nhưng đều là bong bóng bay, nên để giữ được cả trăm cái bong bóng, không phải chuyện dễ. “Chợ bong bóng” là đường Nguyễn Tất Thành, ngay phía trước mặt những người bán hoa xuân. Trong cái se lạnh của tiết trời tháng chạp, tháng giêng, người bán bong bóng phải gồng mình để giữ cho chùm bong bóng khỏi bị gió quất ngược lên trời. Anh Thông cho biết, bong bóng mà những người từ làng Bún đến Quy Nhơn bán đều là bong bóng nhựa, bán mỗi cái 15.000 đồng, lời được 4.000 đồng. Sau một cái Tết, cả hai vợ chồng anh lời được từ 2 đến 3 triệu đồng. Anh bảo, đối với một vùng quê nghèo như quê anh, số tiến ấy lớn lắm…

 

Anh Thông và anh Lý chuẩn bị lên đường đi bán bong bóng.
 

* Thả ước mơ…theo chùm bong bóng

Những người bán bong bóng dạo ở làng Bún đến Quy Nhơn thường trọ ở khu Đông sân bay, đường Trường Chinh, đường Nguyễn Thái Học... Họ rời nhà trọ từ sáng sớm, trưa ăn qua quýt, khuya về bỏ bụng tô cháo. Có người suốt ngày theo “điệp khúc” mì tôm.

Đêm giao thừa, khi mọi người đoàn tụ, thì những người bán bong bóng dạo mãi sau 1 giờ sáng mới về tới nhà trọ. Họ tắm rửa giặt giũ rồi sum vầy bên nhau, chung vui miếng bánh chưng, bánh tét, nem chả mua vội ở chợ. Sáng mồng một, khi mọi người hân hoan đi chơi Tết, họ lại tiếp tục rong ruổi mưu sinh trên những con đường xuân, mang đến niềm vui lấp lánh cho trẻ thơ.

Năm nay, anh Dương Văn Trường đã tròn ba mươi tuổi. Sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em, từ nhỏ anh đã phải bươn chải kiếm sống. Anh tâm sự: “Quê tôi nghèo lắm, mỗi người chỉ được nhận một sào ruộng. Năm nay lại mất mùa… Để vợ và hai con nhỏ ở nhà, tôi theo anh em xuôi vào Nam bán bong bóng, kiếm chút ít về phụ gia đình. Tết đến, nhìn gia đình người ta sum họp, nhớ nhà, nhớ vợ con mà ứa nước mắt…”.

Thời gian bán bong bóng chưa đầy tháng, nhưng cũng đòi hỏi ở họ sức khỏe và sự dẻo dai, bởi cả ngày họ cuốc bộ hơn 15 cây số, đứng phơi giữa trời nắng hoặc đêm se lạnh, lại ăn uống kham khổ. Nhưng, dù vất vả đến đâu, họ vẫn phải làm việc để có đồng ra đồng vào. Tôi hỏi, năm mới, anh có ước mơ gì, anh Trường cười: “Người nhà quê, làm không đủ ăn mới đi bán bong bóng giữa lúc Tết nhất thế này. Mình chỉ mong sao có công việc ổn định, gia đình bớt khổ, để được ăn cái tết đầm ấm bên người thân”.

Rời con hẻm, tôi cũng thầm mong cho ước nguyện của anh sớm thành hiện thực. Và, những cái Tết sau này, tôi sẽ không còn gặp họ nữa…

  • Nguyễn Văn Trang

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định được hỗ trợ cải tạo, nâng cấp mạng lưới giao thông   (01/02/2009)
Tưng bừng các hoạt động mừng xuân   (01/02/2009)
Tết sum vầy, vui lan tỏa…  (31/01/2009)
Kỷ niệm 44 năm chiến thắng Đồi 10 và Đèo Nhông - Dương Liễu  (31/01/2009)
Tết Kỷ Sửu diễn ra vui tươi, tiết kiệm và an toàn  (31/01/2009)
Tết quê  (30/01/2009)
Phát huy khí thế chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa trong sự nghiệp xây dựng đất nước hôm nay  (30/01/2009)
Lễ dâng hương - dâng hoa tại Bảo tàng Quang Trung   (30/01/2009)
Diễn ra nhiều hoạt động vui xuân, đón Tết  (29/01/2009)
Khắp nơi rộn rã đón giao thừa   (26/01/2009)
Bí thư Tỉnh uỷ thăm và tặng quà một số đơn vị trực tết   (26/01/2009)
Đêm Gala Dinner cho người nước ngoài Tại KS Hải Âu  (25/01/2009)
Đi dọc đường xuân  (25/01/2009)
Lãnh đạo tỉnh gặp mặt kiều bào về quê đón Tết  (24/01/2009)
Mùa xuân Nhơn Châu  (24/01/2009)