TƯ THỤC HÓA TRƯỜNG THPT CHU VĂN AN:
Có thành hiện thực?
15:20', 3/2/ 2009 (GMT+7)

Mới đây, cán bộ, giáo viên (GV) và nhân dân 5 phường, xã thuộc phạm vi tuyển sinh của Trường THPT Chu Văn An (phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) đã tỏ ra rất băn khoăn về thông tin trường sẽ được tư thục hóa theo chủ trương xã hội hóa giáo dục. Vậy quá trình “xã hội hóa” này có được thực hiện?

 

Một lớp học của Trường THPT Chu Văn An.

 

* Tự chủ nhưng... không tự thu

Trường THPT Chu Văn An được thành lập năm 1999 theo mô hình trường bán công (nay là trường công lập tự chủ tài chính toàn phần) nhằm thu hút số học sinh (HS) lớp 10 không trúng tuyển vào công lập ở 4 phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và xã Phước Mỹ. Trường hiện có 27 lớp, 1.318 HS, 50 cán bộ, GV. Trước đây là trường bán công nên trường được tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ban đầu gồm hai dãy phòng học và một số phòng chức năng. Ông Nguyễn Văn Ba, Hiệu trưởng trường, cho biết: “Hiện trường có 27 lớp nhưng chỉ có 14 phòng học, các phòng bộ môn cũng rất thiếu… Năm 2008, Sở GD-ĐT đã có kế hoạch xây dựng cho trường thêm 8 phòng học và phòng bộ môn, với kinh phí khoảng 800 triệu đồng. Nhưng, đến nay vẫn chưa thấy triển khai”…

Cũng như nhiều trường công lập tự chủ tài chính toàn phần khác, Trường THPT Chu Văn An tổ chức các hoạt động dạy và học, trả lương cho GV từ nguồn thu học phí của HS (100.000 đồng/HS/tháng). Mức thu học phí này do tỉnh quy định từ khi lương tối thiểu của GV còn ở mức 290.000 đồng/người/tháng; nay lương tối thiểu đã tăng lên 540.000 đồng, nên học phí thu được đã không đủ trả lương cho người dạy. Từ 2 năm qua, Nhà nước phải thực hiện chính sách bù lương tối thiểu cho GV các trường công lập tự chủ tài chính toàn phần. Ông Ba cho biết: “Theo kế hoạch, năm nay, tỉnh phải bù lương cho GV của trường trên 420 triệu đồng, nhưng đến nay khoản tiền này vẫn chưa có, trong khi trường vẫn phải tổ chức các hoạt động dạy và học nên rất khó khăn…”.

Tự chủ về tài chính nhưng lại không được tự thu, đồng tiền cứ “thiếu trước hụt sau” nên trường cũng không thể có được sự chủ động trong chi tiêu. Cơ sở vật chất thiếu, lương GV nhiều khi phải vay nóng bên ngoài để trả, còn các khoản dạy thừa giờ, công tác phí của GV thì luôn luôn… nợ.

* Băn khoăn “giữa đôi dòng nước”

Trường THPT Chu Văn An có diện tích 12.750 m2 và ở vị trí đẹp, gần đường giao thông, tương lai nơi đây sẽ là “đất học” với sự quần tụ của nhiều trường phổ thông, đại học, cao đẳng lớn của tỉnh. Nếu được đầu tư thành mô hình trường chất lượng cao, sẽ thuận lợi cho HS 5 phường, xã khu vực ngoại thành của TP Quy Nhơn cải thiện điều kiện học hành. Tư thục hóa để phát triển hay cứ giữ mô hình hiện tại để rồi cơ sở vật chất cứ tiếp tục thiếu thốn, èo uột, GV tiếp tục bị nợ lương, kinh phí hoạt động không có và chất lượng giáo dục cũng không thể khá lên được? Ông Nguyễn Văn Ba cho biết: “Nhiều GV lâu nay vốn làm việc theo kiểu phụ thuộc vào Nhà nước nên có tâm lý e ngại, không biết tư thục rồi thì số phận của mình sẽ ra sao. Còn một số phụ huynh HS thì lo lắng phải đóng học phí cao không kham nổi việc cho con đi học…”.

Cô giáo Trương Thị Thiên Lý, dạy môn Tiếng Anh, cũng tỏ ra băn khoăn: “Cán bộ, GV trong trường có nghe dư luận về việc tư thục hóa Trường Chu Văn An nên tỏ ra rất lo lắng và e ngại về sự xáo trộn của một ngôi trường vốn đã ổn định về nề nếp dạy và học. Mặt khác, khi đã tư thục hóa, mức thu học phí sẽ cao hơn nhiều so với hiện nay. Nhiều gia đình nghèo có con đi học rất lo lắng…”.

  • Ngọc Quỳnh

ÔNG TRẦN VĂN QUÍ, GIÁM ĐỐC SỞ GD- ĐT:

Tư thục hóa để dạy và học tốt hơn

Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, từ trước đến nay, ngành vẫn xác định, lộ trình xã hội hóa giáo dục phải được tính toán, cân nhắc một cách kỹ lưỡng sao cho khi đã xã hội hóa thì việc dạy và học của cả thầy và trò ở nơi ấy sẽ tốt hơn, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ giáo dục được đầu tư, cải thiện tốt hơn, chất lượng giáo dục sẽ cao hơn. Tỉnh sẽ không thực hiện “xã hội hóa” bằng bất cứ giá nào để gây nên sự xáo trộn, mất ổn định trong ngành và đơn vị trường học.

Tôi khẳng định, đến nay, vẫn chưa có chủ trương gì về chuyện tư thục hóa Trường THPT Chu Văn An cả. Khi nào có chủ trương, Sở GD- ĐT sẽ có ý kiến và chính thức thông báo. Còn bây giờ, tôi mong rằng, cán bộ, GV, công nhân viên, HS và nhân dân các phường, xã thuộc địa bàn tuyển sinh của trường vẫn tổ chức việc dạy và học bình thường nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phấn đấu giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em xuống dưới 20,7%  (03/02/2009)
Công an tỉnh tổ chức Lễ báo công dâng Bác  (03/02/2009)
Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh-Dấu mốc tiêu biểu về chuyển hướng chỉ đạo đấu tranh CM miền Nam  (03/02/2009)
179 đảng viên được trao Huy hiệu Đảng đợt 3.2  (03/02/2009)
Lãnh đạo tỉnh thăm nơi thành lập các chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh  (03/02/2009)
Đã tăng cường, cần được tăng cường hơn  (02/02/2009)
Chi bộ Nhà máy Đèn Quy Nhơn: Lịch sử và kết tinh  (02/02/2009)
Bóng bay ai thả lên trời…   (01/02/2009)
Bình Định được hỗ trợ cải tạo, nâng cấp mạng lưới giao thông   (01/02/2009)
Tưng bừng các hoạt động mừng xuân   (01/02/2009)
Tết sum vầy, vui lan tỏa…  (31/01/2009)
Kỷ niệm 44 năm chiến thắng Đồi 10 và Đèo Nhông - Dương Liễu  (31/01/2009)
Tết Kỷ Sửu diễn ra vui tươi, tiết kiệm và an toàn  (31/01/2009)
Tết quê  (30/01/2009)
Phát huy khí thế chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa trong sự nghiệp xây dựng đất nước hôm nay  (30/01/2009)