THỰC HIỆN LUẬT DẠY NGHỀ:
Đào tạo nghề cho người tàn tật
8:50', 5/2/ 2009 (GMT+7)

Những năm qua, Nhà nước đã quan tâm xây dựng và thực thi các chương trình trợ giúp người tàn tật (NTT) về mọi mặt, trong đó, mục tiêu đào tạo nghề cho NTT nhằm giúp họ có năng lực thực hành nghề phù hợp với khả năng lao động của mình để tự tạo việc làm hoặc tìm được việc làm, ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng (theo Điều 68 Luật Dạy nghề ) được đặc biệt chú trọng.

 

Người tàn tật học nghề và làm việc tại Công ty TNHH May Thành Hiệp. Ảnh: Ngọc Phương

 

Theo quy định, lao động là NTT là người lao động không phân biệt nguồn gốc gây ra tàn tật, bị suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên, được Hội đồng giám định y khoa hoặc cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận theo quy định của Bộ Y tế.

Chính sách trợ giúp đào tạo nghề được thực hiện đối với cả bản thân người lao động và cả cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật, nhằm mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống, từng bước tạo điều kiện cho NTT được tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, tạo môi trường xã hội chăm lo ngày càng tốt hơn cho NTT. Bởi thực tế không phải cơ sở dạy nghề, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng thu nhận NTT vào học nghề hoặc làm việc.

Một trong những chính sách đang áp dụng cho lao động là NTT là chính sách trợ giúp đào tạo nghề và chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhận lao động là NTT. Theo thống kê, hiện nay ở nước ta có trên 5,3 triệu NTT; riêng tỉnh Bình Định có khoảng 61 ngàn NTT, trong đó có khoảng 20 ngàn thương binh. Nhiều người trong số đó vẫn có khả năng lao động một phần và có nhu cầu được học nghề, được làm những công việc phù hợp với sức khỏe của mình.

Sở LĐ-TB&XH trước đây cũng đã có những cố gắng trong công tác đào tạo nghề cho NTT tại các cơ sở dạy nghề nhưng chưa thu hút đông đảo NTT tham gia và cũng chưa có những lớp, những khóa đào tạo nghề riêng cho họ. Các cơ sở tư nhân và các tổ chức từ thiện như: Cơ sở Nguyễn Nga, Cơ sở Đồng Tâm (TP. Quy Nhơn) đã đào tạo nghề và dạy chữ cho hàng trăm người khuyết tật, nhất là vị thành niên bị khuyết tật. Đặc biệt, Công ty TNHH May xuất khẩu Thành Hiệp (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) do chị Nguyễn Thị Dư - một người khuyết tật làm giám đốc, đã tiếp nhận trên 40 công nhân may là người khuyết tật vào làm việc với thu nhập tương đối ổn định. Trường Dạy nghề, ở 02 Tăng Bạt Hổ, TP. Quy Nhơn, thuộc Sở LĐ-TB&XH sau khi tiếp quản Cơ sở Nguyễn Nga (tháng 6.2007), đã tổ chức dạy chữ cho gần 100 trẻ em khuyết tật và mở các lớp dạy nghề tại các huyện cho gần 100 học viên là người khuyết tật...

Tuy nhiên, so với tổng số NTT trong toàn tỉnh thì những con số này hãy còn nhỏ bé. Tâm lý e ngại nhận NTT của các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp vẫn còn phổ biến; nhiều NTT sau khi đã được đào tạo nghề không dễ gì được việc làm. Vẫn còn đó một số công sở, doanh nghiệp nhà nước... không có thiện chí nhận NTT (có chuyên môn) vào làm việc.

Theo quy định hiện hành, người lao động tàn tật được hưởng các chế độ, như:  Được Nhà nước, các cơ sở dạy nghề, các tổ chức kinh tế tạo điều kiện thuận lợi trong việc lựa chọn nghề, học nghề, tự tạo việc làm phù hợp với sức khỏe và khả năng lao động của mình; được tư vấn hướng nghiệp, tư vấn nghề và tư vấn học nghề miễn phí; khi đi học ở các trường công lập sẽ được hưởng chính sách về học bổng, trợ cấp xã hội, chế độ cử tuyển, chính sách tín dụng giáo dục, chính sách miễn, giảm phí dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên theo quy định của Luật Giáo dục năm 2005,... Điều đó thể hiện ở chỗ Nhà nước trực tiếp thực hiện việc đào tạo nghề cho NTT (thông qua các cơ sở đào tạo của Nhà nước) và Nhà nước đầu tư và hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động đào tạo nghề cho NTT nói chung. Bằng tất cả những biện pháp đó, Nhà nước đang từng bước tạo môi trường xã hội cho việc chăm lo ngày càng tốt hơn đối với NTT nói chung, lao động là NTT nói riêng, giúp họ hòa nhập với đời sống cộng đồng, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

  • Ngọc Phương

Luật Dạy nghề được Quốc hội Khóa XI ban hành ngày 29.11.2006 (bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1.6.2007).

Khoản 2, điều 70 của Luật Dạy nghề: chính sách đối với cơ sở dạy nghề

“Cơ sở dạy nghề cho người tàn tật, khuyết tật được Nhà nước hỗ trợ về tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề; được giao đất không thu tiền, hoặc thuê đất ở nơi thuận lợi cho việc học nghề của người tàn tật, khuyết tật”.

Khoản 5, điều 55 Luật Dạy nghề: chính sách đối với doanh nghiệp có hoạt động dạy nghề

“Doanh nghiệp được Nhà nước hỗ trợ khi tiếp nhận người tàn tật, khuyết tật vào học nghề và làm việc cho doanh nghiệp; được trừ để tính thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật đối với các khoản đầu tư, chi phí hợp lý của doanh nghiệp để duy trì hoạt động của cơ sở dạy nghề trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và chi phí dạy nghề của doanh nghiệp cho người lao động được tuyển dụng vào làm việc cho doanh nghiệp”.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đã kết nạp 10.359 đoàn viên thanh niên vào Đảng  (05/02/2009)
Đặc sản theo người đi xa  (04/02/2009)
Giảm giấy tờ, tăng cường giao dịch bằng thư điện tử  (04/02/2009)
Gần 30% cơ sở vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm  (04/02/2009)
Triển khai thí điểm mô hình phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh  (04/02/2009)
Đội ngũ cán bộ đã có bước trưởng thành rõ rệt  (04/02/2009)
Có thành hiện thực?  (03/02/2009)
Phấn đấu giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em xuống dưới 20,7%  (03/02/2009)
Công an tỉnh tổ chức Lễ báo công dâng Bác  (03/02/2009)
Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh-Dấu mốc tiêu biểu về chuyển hướng chỉ đạo đấu tranh CM miền Nam  (03/02/2009)
179 đảng viên được trao Huy hiệu Đảng đợt 3.2  (03/02/2009)
Lãnh đạo tỉnh thăm nơi thành lập các chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh  (03/02/2009)
Đã tăng cường, cần được tăng cường hơn  (02/02/2009)
Chi bộ Nhà máy Đèn Quy Nhơn: Lịch sử và kết tinh  (02/02/2009)
Bóng bay ai thả lên trời…   (01/02/2009)