Đặc sản theo người đi xa
9:57', 4/2/ 2009 (GMT+7)

Khách hàng đang mua nem tại Cơ sở Nem chả Bốn Tạo. Ảnh: T.H

Mấy hôm nay, chị Hoàng Thị Thu Trang nhà ở Quy Nhơn, hiện đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh, tất tả chuẩn bị quà cho ngày vô Nam. Chị dặn anh chủ tiệm nem chả: “Nhớ để cho em 200 nem chiếc loại đặc biệt. Ngày mai đi Sài Gòn, mốt đi làm là nem chín kịp để chiêu đãi tụi bạn ở văn phòng…”. Không phải chỉ riêng chị Trang và chỉ có món nem chua, sau những ngày Tết, nhiều đặc sản Bình Định lại có dịp lan tỏa.

Nem chua Chợ Huyện là đặc sản nức tiếng của Bình Định. Thứ nem dậy mùi thơm cùng lá ổi, vị chua dịu lại đậm đà lại không quá ngọt như nem ở miền Nam. Không ít người chính gốc Nam bộ cũng đâm “ghiền” thứ nem chua của dân Nẫu. Chả thế mà người Bình Định làm ăn, lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, mỗi lần về quê ăn Tết lại đùm túm mỗi người từ vài chục đến vài trăm nem, đem vào gởi biếu bạn bè, người thân trong đó.

Theo một số chủ tiệm sản xuất, kinh doanh mặt hàng nem, chả trên địa bàn Quy Nhơn, thì từ ngày mùng 4 Tết (29.1) đến nay, nem chua luôn ở trong tình trạng “cháy hàng”, làm không kịp để bán cho khách mua đi làm quà vào các tỉnh phía Nam. Hiện nay, giá nem chiếc là 2.000đ/chiếc, tăng bình quân 500đ/chiếc so với thời điểm trước Tết. Nguyên nhân chính của việc tăng giá là giá thịt heo nạc đã tăng hơn so với trước Tết (khoảng 10.000đ/kg) và nhân công hiếm hơn ngày thường vì nhiều người còn nghỉ Tết.

Sau ngày hạ nêu, vợ chồng chị Hoàng Thị Kim Hương chạy xe từ Phù Mỹ vào Quy Nhơn đặt mua 200 nem chiếc, vài cây chả bò ở Cơ sở Nem chả Bốn Tạo (đường Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn) cho kịp chuyến tàu chiều cùng ngày vào TP Hồ Chí Minh. “Tôi làm ở siêu thị Big C đã chục năm nay. Đã thành lệ, năm nào về quê ăn Tết rồi vào Sài Gòn, tôi cũng mua nem biếu đồng nghiệp trong đó. Ai cũng thích nem Bình Định vì vị khác hẳn với nem chua ở miền Nam”- chị Hương nói.

Anh Lập, chủ Cơ sở Nem chả Bốn Tạo, cho biết: Mấy ngày qua, tiệm làm với lượng thịt gấp đôi so với ngày thường, chủ yếu là làm nem để cung cấp cho khách đi xa, nhưng vẫn không đủ bán. Bởi thế, tiệm không bán loại nem ăn liền mà chỉ bán loại mới làm, vài ngày sau mới dùng được. “Sau Tết năm nào cũng diễn ra tình trạng này. Chỉ đến khoảng sau rằm tháng giêng, khi lượng khách vào miền Nam giảm hẳn, thì sản xuất mới bình thường trở lại… “- anh Lập nói.

Không chỉ có nem chua mà mực tẩm, chả cá, bánh tráng hay rượu Bàu Đá… đều “hút” khách đi xa. Anh Trần Hoàng Hưng, 29 tuổi, làm việc tại một công ty tin học ở TP. Hồ Chí Minh, đang lựa mua 3 hũ mực tại một quầy hải sản khô tại khu chợ tạm chợ Lớn (đường Tăng Bạt Hổ) cho biết: năm nào anh cũng mua vài ba hũ mực ngào thật cay, nem chua Chợ Huyện cùng vài lít rượu Bàu Đá vào “lai rai” cùng với bạn bè.

