Đầu năm 2009, UBND tỉnh và Quỹ Fred Hollow (FHF) đã ký kết dự án “Phát triển chăm sóc mắt toàn diện” giai đoạn 2009-2012. Đây là một tin vui cho những bệnh nhân mắc bệnh mù lòa ở Bình Định.
|
Cố vấn y khoa của FHF trao đổi chuyên môn với các bác sĩ Bệnh viện Mắt Bình Định. Ảnh: FHF
|
Ông Huỳnh Tấn Phúc, Giám đốc Quỹ FHF tại Việt Nam, cho biết: Có hai lý do để FHF tiếp tục đầu tư giai đoạn II của dự án này ở Bình Định. Trước hết, Bình Định đã có nhiều sáng kiến và tổ chức thành công các hoạt động phòng chống mù lòa. Mặt khác, theo kết quả của cuộc điều tra quốc gia về đánh giá nhanh tỉ lệ mù lòa có thể phòng tránh được, do Viện Mắt Trung ương tiến hành, Bình Định là một trong số ít tỉnh, thành có số người mắc bệnh mù lòa cao nhất nước, chiếm tỉ lệ 1,11% dân số, tương đương với 17.400 người.
Hiện nay, mù lòa và một số bệnh về mắt khác là những vấn đề quan trọng của cộng đồng. Vài năm gần đây, sự gia tăng số lượng bệnh không do nhiễm trùng mắt đang là một thách thức đối với năng lực chăm sóc mắt của tỉnh. Hầu hết các nguyên nhân chính gây ra mù lòa có thể ngăn chặn được bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời hoặc dự phòng tích cực. Điều này chứng tỏ, việc đẩy mạnh toàn diện và bền vững chương trình phòng chống mù lòa, mổ đục thủy tinh thể cho bệnh nhân ở Bình Định là rất cần thiết. Trong đó, tuyến y tế cơ sở cần có sự đầu tư thích đáng về con người, trang thiết bị, phương tiện… để có bước đột phá, thì mới đủ sức phục vụ tốt hơn nhu cầu chăm sóc mắt của cộng đồng.
Theo Bệnh viện Mắt Bình Định, 7,3% dân số trong tỉnh có thị lực thấp hơn 1/10; 25,6% dân số mắc bệnh nhiễm trùng mắt. Các nguyên nhân chủ yếu gây mù trong tỉnh là đục thủy tinh thể, viêm loét giác mạc, glaucoma, chấn thương mắt… |
Trong giai đoạn II, dự án chăm sóc mắt được triển khai toàn diện các hoạt động tại 4 huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão và Vân Canh, với mục đích thiết lập mạng lưới chăm sóc mắt cộng đồng bền vững, giảm đáng kể tỉ lệ người bị mù có thể tránh được; đồng thời giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc mắt.
Điểm mới của dự án giai đoạn II là sẽ triển khai, thiết lập và duy trì hệ thống kiểm soát các bệnh lý glaucoma, bán phần sau… Do đó, ngoài mục tiêu phát triển nguồn nhân lực bác sĩ chuyên khoa mắt có chuyên môn và chất lượng cao, FHF sẽ đào tạo cho Bệnh viện Mắt ba bác sĩ chuyên khoa sâu về phẫu thuật nhãn nhi, glaucoma và bán phần sau. Ở tuyến cơ sở, nhân viên y tế được tập huấn về kỹ năng chăm sóc mắt ban đầu, kỹ năng giám sát, truyền thông để có thể cấp cứu, chẩn đoán, điều trị, chuyển bệnh và theo dõi đục thủy tinh thể và glaucoma.
Dự án cũng sẽ cung cấp trang thiết bị cần thiết để thiết lập Trung tâm Đào tạo tại Bệnh viện Mắt; đồng thời nâng cấp phòng khám, phòng mổ mắt cho 4 trung tâm y tế huyện để có đủ chức năng như một cơ sở chẩn đoán, điều trị, phẫu thuật các bệnh về mắt. Đặc biệt, khoảng 3.600 trường hợp bệnh nhân mù nghèo do bệnh đục thủy tinh thể cũng sẽ được hỗ trợ phẫu thuật miễn phí.
|