Còn bà Nguyễn Thị Ngọc, chủ DNTN Bàu Đá Ngọc Hương, vui vẻ cho biết: Mới mùng 2 Tết đã nhận được điện thoại mua rượu của một người Úc có vợ là người Tây Sơn. Tình cờ thấy mẫu mã rượu Bàu Đá Ngọc Hương trên mạng, ông đã gọi điện tìm hiểu mẫu mã, chất lượng rượu trước khi đặt một số hàng lớn để về cung cấp cho một số nhà hàng khách sạn bên Úc. “Ngày hôm qua, tôi mới chở một số mẫu lên cho người nhà của vợ ông ấy xem. Còn hôm mùng 6 Tết, một Việt kiều ở Anh đến mua 90 chai Bàu Đá về làm quà cho bạn hàng ở bên ấy…” - bà Ngọc nói.

Tuy vậy, dạo quanh một số cửa hàng bán đặc sản quê nhà, tôi cũng nghe không ít lời than phiền của các chủ tiệm, khi mà lượng hàng bán ra cả trước và sau Tết không được như năm ngoái. Một chị bán bánh tráng ngay ngã tư đường Tăng Bạt Hổ – 31 tháng 3, than thở: “Năm nay, kinh tế khó khăn nên hàng còn tồn nhiều, chẳng bù cho mấy năm trước bán hết đến đâu lại lấy đến đấy…”. Một số tiệm chuyên bán rượu Bàu Đá cũng cho biết thêm năm nay lượng người mua rượu làm quà cũng ít hơn mấy năm trước và số lượng có phần giảm.

Vợ chồng anh Tự - chị Mai, nhà ở đường Tăng Bạt Hổ, có nghề làm chả cá và bán bún cá cho biết: Hiện mỗi ngày vợ chồng anh phải làm thêm khoảng 10 kg chả nữa theo đặt hàng của khách để gởi vào TP Hồ Chí Minh làm quà. Tuy vậy, lượng hàng bán ra cũng chỉ bằng

2/3 năm ngoái, vì theo anh Tự: “Có lẽ vì năm vừa rồi kinh tế khó khăn, nhiều người làm việc xa quê không có tiền về ăn Tết, hoặc không dư dả để mua quà cho bạn bè, người thân”. Còn bà Bông, chủ tiệm Hưng Bình, chuyên bán các loại nem chả và mắm, thì nhận xét: “Mấy năm trước, sau Tết, khách đến tiệm của tôi mua tré gởi đi xa làm quà rất nhiều, nhưng năm nay coi bộ không bằng phân nửa mọi năm. Đời sống khó khăn, nhiều người đi làm xa nhà, Tết âm thầm về rồi âm thầm đi, chẳng quà cáp gì”.

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giảm giấy tờ, tăng cường giao dịch bằng thư điện tử  (04/02/2009)
Gần 30% cơ sở vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm  (04/02/2009)
Triển khai thí điểm mô hình phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh  (04/02/2009)
Đội ngũ cán bộ đã có bước trưởng thành rõ rệt  (04/02/2009)
Có thành hiện thực?  (03/02/2009)
Phấn đấu giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em xuống dưới 20,7%  (03/02/2009)
Công an tỉnh tổ chức Lễ báo công dâng Bác  (03/02/2009)
Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh-Dấu mốc tiêu biểu về chuyển hướng chỉ đạo đấu tranh CM miền Nam  (03/02/2009)
179 đảng viên được trao Huy hiệu Đảng đợt 3.2  (03/02/2009)
Lãnh đạo tỉnh thăm nơi thành lập các chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh  (03/02/2009)
Đã tăng cường, cần được tăng cường hơn  (02/02/2009)
Chi bộ Nhà máy Đèn Quy Nhơn: Lịch sử và kết tinh  (02/02/2009)
Bóng bay ai thả lên trời…   (01/02/2009)
Bình Định được hỗ trợ cải tạo, nâng cấp mạng lưới giao thông   (01/02/2009)
Tưng bừng các hoạt động mừng xuân   (01/02/2009)